Không chỉ giàu có bậc nhất Sài Gòn, những trọc phú này còn nổi tiếng khắp toàn Đông Dương thời đó. Tài sản của họ được đồn là có dùng cả đời cũng không hết.

Sài Gòn – Chợ Lớn từng là vùng đất phồn hoa, có nhiều người giàu bậc nhất nước ta. Vào cuối thế kỷ 19, nơi đây có 4 vị thương gia, trọc phú sở hữu tài sản khổng lồ. Người dân gọi họ là “Tứ đại phú hộ”, “Tứ đại thương gia”. Có một câu nói nổi tiếng được truyền miệng khi đó là: “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa”. Vậy 4 người này là ai?

Nhất Sỹ

Nhất Sỹ (tên thật Lê Phát Đạt) là người giàu nhất Sài Gòn cuối thế kỷ 19, dẫn đầu trong bộ tứ thương gia vùng đất này. Ông chính là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu – vợ vua Bảo Đại. Nhất Sỹ xuất thân trong một gia đình bình thường, nhưng lại có óc kinh doanh, tầm nhìn xa.

Ngày còn trẻ, Nhất Sỹ được đưa sang Malaysia học tập. Khi ông về nước, được chứng kiến cảnh người dân bỏ ruộng di tản để tránh thực dân Pháp. Đâu đâu cũng rơi vào tình cảnh đất đai, nhà cửa bỏ hoang. Nhất Sỹ liền dùng tiền để dành mua một số thửa đất có địa thế tốt rồi thuê người trồng lúa.

Nhờ thời tiết tốt, lúa năm đó trúng mùa bội thu, Nhất Sỹ thu những món lời đầu tiên. Ông vay mượn thêm tiền rồi mua đất khắp Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và phất lên như diều gặp gió.

Thời kỳ đỉnh cao, Nhất Sỹ nắm toàn bộ đất đẹp nhất vùng Gò Công, Long An, Tiền Giang, kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Còn tại miền Tây, ruộng đất của ông cò bay mỏi cánh không hết. Người dân Sài Gòn ngày ấy khẳng định, ông Nhất Sỹ còn giàu hơn cả vua Bảo Đại.

Giàu có là vậy, Nhất Sỹ cũng rất hào phóng. Ông từng hiến đất và 1/7 gia sản để xây dựng nên nhà thờ Huyện Sỹ tại đường Tôn Thất Tùng, Quận 1, TP.HCM ngày nay.

Nhì Phương

Nhì Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương (1811 – 1914). Ông là người gốc Hoa, con trai của đại địa chủ Nam Kỳ – Bá Hộ Khiêm. Sinh ra trong một gia đình giàu có nổi tiếng, Nhì Phương có được nền tảng tốt để phát triển. Ông tiếp quản gia sản của cha và phát triển nó ngày càng lớn mạnh.

Ngoài đất đai, gia đình Nhì Phương còn có hàng trăm căn nhà mặt tiền để cho thuê. Tiền của họ nhiều đến mức phải thuê một đội hơn chục người để đếm tiền. Dựa trên tài sản gia đình, Nhì Phương đã xây dựng được hệ thống buôn bán riêng biệt, đã giàu ngày lại càng giàu hơn.

Dù là thương gia nức tiếng nhưng Nhì Phương lại muốn làm quan. Năm 1859, ông về Bà Điểm, Hóc Môn lánh thân khi Pháp tiến vào Gia Định. Năm 1861, ông làm cộng sự với Pháp nhờ được cai tổng Đỗ Kiến Phước giới thiệu. Nhì Phương làm hộ trưởng, rồi leo lên những chức vụ cao hơn.

Tam Xường

Tam Xường (1842 – 1896), tên thật là Phước Trai. Ông là doanh nhân người Hoa, được người dân Sài Gòn gọi là bá hộ Xường. Ngay từ bé, Tam Xường đã nổi tiếng thông minh, lớn lên buôn bán làm ăn rất giỏi. Ông chuyên về kinh doanh thịt cá xuất khẩu, lương thực phẩm… Về sau Tam Xường còn mua đất xây biệt thự ở vùng Chợ Lớn để cho thuê, bán.

Bên cạnh tài kinh doanh, Tam Xường còn khéo léo trong việc quan hệ với quan Tây. Nhờ đó mà ông giàu lên nhanh chóng, con đường làm ăn thuận lợi. Những năm tháng rực rỡ nhất, Tam Xường giàu có đến mức người dân phải truyền tai nhau rằng 1 nửa người dân miền Tây mua nhu yếu phẩm từ thương hiệu của ông – Tường Quan. Bên cạnh đó, bất động sản của ông chiếm 1 nửa vùng Chợ Lớn, lan sang cả Gia Định. Dấu ấn của bá hộ Xường vẫn còn đọng lại tại Sài Gòn qua một số kiến trúc, công trình đồ sộ.

Tứ Hỏa

Tứ Hỏa còn được người dân yêu mến gọi là chú Hỏa, tên thật Hứa Bổn Hỏa (1845 – 1901). Ông là nhân vật có nhiều giai thoại nhất, được yêu mến nhất trong số 4 vị thương gia nổi tiếng Sài Gòn cuối thế kỷ 19.

Chú Hỏa từng chỉ là một người nhặt phế liệu, nhưng bỗng chốc giàu lên nhanh chóng. Có ghi chép cho rằng chú nhặt được chuông đồng, túi vàng mà có của. Từ đó, chú bước vào thương trường, nhờ có tầm nhìn sâu rộng mà giàu lên nhanh chóng.

Chú Hỏa bỏ tiền san 1 số ao hồ rồi dựng lên chợ Bến Thành mới. Sau khi chợ hoàn thành, ông nắm 20 nghìn đất nền ở đây, rồi biến nó thành 20 nghìn ngôi nhà mặt phố.

Hơn 40% bất động sản Sài Gòn, hơn 30 nghìn căn nhà tại những địa điểm đắc địa đất Sài Thành khi đó nằm trong tay chú Hỏa.

Đáng nói, chú Hỏa rất tốt bụng, biết chia sẻ với cộng đồng. Ông hiến tặng nhiều công trình phúc lợi xã hội tồn tại đến tận hôm nay như Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)… Biệt thự của gia đình chú Hỏa hiện là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.