Nhìn bố trở về với thân hình tiều tụy, nam sinh cũng mang trong mình căn bệnh ung thư đã giấu giấy hẹn nhập viện để bố yên tâm cho lần chạy hóa chất tiếp theo.
Chúng tôi tìm về xóm 1, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào một ngày đầu tháng 5, giữa cái nắng như “đổ lửa” để thăm gia đình anh Bùi Văn Tạo (SN 1977) cùng con trai là cháu Bùi Văn Đức (SN 2005, học sinh lớp 12, Trường THPT Nghi Lộc 2).
Hai bố con anh Tạo đều mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Những khối u di căn khắp cơ thể, khuôn mặt bị biến dạng, khiến người bố đau đớn quằn quại.
Hôm chúng tôi đến, anh Tạo vừa từ bệnh viện trở về. Cơ thể anh gầy gò, những bước đi cũng trở nên rất khó khăn. Khuôn mặt anh dường như bị biến dạng khi vòm họng, khoang miệng nổi lên những khối u lớn.
Mặc dù được con trai dìu một bên nhưng anh Tạo không bước nổi vào nhà. Ngồi nghỉ bên bậc thềm, chỉ cần thở thôi cũng rất khó nhọc đối với anh. Trên khuôn mặt anh Tạo, nước mắt cứ thế ứa ra, lăn dài trên đôi gò má hốc hác.
“Đau lắm! Từ chỗ xương chậu, đến hàm, miệng rồi tai, trên cả đầu, tay chân nữa. Bác sĩ cho biết, những khối u đã di căn nhiều vị trí trên cơ thể nên đó là nguyên nhân của các cơn đau”, anh Tạo nói một cách rất khó khăn.
Dù ở tuổi xế chiều, ông Bùi Văn Tân – bố anh Tạo vẫn phải chăm sóc, nuôi dưỡng con mình.
Anh Tạo vốn là một người đàn ông khỏe mạnh, hàng ngày bôn ba khắp nơi làm nghề phụ hồ. Hơn 2 năm trước, anh phát hiện những bất thường trong khoang miệng khi những vết thương nhỏ nhưng rất lâu khỏi. Sau đó anh đến viện khám và được phát hiện bị ung thư sàn miệng.
Lúc đó, anh Tạo như chết lặng, bởi ở nhà con trai anh cũng đang điều trị căn bệnh ung thư tuyến giáp, thận hư suốt nhiều năm qua. Bây giờ anh cũng bị “kết án tử” lấy ai đi làm, kiếm tiền chữa bệnh cho con. Anh cố giấu tin mình bị ung thư, không cần điều trị để nhường lại sự sống cho con trai.
Các khối u di căn khắp cơ thể khiến anh Tạo đau đớn.
Đôi bàn tay gầy guộc của anh Tạo giờ không thể cầm được bất kỳ vật gì.
Dù đã rất cố gắng, nhưng những cơn đau hành hạ hàng ngày khiến anh không thể gắng gượng, buộc anh Tạo phải nhập viện điều trị và bắt đầu những ngày tháng chạy hóa chất, xạ trị.
“Trước đây, gia đình em có 4 người. Em có một người em trai sinh đôi nữa. Nhưng bố mẹ không hợp nhau đã ly hôn từ 10 năm trước. Em ở với bố cùng ông bà nội. Còn em trai ở với mẹ và ông bà ngoại. Mẹ em cũng bị nhiều bệnh lắm. Mẹ bị thận hư phải phẫu thuật cắt một quả. Mới đây mẹ bị ung thư vú đang phải điều trị hóa chất. Em hay sang thăm mẹ, bây giờ mẹ cũng khổ lắm”, em Bùi Văn Đức nghẹn ngào kể về hoàn cảnh của gia đình mình.
Bùi Văn Đức cũng được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư phải nhập viện điều trị. Sau đó không lâu, nam sinh lại nhận tin dữ khi bác sĩ kết luận em bị u tuyến giáp và cứ khoảng 6 tháng phải hóa trị một lần để chặn tế bào ung thư phát triển.
“Mỗi lần em đi viện phải lấy thuốc nhiều lắm, các loại thuốc ngoài rất đắt. Theo giấy hẹn thì em cũng gần đến ngày nhập viện rồi. Nhưng bố đang đau quá, có khi em để bố điều trị xong nếu ông bà lo được tiền thì em mới đi viện”, Bùi Văn Đức cầm tờ giấy hẹn nhập viện của mình mà hai tay run lên.
Đã đến hẹn khám lấy thuốc, song Đức nhường lại cơ hội điều trị cho bố.
Căn bệnh của Đức cũng phải điều trị hàng ngày. Nhưng đến thời điểm hiện tại gia đình đã khánh kiệt, nam sinh nhường lại cơ hội điều trị cho bố mình.
Hàng ngày, Đức và bố sống nhờ vào sự chăm sóc của ông bà nội tuổi đã ngoài 70. Cuộc sống ở vùng quê vốn đã khốn khó, tất cả chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp bệnh binh của ông nội là Bùi Văn Tân.
“Mỗi tháng tôi được trợ cấp hơn 1,6 triệu. Từng đó tiền chưa đủ để mua thuốc cho con, cháu. Hai ông bà làm thêm ruộng, hoa màu trong vườn nhưng lo được cái ăn là may lắm rồi”, ông Tân thở dài.
Hai bố con anh Tạo mắc bệnh ung thư quái ác, giờ trong nhà chỉ trông chờ vào ông nội đã già yếu.
Hàng ngày hai ông bà mỗi người một việc mong kiếm cho con cháu bữa rau, bữa cháo. Đến ngày con trai đi viện, ông Tân lại chạy vạy, vay mượn khắp nơi góp nhặt từng đồng để cố cứu lấy con mình. Lo cho con trai xong, lại đến lượt cháu nội.
“Cháu nó cũng sắp hết thuốc điều trị, gần đến ngày đi khám lại rồi”, ông Tân nói rồi thở dài trong vô vọng. Sắp tới ông cũng chưa biết lấy tiền đâu để đưa cháu nội đi khám, lấy thuốc điều trị.