Bước đường phát triển của con cái chắc chắn rất cần sự thấu hiểu, quan tâm của cha mẹ.
Cha mẹ là người bạn đầu tiên cũng luôn là người yêu thương con cái vô điều kiện, tuy nhiên không phải lúc nào đấng sinh thành cũng đúng. Một vài câu nói của cha mẹ, tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến các con tổn thương.
1.Con không làm được thì để đó, cha/mẹ sẽ làm
Nhiều cha mẹ bao bọc con quá mức, không để con làm việc nhà. Ngay cả những công việc đơn giản như quét dọn nhà cửa, nấu cơm, chăm sóc cây cảnh,… họ cũng không để trẻ làm. Đương nhiên vì chưa được hướng dẫn bao giờ nên khi cha mẹ nhờ giúp đỡ, trẻ sẽ hồn nhiên từ chối. Lúc này, các bậc phụ huynh đành bất lực trả lời: “Con không làm được thì để đó, cha/mẹ sẽ làm”.
Nhiều đứa trẻ rất muốn học làm, muốn được phụ giúp cha mẹ nhưng toàn bị từ chối. Dần dần, trẻ chán nản, nảy sinh lười biếng, thụ động. Vì vậy, cha mẹ không nên nói câu đó với con. Hãy hướng dẫn cho con mọi việc. Cách làm này vừa giúp bản thân đỡ mệt, lại rèn cho con được tính cách độc lập, tự chủ, tự giác. Chẳng hạn như con không biết giặt quần áo, cha mẹ hãy hướng dẫn con vài lần. Con quét nhà không sạch, hãy để con quét hàng ngày để cải thiện kỹ năng. Con không biết việc để làm, cha mẹ hãy đưa ra gợi ý: “Con có thể tưới cây giúp mẹ không?”, “Chiều nay chúng ta cùng dọn nhà kho nhé!”, “Con phụ mẹ lấy bát đũa ra trước bữa ăn nhé!”,… Ban đầu có thể trẻ làm chưa tốt nhưng dần dần, trẻ sẽ tiến bộ.
2. Điều này là không tốt, hãy nghe lời cha/mẹ
Mỗi người đều có tư duy độc lập, có ý tưởng của riêng mình. Những đứa trẻ cũng vậy, trẻ có chính kiến riêng mà cha mẹ không nên can thiệp quá sâu. Trước những việc trẻ đang do dự, bối rối không biết nên chọn gì, nên làm gì; nhiều cha mẹ sẽ quyết định thay con: “Điều này là không tốt, hãy nghe lời cha/mẹ”.
Nếu cha mẹ thường xuyên nói câu trên sẽ khiến trẻ mất tự tin, chán nản, mặc cảm. Trẻ sẽ luôn hoài nghi bản thân và không dám đưa ra quyết định trong học tập cũng như trong cuộc sống. Dần dần, trẻ mất sự chủ động, luôn trông chờ vào sự quyết định của cha mẹ.
Vì vậy, thay vì lựa chọn hộ con, cha mẹ nên cùng con thảo luận, phân tích nhiều khía cạnh của vấn đề. Sau đó, hãy để trẻ lựa chọn. Đây vừa là cách giúp trẻ tăng tính chủ động, tự lập lại vừa cải thiện khả năng tư duy, xử lý vấn đề.
Thay vì nói những câu tiêu cực, cha mẹ có thể dành những lời động viên sau giúp con trau dồi tính tự lập:
– “Con thử làm đi! Cha/mẹ tin rằng con làm được”: Nhiều đứa trẻ không phải không muốn tự lập mà do cha mẹ vô tình tước đi quyền lợi đó. Muốn con cái tự lập, cha mẹ phải cho trẻ cơ hội thực hành nhiều. Hãy ủng hộ trẻ bắt tay vào làm việc, trẻ sẽ có niềm tin vào bản thân, dù làm chưa tốt cũng không sao cả.
– “Con tự lựa chọn/quyết định đi”: Nếu cha mẹ không cho con quyết định, luôn đưa ra lựa chọn thay con sẽ khiến trẻ trở nên do dự và lo lắng. Trong cuộc sống sau này, mỗi khi có sự lựa chọn, trong tiềm thức trẻ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngược lại, nếu cha mẹ trao cho con quyền quyết định sẽ giúp trẻ biết suy xét cẩn thận và tự tin hơn.
– “Cha/mẹ thấy con đã rất cố gắng”: Nếu cha mẹ thường xuyên nói câu này sẽ khiến trẻ cảm thấy rất vui và có thêm động lực. Dù trong một số trường hợp có thể kết quả không như mong đợi. Nhưng trẻ vẫn cảm nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ, trẻ biết rằng sự cố gắng của mình là không vô nghĩa.