Tùy từng thời điểm hay khu vực đi qua mà tài xế có thể lựa chọn nút lấy gió trong hay lấy gió ngoài cho phù hợp.
Khi bật hệ thống điều hòa ô tô có hai chế độ lấy gió: lấy gió trong và lấy gió ngoài. Nhưng khi nào nên bật chế độ nào để tiết kiệm nhiên liệu và tốt cho sức khỏe không phải ai cũng biết.
Nút lấy gió trong và gió ngoài cho điều hoà ô tô, nếu bật đúng sẽ có nhiều lợi ích.
Nên lấy gió ngoài trong trường hợp: Khi vừa vào xe, bắt đầu khởi động máy, di chuyển ở khu vực không khí trong lành, ít khói bụi, đi vào ban đêm…
Trong những hành trình dài, cứ sau mỗi 30 phút thì tài xế nên chủ động sử dụng chế độ lấy gió ngoài tầm 5 phút hoặc có thể hạ nhanh cửa kính. Điều này giúp cabin thông thoáng hơn, đảm bảo lượng oxy trong xe, tránh gây cảm giác mệt mỏi khi xe bị thiếu oxy do lấy gió bên trong quá lâu.
Trong khi đó với chế độ lấy gió trong, hệ thống điều hòa sẽ lấy trực tiếp luồng không khí tuần hoàn trong khoang nội thất xe để cho qua dàn lạnh, dàn sưởi nhằm thay đổi nhiệt độ. Với điều kiện thời tiết tại Việt Nam, vào những ngày nắng nóng, so với lấy gió ngoài, chế độ lấy gió trong khi được kích hoạt sẽ mang lại hiệu quả làm mát nhanh hơn. Bởi nhiệt độ trong xe luôn chênh lệch so với bên ngoài. Tuy nhiên, với các xe không được trang bị hệ thống điều hòa tự động, khi chọn chế độ gió trong và sử dụng xe trong suốt hành trình dài, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong cabin, khiến không khí ngột ngạt gây mệt mỏi cho người ngồi trong xe.
Theo các chuyên gia, nên chọn chế độ điều hoà lấy gió trong khi:
Di chuyển ở khu vực khói bụi, ô nhiễm: Khi di chuyển ở khu vực ô nhiễm nhiều khói bụi, khí thải, mùi lạ…nên chọn chế độ điều hoà lấy gió trong để đảm bảo không khí trong xe được sạch hơn.
Di chuyển khi trời mưa hay thời tiết ẩm ướt: Khi chạy xe dưới trời mưa hay thời tiết ẩm ướt nên chọn chế độ lấy gió trong để hạn chế việc hút ẩm từ bên ngoài vào, tránh gây ẩm mốc cho hệ thống điều hoà xe.