Dù thời gian qua đi đã khá lâu nhưng những ký ức về những ngày dạy bình dân học vụ, về những lần được gặp Bác Hồ… vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm trí người thầy giáo Nguyễn Trung Thiếp. 

Ngày 8/9/1945, tức là 6 ngày sau lễ Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ: “Mỗi người biết chữ là một giáo viên, mỗi gia đình là một lớp học, mỗi người công dân Việt Nam bất kỳ già trẻ gái trai đều phải biết chữ”.

Cả nước dấy lên phong trào bình dân học vụ, lớp học “i, tờ” mọc lên khắp nơi, người biết chữ làm giáo viên không lương, người dân đi học để thoát cảnh không thể viết tên mình…

Có một thầy giáo dạy bình dân học vụ ở tuổi 15

Vào ngày giữa tháng 11, trong không khí cả nước tưng bừng chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Trung Thiếp trong ngôi nhà bình dị của ông ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội. Thầy Thiếp là số ít những nhân chứng lịch sử thời dạy bình dân học vụ. Thầy đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền từ và đưa chúng tôi vào những câu chuyện về một thời chúng tôi chưa được sinh ra.

Hồi ức của thầy giáo dạy Bình dân học vụ từ những năm 1940 và kỷ niệm gặp Bác Hồ 17 lần  - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Trung Thiếp chia sẻ về những năm dạy bình dân học vụ. Ảnh: Tào Nga

Thầy Nguyễn Trung Thiếp sinh năm 1933 ở làng Văn Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. 11 tuổi, khi đang học lớp 5-6, ông làm liên lạc và tuyên truyền viên cho Mặt trận Việt Minh và tình báo liên lạc cho bộ đội chủ lực tỉnh Nghệ An, tiểu đoàn 19/8. Năm 15 tuổi (năm 1948), ông tham gia phong trào dạy bình dân học vụ. Ông vừa dạy cho bà con trong làng, vừa đi học cho mình. Khi đó ông đảm nhiệm chức vụ Hiệu đoàn trưởng trường và Tổ trưởng bình dân học vụ.

Ông kể, ông đảm nhiệm 2, 3 lớp học trong làng và mỗi lớp khoảng 10-20 người. Lớp học không cố định mà dạy ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào có thể. Có khi nay ở nhà người này, mai ở nhà người kia và cũng có khi là ngoài chợ. Thời gian học là sáng, trưa, chiều, tối – cứ người dân rảnh lúc nào thì ông dạy lúc đó. Bảng của thầy giáo cũng là tất cả những vật dụng có thể viết lên được như cánh cửa, ghế băng… hay thậm chí là chiếc mẹt đặt ở cổng chợ. Ai muốn đi chợ thì phải đọc được chữ trên mẹt mới cho vào.

“Học sinh” của ông không chỉ có anh em mà còn là bà học cùng với cháu, vợ học với chồng, hoặc cả nhà học chung lớp với nhau. Thầy giáo dạy chữ kiêm luôn việc đưa đón học sinh. Nhiều người già quá đi đường nguy hiểm nên thầy đến đón trò đi học rồi lại đưa trò về nhà cho an toàn.

Hồi ức của thầy giáo dạy Bình dân học vụ từ những năm 1940 và kỷ niệm gặp Bác Hồ 17 lần  - Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Trung Thiếp chia sẻ câu chuyện với PV. Ảnh: Tào Nga

Gian nan, vất vả trong việc học con chữ là thế nhưng khi đó, dân với thầy đều là 1 và mọi người nể trọng, yêu quý thầy thực sự. Thầy Thiếp kể, thầy cũng hay được mọi người tặng quà, là những cuốn sách mà ở thời đó sách vô cùng quý giá. Cũng có người tặng tiền nhưng thầy nhất định không lấy, ai cho sách thì thầy nhận để tặng lại cho học sinh.

Sau 8 năm làm thầy giáo lớp học Bình dân học vụ, năm 1956, thầy Thiếp là Hiệu phó Trường Văn hóa dạy cán bộ cấp tỉnh về học sau cải cách ruộng đất và sau đó là cán bộ Phòng Giáo dục phụ trách bình dân học vụ huyện Nam Đàn.

Quá trình phấn đấu từ một giáo viên bình dân học vụ và tình báo liên lạc, được Giám đốc Nha bình dân học vụ Vương Kim Toàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và khuyên bảo, ông đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ dạy: Phải diệt giặt dốt, diệt giặc đói cũng như giặc ngoại xâm.

Hồi ức của thầy giáo dạy Bình dân học vụ từ những năm 1940 và kỷ niệm gặp Bác Hồ 17 lần  - Ảnh 3.

Thầy Thiếp và những kỷ niệm cống hiến một thời thanh xuân cho đất nước. Ảnh: Tào Nga

Kỷ niệm 17 lần được gặp Bác Hồ

Một trong những niềm tự hào của thầy Nguyễn Trung Thiếp là được 17 lần gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ông gặp Bác là năm 15 tuổi khi bác về thăm làng ông. Bác Hồ đã trực tiếp hỏi: “Làm thế nào mà cháu là trẻ con có thể dạy được người lớn?”. Ông vui vẻ đáp lời: “Cháu học theo người lớn. Thấy người ta làm gì thì cháu làm theo”. Kỷ niệm về lần đầu tiên đó không bao giờ thầy giáo Thiếp quên, dù đã hơn 70 năm trôi qua.

Lần thứ hai ông gặp Bác sau đó 10 năm. Chính nhờ những ngày tháng đi đầu, lăn lộn cống hiến cho đất nước diệt giặc dốt, ông đã được phong tặng Anh hùng lao động đầu tiên của ngành Giáo dục năm 1958. Ông được Bác Hồ tặng quà và bộ quần áo, bút, huy hiệu. Tất cả kỷ vật này hiện được trưng bày tại Khu di tích lịch sử Kim Liên. Những lần sau đó, do tính chất công việc nên ông đã được gặp Bác Hồ nhiều hơn.

Hồi ức của thầy giáo dạy Bình dân học vụ từ những năm 1940 và kỷ niệm gặp Bác Hồ 17 lần  - Ảnh 4.

Bộ quần áo của thầy Thiếp hiện được trưng bày tại Khu di tích lịch sử Kim Liên. Ảnh: GĐCC

Năm 1958-1961, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên điều trực tiếp đi học bổ túc công nông. Ông làm bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng, cùng khóa với nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Năm 1962, ông đi học chuyên tu Nga văn tại Liên Xô cũ nhưng bị bệnh phải về nước và tiếp tục học tại Đại học Sư phạm Vinh, khóa 2.

Năm 1975-1977, ông học lý luận cao cấp Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc hệ dài hạn cùng với Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Sau đó, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký quyết định làm Chủ tịch Hội đồng coi thi và chấm thi tú tài toàn phần cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Năm 1977, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình điều ông ra làm Phó Chánh thanh tra Bộ Giáo dục. Với trọng trách là Phó Chánh Thanh tra của Bộ, ông đã góp phần tích cực vào phong trào chống tiêu cực, chống tham nhũng, giải quyết oan sai trong ngành để xây dựng Bộ GDĐT trong sạch, vững mạnh, phát triển. Từ năm 1995, ông về hưu và quây quần bên con cháu.

Hồi ức của thầy giáo dạy Bình dân học vụ từ những năm 1940 và kỷ niệm gặp Bác Hồ 17 lần  - Ảnh 5.

Gia đình của thầy giáo Nguyễn Trung Thiếp. Ảnh: GĐCC

Trong căn nhà nhỏ khu tập thể Thành Công, thầy giáo Nguyễn Trung Thiếp lưu giữ nhiều kỷ niệm của riêng mình và cũng là một phần lịch sử của đất nước. Ông liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 45 lần khen thưởng từ cấp địa phương đến trung ương, Huân chương Anh hùng lao động và Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bác Hồ ký khen thưởng, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, 60 năm tuổi Đảng. Ngoài ra, ông biết 3 ngoại ngữ là Pháp, Nga, Hán.

Thầy Nguyễn Trung Thiếp là tấm gương cho con cháu trong việc tự học, tự thân (ông là người con duy nhất và bố mẹ mất năm ông 19 tuổi). Trong mắt các con cháu, ông là một người rất giản dị, liêm chính. Đặc biệt, ông vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt của một nhà giáo, dù bây giờ đã bước sang tuổi 90.

Ông hiện có 6 con, 10 cháu. 4 người con của ông cũng làm trong ngành Giáo dục. Đều đặn cứ mỗi cuối tuần, các con cháu lại về quây quần bên ông – niềm hạnh phúc lớn lao của một thầy giáo đã dành trọn tuổi thanh xuân để cống hiến cho quê hương, đất nước.