Sau khi thành đạt, cậu bé nghèo năm xưa quay về làng và cho xây dựng hàng trăm căn biệt thự tặng cho người dân xem như đền ơn năm xưa đã cưu mang.
Câu chuyện của cậu bé tên Trần Sinh thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Vốn là cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh – một trong những ngôi trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc và có cơ nghiệp thành đạt, nhưng ít ai ngờ rằng tuổi thơ của Trần Sinh lại nghèo khó, gian nan và từng suýt đánh mất giấc mơ đến trường.
Trần Sinh vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh túng quẫn, bố mất sớm, mẹ không biết chữ chỉ có thể làm công việc tay chân để kiếm tiền lo cho con. Nhận thức hoàn cảnh khó khăn của gia đình, từ nhỏ, cậu bé Trần Sinh muốn bỏ học để đi làm phụ mẹ kiếm tiền. Tuy nhiên mẹ Trần Sinh một mực ngăn cản và cho rằng chỉ có con đường đến trường mới có thể thoát khỏi cảnh nghèo.
Cậu bé Trần Sinh lớn lên trong một gia đình nghèo tại vùng quê khó khăn
Nghe lời mẹ, cậu bé Trần Sinh cố gắng nỗ lực ở trường, cuối cùng nhận được kết quả đỗ vào trường Đại học Bắc Kinh. Nhận được giấy báo trúng tuyển trên tay, Trần Sinh vừa mừng vừa lo vì sợ không có đủ tiền để theo học ở ngôi trường danh giá.
Hiểu được tâm sự của mẹ con Trần Sinh, bà con hàng xóm trong vùng đã chia sẻ: “Làng của chúng ta cuối cùng cũng có người đầu tiên đỗ đại học, dù thế nào chúng ta cũng nhất định phải cho thằng bé đến trường”.
Mọi người không muốn Trần Sinh cũng giống như bao chàng trai khác trong làng, cả đời quanh quẩn trong địa phương nhỏ bé, không cưới được vợ vì cuộc sống quá nghèo nên con gái đều sang làng bên cưới chồng cho đỡ vất vả.
Trần Sinh đỗ Đại học Bắc Kinh nhưng không có tiền phải nhờ dân làng góp tiền cho đi học
Mặc dù không dư dả nhiều, mỗi người dân gom góp một ít góp tiền đưa cho trưởng làng để tặng Trần Sinh làm lộ phí đi học Đại học. Cậu bé Trần Sinh mãi không quên hình ảnh trường làng tay cầm xấp tiền nhàu nát gom góp được từ người dân để lo liệu cho ngày đầu nhập học. Trần Sinh và mẹ không kìm được nước mắt bật khóc trước sự giúp đỡ của mọi người.
Nhờ có sự khởi đầu này, chàng sinh viên Trần Sinh mới có thể lên Bắc Kinh nhập học. Sau nhiều năm vừa học vừa làm, năm 1984, Trần Sinh tốt nghiệp và có công việc ổn định khi giảng dạy tại Học viện Giáo dục Quảng Đông, sau đó làm tại Thành ủy Quảng Châu và Trạm Giang.
Trần Sinh trở thành chủ công ty chuyên cung cấp thịt lợn sạch
Nhận thấy công việc tuy an nhàn nhưng lương không cao, Trần Sinh muốn nghỉ việc để tìm công việc khác tốt hơn. Mẹ ông phản đối nhưng ông vẫn kiên quyết với suy nghĩ làm giàu của mình: “Lý do hồi đó của tôi rất đơn giản. Vì tôi nghèo nên chưa bao giờ đóng cửa hay khóa cửa lúc ngủ, do nơi tôi sống chẳng có thứ gì đáng giá để bị người ta lấy mất, vậy nên tôi muốn sống thử cuộc sống của người giàu”.
Những căn biệt thự được Trần Sinh xây dựng cho dân làng (góc phía trên)
Sau 3 năm đổi nghề, Trần Sinh nhận được thành tựu đầu tiên với công việc trồng trọt, chăn nuôi và đầu tư bất động sản. Nhờ vậy, ông có được tài sản hàng triệu USD và thành lập công ty riêng chuyên cung cấp thịt lợn sạch. Doanh thu công ty ông đạt mức 1,8 tỷ NDT vào năm 2018.
Ngay khi trở thành tỷ phú, Trần Sinh quay về làng quê nghèo của mình xây trường, xây đường để nâng cao cơ sở vật chất. Ngoài ra, ông đầu tư mở trang trại để giúp người dân trong làng có công việc ổn định. Sau đó, ông xây nhà dành tặng cho bà con năm xưa đã giúp đỡ hai mẹ con của ông lúc nghèo đó.
Người dân nghèo nay đã có cuộc sống sung túc
Trần Sinh bỏ ra số tiền 200 triệu NDT để xây dựng 258 căn biệt thự, mỗi căn rộng 280m2, gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng khách và 1 nhà xe sân vườn. Nhiều người rời quê nghe tin lập tức quay về để xin vào ở nhưng Trần Sinh cho biết ông chỉ tặng cho người giúp mình năm xưa, đến giờ ông vẫn còn nhớ kỹ. Để tránh mâu thuẫn, Trần Sinh xây thêm 70 căn biệt thự để mọi người vui vẻ.
Trần Sinh hy vọng sự giúp đỡ của mình có thể giúp cuộc sống dân làng cải thiện hơn
Trần Sinh chia sẻ, nhờ có công ơn của mọi người quyên tiền giúp ông ăn học thành tài và chăm sóc mẹ của ông trong lúc ông đi học xa nhà nên mới có Trần Sinh thành công như ngày hôm nay. Trần Sinh mãi không quên ơn huệ của mọi người và bày tỏ: “Sau này tôi già đi về với tổ tiên, tài sản để lại tôi sẽ giúp đời, người người, hy vọng con cháu sống thoải mái, có điều kiện ăn học tốt hơn để ngôi làng của chúng ta ngày càng phát triển”.