Từng là sinh viên ĐH duy nhất trong làng, là niềm tự hào của cha mẹ khi bước chân lên thành phố, vì sao cô gái Trung Quốc này lại chấp nhận cuộc sống lang thang vô định, không có tương lai?

Giữa mùa hè năm 2022, một đoạn video về một cô gái vô gia cư ở Thâm Quyến (Trung Quốc) bất ngờ trở thành tâm điểm thảo luận trên mạng xã hội. Điều gây chú ý là cô gái này còn rất trẻ, có nước da trắng, dù đầu tóc bù xù ăn mặc luộm thuộm thì vẫn có nét sáng sủa, khác biệt so với những người lang thang trên phố khác. Cô ngủ khắp các ngõ ngách đường phố, lục cả thùng rác để tìm thức ăn.

Nhiều người hiếu kỳ kéo đến hỏi thăm mới ngỡ ngàng vì cô gái tên Diên An, là sinh viên của một trường đại học trong thành phố. Có người hỏi thẳng Diên An: “Ở Thâm Quyến kể cả làm những việc ít đòi hỏi bằng cấp như bồi bàn, lương tháng cũng đủ chi tiêu cho bản thân, vì sao bạn phải ra đường ở như vậy?”

Cử nhân chấp nhận vô gia cư, sống lang thang nhưng nhất quyết không đi làm: Bi kịch xót xa đằng sau 4 chữ 'công việc tử tế' - Ảnh 1.

Cô gái cử nhân vô gia cư gây xôn xao MXH Trung Quốc. Ảnh: Toutiao

Nghe đến đây cô gái như bị “đánh trúng tim đen”, không bày vẻ mặt hờ hững như trước mà bật khóc. Chuyện gì đã xảy ra với cô gái vô gia cư kỳ lạ này?

Bi kịch của sinh viên ĐH duy nhất trong làng

Diên An sinh ra trong một ngôi làng nhỏ, mọi người xung quanh đều lao động chân tay rất vất vả. Vậy nên cha mẹ và thầy cô Diên An đều khuyến khích cô chăm chỉ học tập để tìm được một công việc tử tế ở một thành phố lớn và kiếm được nhiều tiền hơn, có một tương lai tốt đẹp hơn so với khi ở làng.

Cô gái này trở thành sinh viên duy nhất trong làng, khiến bố mẹ hãnh diện và bản thân cô rất tự hào. Dù chỉ đỗ một ngôi trường bình thường, ít danh tiếng ở Thâm Quyến nhưng Diên An quyết tâm học hành cật lực để không phụ sự kỳ vọng từ gia đình. Diên An sống dưới cái bóng “con nhà nghèo” và cả sự đốc thúc từ gia đình nên cô vô cùng tự ti, phải vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống.

Cử nhân chấp nhận vô gia cư, sống lang thang nhưng nhất quyết không đi làm: Bi kịch xót xa đằng sau 4 chữ 'công việc tử tế' - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Sau khi tốt nghiệp cử nhân, không có kinh nghiệm thực tế lại phải cạnh tranh với sinh viên trường top nên Diên An không tìm được công việc văn phòng nào ưng ý. Vậy nên cô chọn làm thu ngân trong siêu thị, lương không đủ sống. Thế nhưng cô vẫn nói dối bố mẹ rằng mình đang làm trong ngân hàng, công việc nhàn hạ.

Bố mẹ yêu cầu Diên An mỗi tháng gửi về nhà 2.000 NDT cho gia đình. Suy cho cùng “giấy không gói được lửa”, đưa tiền cho bố mẹ xong cô gái trẻ chỉ đủ tiền ăn bánh bao hấp qua ngày nên đã thú nhận sự thật. Bố mẹ Diên An vô cùng tức giận, đi xe đến Thâm Quyến trong đêm để mắng cô “tốn tiền nuôi ăn học lại chẳng có nổi một công việc tử tế” và bắt Diên An khăn gói về nhà.

Nhưng sau khi về làng một thời gian, thái độ của bố mẹ thậm chí còn tồi tệ hơn. Họ nói Diên An ra ngoài và tìm việc: “Nếu con không tìm được một công việc tử tế thì không cần về nhà nữa”. Điều này càng làm cô gái trẻ hoang mang về tương lai.

Cử nhân chấp nhận vô gia cư, sống lang thang nhưng nhất quyết không đi làm: Bi kịch xót xa đằng sau 4 chữ 'công việc tử tế' - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Diên An một lần nữa đến Thâm Quyến nhưng lần này kết quả cũng không khả quan hơn trước. Thời gian trôi qua, áp lực đồng trang lứa, áp lực tiền sinh hoạt, sự thúc giục và kỳ vọng từ gia đình khiến cô gái trẻ bất lực, lạc lõng và bối rối.

Cuối cùng Diên Anh quyết định từ bỏ nỗ lực tìm việc, đem số tiền tiết kiệm ít ỏi sống cuộc đời của người vô gia cư. Cô thà sống cuộc đời vô định còn hơn phải làm những công việc mà bố mẹ đánh giá không xứng với bằng cấp. Cả khi bố mẹ tìm gặp Diên An, mong cô trở về và đi xin việc thì Diên An vẫn quả quyết: “Ngay cả khi con phải sống lang thang, con cũng sẽ không bao giờ đi làm”.

Kỳ vọng cao, thất vọng nhiều

Theo Reuters, sẽ có 11,58 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ĐH vào tháng 6/2023, tăng 820.000 so với năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại đất nước này đang ở ngưỡng cao kỷ lục hơn 20%. Tình hình việc làm tại các đô thị lớn càng có sự cạnh tranh gắt gao khi sinh viên tốt nghiệp đều mong muốn có công việc đúng chuyên ngành và mức lương lý tưởng.

Tại Trung Quốc, cử nhân thường được kỳ vọng có thể đạt mức lương trung bình 10.000 NDT/tháng (hơn 34 triệu đồng) ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này khiến nhiều người trẻ coi việc không đạt được con số trên là thất bại, không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của xã hội.

Cử nhân chấp nhận vô gia cư, sống lang thang nhưng nhất quyết không đi làm: Bi kịch xót xa đằng sau 4 chữ 'công việc tử tế' - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Thế nhưng thị trường tuyển dụng ảm đạm sau đại dịch cùng bão sa thải tại nhiều “ông lớn” khiến không ít thanh niên Trung Quốc chuyển mục tiêu đến những công việc “ổn định hơn” trong các dịch vụ công hoặc doanh nghiệp Nhà nước.

Năm 2022, số lượng người đăng ký thi tuyển công chức tại quốc gia này đã vượt quá 2,1 triệu người, tỷ lệ trung bình 1 chọi 68. Một số vị trí còn có tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn, gần 21.000 người mới chọn 1 lại càng khiến con đường có việc làm của người trẻ thêm phần chông gai.

Câu chuyện về những cử nhân thất bại và phải chuyển sang công việc tay chân gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội đất nước tỷ dân những năm gần đây. Ngoài yếu tố khách quan, nguyên nhân nhiều người trẻ không xin được việc còn là do năng lực không phù hợp, thiếu kinh nghiệm thực tế và kỳ vọng quá cao khi tìm việc.

Vậy nên sau khi bị nhà tuyển dụng từ chối và không đạt được mong muốn, họ dần mất đi động lực tìm kiếm cơ hội mới. Hành động của cô gái Diên An có phần cực đoan, nhưng không khó lý giải trong bối cảnh nhiều áp lực bủa vây người trẻ, khiến họ muốn buông bỏ định nghĩa thành công quen thuộc như việc lương cao, mua nhà, tậu xe. Đó là lý do nhiều trào lưu như bỏ phố về quê, “nằm yên” mặc kệ sự đời xuất hiện tại quốc gia này.

Cử nhân chấp nhận vô gia cư, sống lang thang nhưng nhất quyết không đi làm: Bi kịch xót xa đằng sau 4 chữ 'công việc tử tế' - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

Không chỉ Trung Quốc, nhiều người trẻ tại một quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc cũng đang từ bỏ nỗ lực tham gia vào thị trường lao động. Số lượng thanh niên trong độ tuổi 15-29 tại Hàn Quốc chọn thất nghiệp đã lên tới gần 500.000 người tính đến tháng 2/2023.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là yêu cầu về trình độ, kỹ năng của nhà tuyển dụng và mong muốn của người lao động không có sự tương thích. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt về tiền lương cũng khiến nhiều người trẻ nản lòng. Nhiều người chọn thất nghiệp thay vì làm trong các công ty vừa và nhỏ, ít tên tuổi.