×
×

Vượt lên nghịch cảnh, nữ sinh mồ côi giành học bổng một tỷ đồng: Chỉ có học thì cuộc đời mới sang trang mới

Một ngày đông năm 2003, bé gái còn nguyên dây rốn được phát hiện gần một làng trẻ ở Hải Phòng. 18 năm sau, cô bé đó chiến thắng học bổng đại học nước ngoài.

Đỗ Thị Phương Anh, 18 tuổi, ở Làng trẻ SOS Hải Phòng, vừa trở thành quán quân học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Suất học bổng duy nhất hàng năm dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá một tỷ đồng, gồm toàn bộ học phí các khóa dự bị tiếng Anh, dự bị đại học, chương trình cử nhân, sinh hoạt phí và nhà ở trong thời gian theo học. Trước đó, em cũng đỗ lớp chất lượng cao Công nghệ Thông tin của Đại học Hàng hải, Hải Phòng, bằng phương pháp xét tuyển.

Phương Anh chưa từng nghĩ tới chuyện du học hay được học bổng một trường đại học quốc tế tại Việt Nam. Tình cờ trong một lần nghe trường giới thiệu trực tuyến chương trình ở làng hồi tháng 7, cô gái nhen nhóm ý định thử sức.

Phương Anh vừa hoàn thành bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào, sau khi giành học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam

Phương Anh vừa hoàn thành bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào, sau khi giành học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam

Hạn nộp hồ sơ là đầu tháng 8 nên em chỉ có một tháng để viết bài luận, xin thư giới thiệu, chuẩn bị điểm trung bình học tập, hoạt động ngoại khóa và giấy chứng nhận hoàn cảnh. Chưa từng có kinh nghiệm xin học bổng, Phương Anh vào các hội nhóm để học hỏi. Khó khăn lớn nhất của em khi đó là thời gian và ý tưởng viết luận.

“Cuối cùng, em chọn hành trình tìm lại bản thân qua việc lựa chọn những đôi giày làm chủ đề bài luận. Đừng nên chọn giày theo xu thế, hãy chọn đôi phù hợp và yêu thích, cũng giống như phải là chính mình, dù cho xuất phát điểm thế nào chăng nữa”, Phương Anh nói.

Nữ sinh viết bài luận bằng tiếng Việt, sau đó chuyển sang tiếng Anh và nhờ các thầy cô sửa. Đầu tháng 9, Phương Anh bước vào phòng phỏng vấn trực tuyến với ba giám khảo, gồm thầy hiệu trưởng người nước ngoài và hai thầy cô Việt Nam.

Ở vòng phỏng vấn, ứng viên có thể trình bày bằng tiếng Việt nhưng Phương Anh quyết định nói tiếng Anh để gây ấn tượng với giám khảo. Trước đó, em viết các câu hỏi và câu trả lời rồi luyện tập hàng ngày, lúc đang quét nhà hay nấu ăn. Phương Anh thậm chí còn tập điệu bộ, biểu cảm trước gương, nhờ mẹ nuôi làm giám khảo để luyện nói.

“Hôm phỏng vấn, em sốc vì câu hỏi khác hoàn toàn những gì chuẩn bị. Em không hài lòng với phần trình bày của mình và nghĩ sẽ trượt vì đã dừng lại vài phút để khóc”, Phương Anh nhớ lại.

Nhưng khoảng một tuần sau, Phương Anh vui sướng khi được thông báo đỗ học bổng. Hôm ấy là ngày rộn ràng của nhà Hoa Cúc, tổ ấm của 9 đứa trẻ mồ côi như em.

Phương Anh và mẹ Thắng năm em khoảng 3 tuổi. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam

Phương Anh và mẹ Thắng năm em khoảng 3 tuổi. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam

Nhắc đến Phương Anh, chị Đỗ Thị Thắng, 62 tuổi, cười hạnh phúc. Chị Thắng không có gia đình và gắn bó với làng SOS từ ngày con trẻ. Chị nhớ như in rạng sáng một ngày năm 2003, khi người trong làng nghe thấy tiếng trẻ con khóc ở bụi tre gần đó. Một đứa trẻ còn nguyên dây rốn, được bọc sơ sài trong lớp tã mỏng, mặt tím tái vì kiến bu. Cô bé ấy chính là Phương Anh.

Thương đứa trẻ khóc ngặt vì đói sữa, chị Thắng ôm chặt vào lòng, ủ ấm rồi chạy đi xin sữa của các nhà có con nhỏ trong làng. Sau vài hôm được mẹ Thắng chăm sóc và bôi thuốc, những vết muỗi đốt, kiến cắn trên mặt Phương Anh mới đỡ dần.

“Thật may hôm ấy các nhà xung quanh không thả chó, nếu không tôi cũng không biết thế nào. Ông trời đã cho con được sống”, chị Thắng kể.

Sống ở làng SOS, Phương Anh sợ bóng tối và ám ảnh với cảm giác bị bỏ rơi. Lúc còn nhỏ, em luôn phải có hai mẹ nằm cạnh. Cô bé cũng trải qua những ngày vất vả chữa trị u dưới lưỡi. Chị Thắng nhớ lại, ngày đó, mỗi lần tới viện làm phẫu thuật, Phương Anh được các y bác sĩ và bệnh nhân yêu quý. Cô bé luôn tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan và vui vẻ trước mỗi lần mổ.

Với Phương Anh, việc giành học bổng mở ra một cuộc đời mới, giúp em có cơ hội thể hiện bản thân và thực hiện mơ ước học ngành Marketing. Cô bé ước sau khi tốt nghiệp đại học sẽ vào làm ở một tập đoàn, có điều kiện giúp đỡ các em ở làng trẻ và đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ Thắng.

“Em nhớ nhất hình ảnh mẹ Thắng lấy kim chỉ khâu lại cuốn Atlat bị rách để em kịp mang đi thi tốt nghiệp trung học. Mẹ ít khi thể hiện cảm xúc nhưng em biết mẹ tự hào về con gái”, nữ sinh tâm sự.

Ở làng trẻ, mỗi mẹ phụ trách một gia đình, với đàn con ở mọi lứa tuổi. Bận rộn chăm sóc các em nhỏ nhưng mẹ Thắng luôn dành thời gian ở bên dạy bảo và động viên Phương Anh học tập. Không phụ tình yêu thương của mẹ, em chăm chỉ học hành và luôn đạt học sinh giỏi. Em cũng giúp mẹ chăm sóc và dạy các em khác trong nhà học.

“Phương Anh học tốt môn Toán và tiếng Anh. Con rất chịu khó, tự mày mò và học tập”, chị Thắng nói.

Ông Tăng Tiến San, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hải Phòng, cảm động và vui mừng khi Phương Anh giành học bổng vào đại học nước ngoài. Theo ông San, Phương Anh là người đầu tiên trong hệ thống 17 làng trẻ SOS của Việt Nam đạt được thành tích này.

“Với kết quả đó, Phương Anh có cơ hội sang trang mới cuộc đời. Mọi công sức cố gắng và nỗ lực bền bỉ của con đã được ghi nhận. Phương Anh trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho các con khác trong làng”, ông San nhận xét.

Trong mắt ông San, Phương Anh là một cô bé nghị lực và học tốt. Từ những năm trung học phổ thông, con đã nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. “So với các anh chị em khác trong làng, Phương Anh có xuất thân đặc biệt. Thay vì tự ti vì sống ở làng trẻ, con rất tự hào và luôn khoe về mẹ Thắng”, ông San nói.

Chị Thắng (thứ hai từ trái sang) và các con trong nhà Hoa cúc ở Làng trẻ em SOS Hải Phòng. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam

Chị Thắng (thứ hai từ trái sang) và các con trong nhà Hoa Cúc ở Làng trẻ em SOS Hải Phòng. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam

Related Posts

Trở thành thủ khoa ĐH Bách Khoa TP.HCM, chàng trai đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì quá nghèo, người mẹ chấp nhận bán hết tài sản giá trị để dành cho con

Với số điểm 28,25 em Trần Văn Cường, học sinh Trường THPT Trần Phú (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã trở thành thủ khoa Trường ĐH Bách…

Nhà nghèo, không đủ tiền trang trải học phí: Thủ khoa trường làng muốn bỏ đại học, đi làm thuê chưa đến 200.000 đồng/ngày

Hoàng Thị Mai Thơm (18 tuổi) – thủ khoa khối C00 của Trường THPT Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) với số điểm 26,75 định…

Nỗ lực thay ba làm trụ cột gia đình, chàng trai Kiên Giang cố gắng học hành, trở thành thủ khoa ở tuổi 35

Nỗ lực thay ba làm trụ cột gia đình, gặp nhiều khó khăn, nhưng 8x Kiên Giang vẫn quyết tâm học hành và trở thành thủ khoa…

Nghị lực phi thường của cậu học trò m:ù đầu tiên thi đỗ khoa piano tại Nhạc viện Hà Nội

Em Bùi Quang Khánh, 16 tuổi là học trò mù đầu tiên ở khoa piano trong hơn 60 năm của Nhạc viện Hà Nội. Nguồn: Internet Chuyện…

Nam sinh nghèo vừa giúp bố mẹ làm nông vừa quyết chí học tập, thi đỗ ĐH top đầu

Xuất thân nghèo khó, sau giờ học còn phụ giúp cha mẹ làm nông, nhưng nam sinh này vẫn thi đỗ ĐH top đầu. Nguồn: Internet Mộc…

Con trai út của gia đình nông dân nỗ lực học hành, là sinh viên xuất sắc ở ĐH Bách khoa: Phải cố học để thoát khỏi cái khổ

Sái Tuấn Vũ là sinh viên xuất sắc ở ĐH Bách khoa Hà Nội, vừa nhận học bổng của trường nhờ thành tính đáng nể trong học…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *