Gia đình ông Minh có nhiều thay đổi rõ rệt từ sau khi 2 con của ông đi xuất khẩu lao động ở Đức. Vì thế theo ông Đức, các bạn trẻ bây giờ không nhất thiết cứ phải đi học Đại học, học xong ra chưa chắc đã tìm được việc như con ông. 

Nhiều năm trở lại đây, ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, học sinh có xu hướng học THPT chỉ để lấy tấm bằng tốt nghiệp, sau đó rẽ hướng ra nước ngoài du học nghề, xuất khẩu lao động. Trong đó, nhiều học sinh giỏi, thậm chí đỗ những trường đại học danh giá vẫn quyết định rẽ hướng. Thực trạng thất nghiệp, công việc trái chuyên môn, thu nhập thấp sau học đại học… khiến nhiều gia đình hướng con em mình ra nước ngoài kiếm tiền. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên       các làng quê nghèo cũng từ nguồn tiền các em gửi về. Sức hút đồng tiền đã khiến số lượng học sinh học đại học giảm, thậm chí có làng xã, nhiều năm liền không có sinh viên đại học.   Làng vắng bóng sinh viên đại học

Làng vắng bóng sinh viên đại học

Làng vắng bóng sinh viên đại họcNhững năm gần đây, nhiều học sinh ở vùng quê Hà Tĩnh như xã Cương Gián (Nghi Xuân), Mỹ Lộc, Thiên Lộc (Can Lộc), Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), Thạch Bằng, Thạch Kim (Lộc Hà)… sau khi hoàn thành chương trình THPT, không chọn lựa vào đại học mà đi lao động ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – Trưởng thôn Xuân Hải, chia sẻ có những năm trong thôn không có học sinh đi học đại học.

Em Nguyễn Thị Mai H. (SN 2004, trú xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết, năm ngoái em đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế nhưng không học. Hiện em cố gắng ôn luyện IELTS đạt 5.5 để hoàn thiện hồ sơ đi theo diện du học nghề ở Australia.

Em tâm sự cả lớp có 42 bạn có đến 24 bạn không có nguyện vọng vào đại học. Lớp của H. chỉ có 9 bạn học đại học. Phần lớn các em lựa chọn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada… du học nghề và một số bạn đang học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Thôn Xuân Hải nơi H. ở có gần 300 hộ, trong đó, 193 người đi XKLĐ, đa phần là học sinh đã tốt nghiệp THPT.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – Trưởng thôn Xuân Hải, chia sẻ nhiều năm qua, học hết THPT các em lần lượt tìm cách đi XKLĐ, một số gia đình có tài chính sẽ hướng cho con đi du học nghề ở các nước.

“Với tâm lý học xong THPT sẽ đi XKLĐ hoặc đi du học nên số lượng con em trong thôn đi học đại học rất ít. Từ năm 2018 đến nay, thôn chỉ có 3 em đang theo học đại học”, ông Thọ nói.

Ông Thọ thống kê, năm học 2019- 2020, trong thôn có 17 em hoàn thành THPT, 3 em có giấy báo trúng tuyển các trường đại học. Tiếp đó, năm học 2020- 2021, có 15 em học xong lớp 12, 3 em đỗ đại học nhưng không em nào lựa chọn con đường này.

Ông Nguyễn Văn Thiều – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, cho hay: “Học sinh tốt nghiệp THPT không đi học đại học mà đổ xô đi XKLĐ hoặc du học như thôn Xuân Hải không phải hiếm gặp. Thực tế ở xã có nhiều thôn như Phú Nghĩa, Phú Mậu, Trung Nghĩa… cũng nhiều năm vắng bóng sinh viên đại học”.

“Xã Thạch Bằng hiện nay có hơn 1.580 người đang lao động ở nước ngoài. Ở đây, học sinh tốt nghiệp THPT chủ yếu đi du học nghề hoặc đi XKLĐ. Làng xã đổi thay nhiều nhờ nguồn tiền từ nước ngoài, hàng trăm ngôi nhà 2- 3 tầng mọc lên khang trang, tiện nghi đầy đủ, rất nhiều gia đình sắm ô tô để đi lại”, ông Thiều nói thêm.

Ông Nguyễn Thái Phi – Hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan, cho biết: “Hàng năm trường có khoảng từ 30-40% học sinh tốt nghiệp THPT quyết định đi theo diện du học nghề hoặc XKLĐ. Học sinh chủ yếu nằm ở xã Thạch Bằng, Thạch Kim. Đặc biệt, thời gian gần đây, những gia đình có điều kiện tài chính không chọn học đại học trong nước mà hướng con em đi theo diện du học nghề vừa học, vừa làm ở một số nước như Australia, Canada, Pháp…”.

Thay đổi bộ mặt quê nghèo

Lao động ở nước ngoài hàng tháng kiếm được hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng nên nhiều học sinh đã chọn xứ người là nơi để khởi nghiệp, làm giàu.

 

Một dãy nhà khang trang được xây lên nhờ con em đi xuất khẩu lao động ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà.

Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (SN 1971, trú tại thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) là hộ nghèo, tuy nhiên từ khi hai người con của gia đình ông đi lao động ở Đức, cuộc sống của của họ đã sang trang mới.

“Hai con tôi không ai đi học đại học nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền. Tốt nghiệp THPT, hai đứa theo học một khóa nấu ăn ở TP.HCM rồi sang Đức làm phụ bếp. Hiện mỗi tháng hai cháu gửi về hơn trăm triệu đồng”, ông Minh khoe.

Không chỉ gia đình ông Minh, cả xã Thiên Lộc sống sung túc nhờ tiền của con cái ở xa xứ gửi về. Ông Đặng Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), cho biết: “Toàn xã có hơn 1.500 đang lao động ở nước ngoài, tập trung chủ ở các nước Châu Âu. Trung bình mỗi tháng mỗi cá nhân gửi về 30 triệu đồng, tính ra mỗi năm có hàng trăm tỉ đồng được gửi về”.

Một hiệu trưởng THPT trên địa bàn huyện Can Lộc cho biết năm học 2021-2022, trường chỉ có 30% đăng ký vào đại học, còn lại chỉ thi tốt nghiệp THPT sau đó đi XKLĐ. Học xong THPT đi lao động ở nước ngoài trở thành trào lưu nên các em không có sự cầu tiến trong học tập, nhà trường khó khăn trong nâng cao chất lượng dạy học, thành tích; thứ hạng của nhà trường bị ảnh hưởng.

Vị hiệu trưởng này nói thêm bên cạnh những mặt tích cực khi các em  đi XKLĐ là đưa lại nguồn thu nhập lớn, cuộc sống gia đình sung túc, cũng có nhiều em “trắng tay” rơi vào cảnh nợ nần. Nhiều em gia đình vay mượn tiền tỷ để đi các nước châu Âu nhưng không theo con đường chính thống. Không may mắn các em bị bắt, trục xuất về nước mất tiền của, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Từ chối cánh cửa đại học và rời xa vòng tay cha mẹ, những người con của làng quê nghèo mong có cơ hội làm giàu nơi xứ người. Tuy nhiên không phải con đường nào cũng đầy hoa hồng. Có em đã phải đối mặt với những rủi ro, gánh            nặng   nợ nần, có em – thậm chí phải trả giá bằng tính mạng khi đi du học nghề, XKLĐ theo con đường không chính thống. Câu chuyện đó sẽ được chúng tôi gửi đến độc giả vào ngày mai, 21/6.

Bỏ giấc mơ học đại học, xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp THPT

Một số học sinh mới tốt nghiệp THPT không chọn con đường học đại học mà quyết định đi xuất khẩu lao động theo định hướng của gia đình hoặc ý định cá nhân.

“Áp lực” từ phía gia đình

Với suy nghĩ sẽ có mức thu nhập cao, nhiều gia đình đã định hướng, thậm chí thúc ép con em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

T.K.K (một nữ sinh 16 tuổi ở tỉnh Trà Vinh) hiện vừa học xong lớp 10 nhưng gia đình đã định hướng cho em sang Nhật Bản ngay khi học hết lớp 12. “Em nghĩ rằng sang Nhật thì cũng chỉ làm công nhân như ở Việt Nam dù thu nhập có thể cao hơn. Nếu tốt nghiệp THPT rồi đi XKLĐ ngay thì sau này về nước em sẽ khó xin được việc làm. Vì thế, em muốn tiếp tục học đại học (ĐH) rồi tìm một công việc ổn định ở quê nhà”, K.K giãi bày.

Nhiều bạn trẻ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản

Một trường hợp khác là H.T.T.T, sinh viên Trường ĐH Trà Vinh, cho biết cũng không muốn sang nước ngoài làm việc, dù người thân từng đi XKLĐ ở Nhật Bản khuyên cô sang đó làm công việc chăm sóc người cao tuổi với thu nhập cao. Cô muốn làm ở Việt Nam nhưng gia đình kịch liệt phản đối, vô tình gây sức ép. “Sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi chỉ muốn tìm công việc đúng chuyên ngành điều dưỡng tại Việt Nam”, T. chia sẻ.

Muốn giúp đỡ gia đình và học hỏi thêm kỹ năng

Trong khi đó, cũng có những học sinh từ bỏ giấc mơ học ĐH, muốn đi XKLĐ để phụ giúp gia đình.

Trần Duy Viên (24 tuổi), đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Đài Loan, cho biết: “Tôi chọn đi XKLĐ vì thu nhập hấp dẫn và muốn khám phá nền văn hóa khác”. Trước thực tế nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THPT chọn đi XKLĐ thay vì học ĐH, anh Viên cho rằng các bạn trẻ nên chọn công việc phù hợp với năng lực bản thân, tìm hiểu công ty môi giới để tránh “tiền mất tật mang”.

Còn Đỗ Thành Hào (20 tuổi, đang làm việc tại Nhật Bản) quyết định đi XKLĐ ngay sau khi tốt nghiệp THPT vì muốn giúp đỡ gia đình cũng như học hỏi thêm kỹ năng. “Những bạn trẻ muốn sang Nhật Bản phải xác định rằng lao động chân tay sẽ không sung sướng như nhà tuyển dụng nói, phải có sức khỏe tốt thì mới trụ được”, Hào chia sẻ.

Đừng quá chú trọng vào thu nhập

Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, cho biết học sinh vừa tốt nghiệp THPT, đủ 18 tuổi, học thêm ngôn ngữ, kỹ năng nghề nghiệp là có thể đi XKLĐ.

“Trước khi đi, các bạn phải học ngoại ngữ và văn hóa, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ít nhất từ 3 – 6 tháng (nếu sang Nhật Bản) và từ 9 – 12 tháng (các nước châu Âu), tổng chi phí từ khoảng 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng”, ông Châu nói.

Thực tập sinh ngành xây dựng người Việt ở Tokyo (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ông Châu lưu ý: “Ngành giáo dục hỗ trợ định hướng, phân luồng đào tạo cho học sinh ngay từ lớp 10. Những bạn nào không có khả năng học tiếp sẽ được định hướng học nghề hoặc đi XKLĐ sau khi tốt nghiệp THPT”.

Giải đáp thắc mắc “XKLĐ về nước khó tìm việc làm”, ông Châu cho rằng các bạn trẻ không nên quá chú trọng vào việc kiếm tiền mà nên tranh thủ rèn luyện kỹ năng làm việc ở nước ngoài. “Với số vốn nhất định, kiến thức, kinh nghiệm có được khi làm việc ở xứ người thì lúc về nước các bạn có thể xin việc làm hoặc khởi nghiệp”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, ông Châu khuyên những sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH không nên đi XKLĐ vì sẽ phí thời gian 4 năm và tốn thêm khoản chi phí như kể trên.

Hợp đồng XKLĐ chất lượng cao

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho hay: “Sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ nếu cảm thấy không đủ năng lực để du học có thể đi theo hợp đồng XKLĐ chất lượng cao”.

Theo ông Tuấn, trước đây XKLĐ thường được xem là “giải pháp tích cực” cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, không thể học tiếp ĐH. Tuy nhiên, hiện nay các chương trình, chính sách XKLĐ đang dần chuyển đổi, hạn chế tiếp nhận lao động phổ thông mà chuyển sang nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có chất lượng cao.

Ông Tuấn nhận định XKLĐ là chương trình có ý nghĩa, giúp giải quyết nhu cầu việc làm, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong tương lai, nhưng “không nên lý tưởng hóa mọi thứ”. “Quan trọng là các bạn phải biết học hỏi, phát triển bản thân, trau dồi kinh nghiệm thì sẽ thành công trong công việc dù làm việc ở đâu”, ông Tuấn chia sẻ.

Giải pháp cải thiện kinh tế

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 12.4, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2022 ở cả nông thôn lẫn thành thị đều tăng khoảng 200 ngàn người, với tỷ lệ thiếu việc làm là 3,01%, tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị thấp hơn so với nông thôn (tương ứng 2,39% và 3,40%).

Báo cáo cho thấy lực lượng lao động tăng, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp cũng tăng theo, nhất là lao động độ tuổi 15 – 24 ở nông thôn. Điều này, cùng với vấn đề người có việc làm nhưng thu nhập không cao, dẫn đến nhiều người tìm cơ hội XKLĐ.

Theo Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn, nhiều tỉnh thành phía nam, đơn cử là tỉnh Đồng Tháp, đã lấy XKLĐ làm giải pháp giải quyết việc làm, với chính sách cho người dân vay vốn để đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời chi phí đi XKLĐ cũng thấp hơn so với trước đây nên nhiều người lựa chọn giải pháp này để cải thiện kinh tế.