Mặc cho nhiều người nói chú bị khùng điên, đến cả vợ cũng từng đưa vào bệnh viện tâm thần để khám nhưng chú Chánh vẫn rất vui khi được tiếp tục nhảy múa, bán từng bịch bánh phồng để kiếm tiền lo cho tổ ấm nhỏ của mình.
Những ngày cuối năm, Sài Gòn nóng dữ thần, nắng như đổ lửa, như kiểu mỗi khi nhắc đến chuyện ra đường ai cũng e ngại.
Hình ảnh chú Chánh mặc áo dài nhảy múa ở các nẻo đường tại TP.HCM đã quen thuộc với người dân
12h trưa, tôi tạt ngang góc đường Cách Mạng Tháng 8 giao với Điện Biên Phủ, giữa dòng xe cộ tấp nập, trên vỉa hè, một người đàn ông lớn tuổi mặc bộ áo dài xanh, chốc chốc lấy tay gạt mồ hôi trên mặt rồi tiếp tục tươi cười nhảy múa, lắc lư theo điệu nhạc thu hút sự chú ý của nhiều người.
Câu chuyện người cha nhảy múa bán bánh để nuôi con từng gây bão cộng đồng mạng 2 năm về trước
Chợt nhận ra người quen khi khoảng 2 năm trước, các clip của người đàn ông này cũng xuất hiện rần rần trên mạng xã hội bởi điệu nhảy độc đáo, tạo niềm vui cho mọi người để bán từng bịch bánh mưu sinh.
Hai năm ròng nhảy múa, làm “khùng điên” để nuôi con
Đó là chú Chánh, năm nay vừa tròn 50 tuổi. Xa gia đình vào Sài Gòn buôn bán từ năm 2005, hơn 15 năm qua, chú trải qua vô số công việc, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để gửi về quê nuôi 3 đứa con ăn học.
Đưa tay lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt rồi hớp vội ngụm nước trà, chú Chánh nhấc mình dậy, cầm theo chiếc loa mini rồi tiến về phía ngã tư, cất giọng hát ồm ồm, vui vui rồi lắc lư cơ thể.
Chú Chánh chuẩn bị cho mình một loạt bài hát phù hợp với từng thời điểm để nhảy múa, đem lại niềm vui cho người dân
“Xuân xuân ơi xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến. Xuân xuân ơi xuân đã về, tiếp chúc giao thừa mừng đón mùa xuân…”.
Cách đó vài bước chân, cô Nghĩa (vợ chú Chánh) nhìn chồng, giọng chua xót: “Cô bảo ổng nghỉ đi, đừng có nhảy múa hát hò nữa mà cản không được, ổng thích là làm thôi. Lớn tuổi rồi, chẳng biết giữ sức khỏe gì cả”.
Nhiều lần cản chồng không được, cô Nghĩa chấp nhận đi theo chú Chánh mỗi ngày để đỡ đần công việc
Hai năm rồi, chú Chánh vẫn miệt mài với việc nhảy múa ngoài đường để bán buôn được đắt khách hơn. Dù trời mưa hay nắng như đổ lửa, chú Chánh chẳng nề hà gì, chỉ cần ngày hôm đó bán được nhiều bánh, có thêm thu nhập để gửi về cho con là chú cảm thấy hạnh phúc.
“Ban đầu bận cái áo dài này vào, nhảy múa ngoài đường người ta nói chú là khùng điên. Đến cả bả (cô Nghĩa) cũng nghĩ chú bị gì, đưa vào bệnh viện tâm thần khám nữa. Mà cháu xem, chú có bị gì đâu, người mình vui vẻ, mang tiếng cười cho mọi người thôi.
Giờ thì mọi người đã quen, nhiều người thương chú lắm, mình vừa làm hài, vừa làm cho mùa xuân đất nước thêm rộn rã. Mà cũng có người không thích chú, nói chú lường gạt, lấy lòng thương của mọi người nhưng chú mặc kệ, mình có làm gì đâu mà phải xấu hổ, kiếm tiền để lo cho con thôi mà”, chú Chánh tâm sự.
Chú Chánh hào hứng kể lại những câu chuyện vui trong lúc bán bánh phồng
Sống với nhau mấy chục năm, vợ chồng chú Chánh có được 3 người con đặt tên là Hiếu, Tài, Năng. Hiện Hiếu đã ra trường và có việc làm, tuy nhiên còn Tài và Năng vẫn còn nhỏ, mỗi tháng hai vợ chồng đều dành dụm số tiền bán buôn mỗi ngày để gửi về quê lo cho 2 đứa con ăn học.
Thấy chú Chánh nhảy múa một cách ngây ngô trên đường phố, không ít người đã ghé lại để mua ủng hộ chú vài bịch bánh phồng. Có người còn mang cơm hộp, đồ uống để tặng chú khiến sự vất vả, mệt nhọc cũng dần tan biến.
Dù trời nắng gắt, mệt nhọc nhưng lúc nào chú cũng vui vẻ, cười đùa khi có khách hỏi thăm
“Có cái bà kia, ngày nào cũng đạp xe qua đây để mang cơm hộp cho chú, họ thấy chú vất vả họ thương, được cái mình hài, ai nhìn cũng thích”, chú Chánh cười sảng khoái.
Còn khỏe là chú tiếp tục, vì con mà cố gắng…
Mặc dù bản thân cũng mang nhiều chứng bệnh tuổi già như cao huyết áp, tiểu đường…, nhưng vì miếng cơm manh áo, chú Chánh vẫn gắng gượng từng ngày để đi khắp mọi ngõ ngách ở Sài Gòn để mưu sinh.
Hơn 15 năm xa quê, chú Chánh luôn gắng gượng để đem lại cuộc sống đầy đủ nhất cho các con
Một ngày làm việc của chú Chánh bắt đầu từ lúc 5h sáng kéo dài đến tận khuya, hôm nào may mắn bán được nhiều bánh phồng, về sớm, chú Chánh lại có thời gian nói chuyện với mấy đứa con ở quê. Dù vất vả nhưng lúc nào chú Chánh cũng lạc quan, nghĩ đến các con mà cố gắng.
Hộp cơm được một người dân tốt bụng đem lại cho vợ chồng chú Chánh
“Ngày nào chú cũng phải bán hết bánh thì mới dám về ngủ, ban ngày thì bán ở chỗ này (quận 3), tối đến ra quận 1 để bán. Nhiều người quen thấy chú lại chạy đến mua ủng hộ, có đứa bảo chú Chánh nhảy múa đi rồi con mua cho, mình liền làm theo. Tuy có mệt nhưng mà vui, kiếm thêm được tiền để gửi về cho con”, chú Chánh cười chia sẻ.
Đợt trước, chú Chánh bị bệnh, phải nghỉ bán một thời gian dài, cô Nghĩa cũng nhiều lần khuyên chú nên nghỉ ngơi mà chú nhất định không chịu. Phần vì vướng bận chuyện học hành của con, phần khác chú xem việc nhảy múa là niềm vui, tạo tiếng cười cho mọi người.
Chú Chánh hào hứng khi nhắc đến sự ngoan ngoãn, hiếu thảo của 3 đứa con
“Mấy đứa con nó cũng bảo chú đừng có nhảy múa nữa, nhiều người nói ra nói vào khiến tụi nó xấu hổ. Chú thì cứ bảo con là mình làm ăn lương thiện, có lường gạt ai đâu mà phải xấu hổ. Cái đời sống tinh thần cũng phải có, chú làm vầy mà mọi người vui là chú vui lắm rồi”, chú Chánh tâm sự.
Tết năm nay, nhờ sự hỗ trợ của nhóm tình nguyện, vợ chồng chú Chánh có cho mình 2 chiếc vé xe để về quê ăn Tết, tiết kiệm được một khoản kha khá để sắm sửa đồ đạc trong nhà. Những ngày cận Tết, chú vẫn miệt mài ngoài vỉa hè để bán từng bịch bánh phồng để kiếm thêm thu nhập…
Hình ảnh chú Chánh nhảy múa để bán từng bịch bánh phồng (3 bịch 50 ngàn) khiến những người đi đường vừa thương cảm, vừa kính trọng
“Chú chỉ mong mấy đứa con được học hành đến nơi đến chốn, sau này có được một công việc tốt để lo cho bản thân mình, chứ cô chú đâu thể nào sống cả đời với tụi nó được. Vì phận mình nghèo nên mình phải cố gắng gấp bội để lo cho con, ông trời có lấy của ai bao giờ đâu. Như chú nè, mọi người nhìn vào chú bảo sao chú duyên dữ vầy, nhìn cứ hài hài, đó là ông trời ban đó, mình phải hạnh phúc vì điều đó”, chú Chánh vui vẻ nói.
Có thể một năm, hai năm hay thậm chí vài ba tháng nữa, chú Chánh phải gác lại công việc nhảy múa của mình khi sức khỏe không cho phép. Nhưng đối với mọi người, hình ảnh của người đàn ông tròn tròn, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ làm trò “khùng điên” trên đường phố Sài Gòn để bán từng bịch bánh phồng sẽ còn mãi trong trí nhớ về một câu chuyện đẹp của người cha già dành cho đám con thơ…
Hy vọng qua năm mới, chú Chánh có thật nhiều sức khỏe, tiếp tục mang lại niềm vui, tiếng cười dành cho mọi người…
News
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2024 CHÍNH THỨC
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: – Ngày 26/6/2024: làm thủ tục…
Toàn bộ bảng lương chi tiết nhất của giáo viên từ 1/7/2024: Mức lương cao nhất của thầy cô cụ thể là bao nhiêu?
Toàn bộ bảng lương mới từ 01/7/2024 của giáo viên sẽ thay đổi. Vậy mức lương thấp nhất, cao nhất ra sao? Tham khảo ngay toàn bộ…
Nam sinh chuyên Văn nhưng chọn Sư phạm Toán: Từng nghĩ sẽ bỏ cuộc rồi thành Á khoa, đưa lời khuyên “vàng” về chọn ngành
Xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chu Văn An nhưng lại tốt nghiệp Á khoa ngành Sư phạm Toán (dạy bằng Tiếng Anh),…
Từ 1/7/2024: Hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng?
Dư luận đang lan truyền thông tin hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 khiến các…
2 bảng lương mới của giáo viên từ 1/7/2024: Các khoản phụ cấp chiếm 30%
Khi cải cách tiền lương thì 02 bảng lương mới của giáo viên là viên chức sẽ thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương so…
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Thêm 2 khoản phụ cấp mới, lương cụ thể là bao nhiêu?
Hai khoản phụ cấp mới trong lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách không chỉ giúp tạo ra một hệ thống phụ cấp linh hoạt và…
End of content
No more pages to load