Geleximco và thương hiệu Omoda & Jaeco của Chery vừa chính thức ký kết hợp đồng liên doanh. 2bên sẽ xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình với vốn đầu tư ban đầu 800 triệu USD, sản xuất 200.000 xe/năm.

Bắt tay Chery xây nhà máy ô tô 20.000 tỷ, Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền muốn biến Việt Nam thành ‘thủ phủ sản xuất xe’ của Đông Nam Á- Ảnh 1.


Sáng 4/4,  Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (thuôc tập đoàn Chery, Trung Quốc) chính thức ký kết hợp đồng liên doanh tại Hà Nội. Hai bên sẽ xây dựng một nhà máy tại Việt Nam với công suất 200.000 xe/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda & Jaecoo.

Gọi đây là một cuộc “kết hôn”, 2 thương hiệu từ nay trở đi thành “người một nhà”, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Geleximco cho biết 2 tập đoàn sẽ cùng nhau chia sẻ, hợp tác tìm ra những hướng đi hiệu quả. “Tôi rất tâm huyết với dự án này. Chúng tôi gặp gỡ nhau trong Covid, vượt qua không ít khó khăn để xây dựng chủ trương hợp tác. Tôi mong muốn liên doanh này có thể tạo ra một thủ phủ sản xuất ô tô của Đông Nam Á nói riêng và cả châu Á”, ông Tiền nói.

Bắt tay Chery xây nhà máy ô tô 20.000 tỷ, Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền muốn biến Việt Nam thành ‘thủ phủ sản xuất xe’ của Đông Nam Á- Ảnh 2.

Lãnh đạo Geleximco và Omoda & Jaecoo trong lễ ký kết hợp đồng liên doanh ngày 4/4.

Nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo sẽ được đặt tại tỉnh Thái Bình mà theo ông Tiền nói, doanh nghiệp sẽ xây dựng đường cao tốc đi các bến cảng, Móng Cái và Lạng Sơn để phục vụ cho việc xuất khẩu.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một (2024-2026) cho nhà máy này là 800 triệu USD (hơn 19.900 tỷ đồng), bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2026 với công suất dự kiến 50.000 xe/năm. “Nếu trong vài năm hoạt động hiệu quả, tôi tin rằng con số không dừng lại ở mức này. Bước đầu là 50.000, 100.000, 200.000, có thể là 300.000-400.000 xe và hơn thế nữa. Đó là mong muốn của 2 tập đoàn”, ông Tiền nói.

Ông cũng khẳng định định hướng của liên doanh Geleximco – Omoda & Jaecoo không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà chắc chắn phải ra nước ngoài mà điểm đến có thể là Mỹ, châu Âu.

Theo định hướng ban đầu, liên doanh này sẽ sản xuất những chiếc xe xăng – điện (xe hybrid) để phục vụ thị trường, thay vì tập trung hoàn toàn vào xe điện. Ông Tiền cho rằng xe hybrid sẽ rất hiệu quả vì hạ tầng Việt Nam chưa đáp ứng được xe thuần điện.

“Vài năm nữa, khi hạ tầng, công nghệ tốt hơn, trạm sạc tốt hơn, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa về sản xuất xe điện. Đến lúc đó, có thể cũng không phải xe điện mà là xe sử dụng một loại nhiên liệu khác như hydro thì sao”, ông Tiền nói.

Bắt tay Chery xây nhà máy ô tô 20.000 tỷ, Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền muốn biến Việt Nam thành ‘thủ phủ sản xuất xe’ của Đông Nam Á- Ảnh 3.


Có mặt tại lễ ký kết, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, sản xuất và lắp ráp các loại xe ô tô chạy bằng động cơ điện cũng như sử dụng đốt kèm đang là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030.

Vị lãnh đạo Bộ Công thương cho hay việc xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô chạy bằng điện và động cơ đốt kèm năng lượng sạch là hướng đi rất trúng, phù hợp với chủ trương, cơ chế, chính sách của Việt Nam. Đầu tư tại Việt Nam, liên doanh ko chỉ khai thác thị trường 100 triệu dân trong nước, mà còn có cơ hội khai thác thị trường 5 tỉ người tiêu dùng thuộc các quốc gia trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Trước mắt trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến ra mắt thị trường vào cuối năm 2024. Mẫu xe thuần điện thông minh crossover Suv Omoda E5 và mẫu xe việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.