Trong văn bản vừa gửi đến Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đã bỏ đề xuất quy định niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Theo đó, xe tập lái và xe sát hạch vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, tức chưa quy định niên hạn.

Hiểu đúng về xe tập lái phải đi đúng tuyến đường

Bộ GTVT cho rằng, việc rút đề xuất trên là tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp.

Trước đó, tháng 9/2013, Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo nghị định trên. Trong đó cơ quan soạn thảo đề xuất quy định niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch.

Cụ thể, xe hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn tối đa từ 17-25 năm.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định trên. Trong đó, cơ quan thẩm tra lưu ý cần đánh giá tác động việc phải thay thế xe tập lái, xe sát hạch lái xe hết niên hạn theo quy định của dự thảo Nghị định.

Thêm vào đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT xem quy định trên có thể làm tăng chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Cạnh đó, có thể gây ách tắc cho hoạt động đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe nếu doanh nghiệp chưa kịp, hoặc chưa đủ điều kiện mua mới xe tập lái, xe sát hạch lái xe và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.

“Trường hợp cần phải quy định niên hạn, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có quy định lộ trình phù hợp, khả thi và chịu trách nhiệm về vấn đề này…” theo Bộ Tư pháp.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng cho rằng Nghị định 95/2009 quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.

Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo xác định cần thiết phải quy định niên hạn sử dụng đối với xe tập lái, xe sát hạch, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc sửa đổi Nghị định 95 để đảm bảo quy định thống nhất về niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới trong một văn bản quy phạm pháp luật.