Ông Trương Hùng Dũng, ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đang nuôi 400 con bò. Đàn bò đông đúc đó, ông Dũng chưa bán con nào mà đã “lời” gần 1 tỷ đồng. Vậy, số tiền gần 1 tỷ đồng mà ông Dũng “có được” đó ở đâu ra?
Nuôi bò lấy 4 tấn phân mỗi ngày
Hiện nay mô hình chăn nuôi bò đang được nhiều nông dân áp dụng. Nuôi bò nông dân bán bò giống, bán bò thịt. Và đặc biệt, nuôi bò còn để lấy phân bò bón cho cây trồng như cách làm của ông Trương Hùng Dũng, ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai).
Ông Trương Hùng Dũng, nông dân tỷ phú chăn nuôi bò ở ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Để tìm hiểu về mô hình chăn nuôi bò đặc biệt của ông Trương Hùng Dũng, một chiều cuối tháng 12 chúng tôi đã tìm về xã Trung Hoà, huyện Trảng Bom.
Tại đây, ông Dũng đã chia sẻ với chúng tôi về những kinh nghiệm nuôi bò, những khó khăn trong quá trình nuôi bò.
Ông Trương Hùng Dũng cho biết, ông là người dân địa phương trước nay chỉ có làm ruộng làm rẫy. Hiện ông Dũng đang trồng hàng trăm ha mía đường, thanh long và cả trồng bưởi.
Trước khi xây dựng trang trại chăn nuôi bò, để có nguồn phân hữu cơ bón cho hàng trăm ha trồng mía, trồng thanh long, trồng bưởi da xanh, ông Dũng đã tốn rất nhiều tiền. Nhiều khi có tiền nhưng mua phân bò cũng khó khăn.
Nuôi đàn bò 400 con, ông Trương Hùng Dũng, ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) không còn đau đầu trong việc lo kiếm nguồn phân hữu cơ để bón cho cây mía, cây thanh long, cây bưởi da xanh…
Để giải quyết khó khăn về phân hữu cơ, ông Dũng đã quyết định xây dựng trang trại chăn nuôi bò. Ông bò giống về nuôi và tự nhân giống, nhân đàn cho đến nay đàn bò đã lên đến 400 con. Đến đây, bài toán tìm nguồn phân hữu cơ bón cho hàng trăm ha mía, thanh long, bưởi da xanh đã được ông Dũng tìm ra lời giải.
Cũng từ khi chủ động được nguồn phân bò, cây mía, cây thanh long, cây bưởi da xanh trong vườn, trên rẫy của nhà ông Dũng phát triển tốt.
Cũng theo ông Dũng, thời điểm đầu, ông chỉ nhập khoảng 50 con bò, chủ yếu là giống bò Úc, bò Mỹ…Sau nhiều năm, hiện số bò trong chuồng của ông gồm bò giống bố mẹ, bò con, bò trưởng thành đã lên con số gần 400 con.
Tuy cho đến nay, ông Dũng chưa bán con bò nào, nhưng mỗi năm ông đã “lời” được gần 1 tỷ đồng bằng khoản tiền trước kía ông phải bỏ ra để đi mua phân bò hàng năm.
“Mỗi ngày đàn bò trong chuồng cho ra khoảng hơn 4 tấn phân. Như vậy, bình quân mỗi ngày tôi tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng tiền mua phân bón”, ông Dũng nói.
Bò nuôi trong trang trại của ông Trương Hùng Dũng (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chủ yếu được nhập từ Mỹ, Úc…Và ông Dũng cho đến nay chỉ nuôi bò để lấy phân bón cho cây trồng.
“Riêng bò trưởng thành, bây giờ nếu bán mỗi con cũng có giá 40 – 50 triệu đồng. Nhưng tôi chưa bán mà trước mắt vẫn chỉ nuôi bò lấy phân”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Để có đủ lượng thức ăn cho đàn bò, ông Dũng tận dụng đất nương rẫy trồng cỏ voi và mua thêm thức ăn tích trữ cho đàn bò.
Thành tỷ phú nông dân
Nếu tính theo giá thị trường, đàn bò 400 con trong chuồng đang giúp ông Trương Hùng Dũng giữ vị trí tỷ phú nông dân.
Ông Dũng cũng cho biết, xưa nay ông nuôi bò chủ yếu lấy phân, nhân giống bò ra nhiều vẫn tiếp tục giữ nuôi và chưa từng xuất bán lứa bò nào. Trong tương lai, khi đã đủ phân bón cho cây trồng, ông Dũng cũng tính đến việc sẽ bán bớt bò thịt để tăng thêm thu nhập.
Nhiều năm qua đàn bò của ông Dũng số lượng càng tăng nhưng ông chưa bán, chỉ để nuôi lấy phân bón cho hàng trăm ha mía, bưởi da xanh, thanh long.
Chuồng trại cũng được ông Dũng thường xuyên vệ sinh, đàn bò cũng được tắm rửa sạch sẽ. Định kỳ, ông cho vệ sinh chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải…
Phân bò của trang trại, chủ yếu được ông Dũng dùng để bón thanh long và bưởi của gia đình
“Hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò, để đảm bảo sức khỏe cho đàn bò. Nhờ việc tự làm phân bón mà cây trồng tăng trưởng tốt, đất cũng tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng hơn”, ông Dũng nói thêm.
Cũng theo ông Dũng, phân bò đem bón ra vườn cây đã được ông cho ủ hoai mục, phối trộn với nhiều loại khác để phù hợp khi bón cho cây mía, cây thanh long và cây bưởi da xanh…
Nhờ vậy mà vườn bưởi và thanh long ruột đỏ của gia đình ông Trương Hùng Dũng đang cho hiệu quả kinh tế, năng suất cao nhất nhì khu vực.