Có 4 trường hợp không cần phải đăng ký biển số định danh, chủ xe vẫn yên tâm sử dụng mà không lo bị phạt.
Quy định về biển số định danh
Biển số định danh thường được hiểu là một loại biển số xe ô tô hoặc phương tiện giao thông khác được cấp bởi cơ quan chính quyền để định danh một phương tiện cụ thể. Biển số định danh thường gồm một dãy ký tự hoặc số có thứ tự duy nhất dành riêng cho phương tiện đó , giúp cơ quan chức năng và người quản lý giao thông xác định và theo dõi phương tiện trong các hoạt động liên quan đến lưu thông, quản lý, và an ninh giao thông. Biển số định danh quan trọng trong việc xác định và theo dõi phương tiện giao thông, giúp đảm bảo an toàn và quản lý hiệu quả hệ thống giao thông.
Riêng tại Việt Nam, biển số xe định danh được hiểu là biển số được cấp, quản lý theo mã định danh của chủ xe, với các ký hiệu, seri biển số, kích thước chữ và số, màu biển số theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA.
4 trường hợp không cần đăng ký biển số định danh
Theo Điều 39 Thông tư 24/2023 của Bộ Công an, có 4 trường hợp không cần phải đăng kí biển số định danh, vẫn có thể tham gia giao thông gồm:
– Xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15.8.2023 mà chưa làm thủ tục thu hồi.
– Xe đã đăng ký biển 5 số có ký hiệu “LD”, “DA”, “MĐ”, “R”.
– Xe đã đăng ký biển 3 số mà không thuộc trường hợp phải cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; đăng ký sang tên, di chuyển xe.
– Xe đã đăng ký biển 4 số mà không thuộc trường hợp phải cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Ngoại trừ trường hợp đầu tiên được định danh mặc định, các trường hợp còn lại được đăng ký biển số định danh khi chủ xe có nhu cầu.
Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 229/2016/TT-BCA, có một số trường hợp được miễn lệ phí cấp, cấp đổi, cấp lại biển số định danh gồm:
– Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống liên hợp quốc.
– Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, nhân viên hành chính kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự nước ngoài, thành viên các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của gia đình họ không phải là công dân Việt Nam hoặc không thường trú tại Việt Nam được Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan ngoại vụ địa phương được Bộ Ngoại giao ủy quyền cấp chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ hoặc chứng thư lãnh sự.
Trường hợp này, khi đăng ký phương tiện giao thông, người đăng ký phải xuất trình với cơ quan đăng ký chứng minh thư ngoại giao (màu đỏ) hoặc chứng minh thư công vụ (màu vàng) theo quy định của Bộ Ngoại giao.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài khác (cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống liên hợp quốc, cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ, các đoàn của tổ chức quốc tế, thành viên của cơ quan và tổ chức khác) không thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nhưng được miễn nộp hoặc không phải nộp lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài.
Trường hợp này tổ chức, cá nhân phải cung cấp cho cơ quan đăng kí đơn đề nghị miễn nộp lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số, có ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu là tổ chức). Bản sao hiệp định hoặc thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài bằng tiếng Việt Nam (có xác nhận của Công chứng nhà nước hoặc kí tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu xác nhận của chủ chương trình, dự án).
Như vậy, tổ chức, cá nhân thuộc các trường hợp nêu trên thì được miễn lệ phí cấp, cấp đổi, cấp lại biển số định danh.