Theo Sở GTVT Hà Nội, việc dừng hoạt động 6 tuyến buýt trợ giá cao gồm 10, 14, 18, 44, 45, 145 sẽ tiết kiệm khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố cho phép dừng hoạt động 6 tuyến buýt có mức trợ giá cao trên 95%, kể từ ngày 1/4. Các tuyến xe buýt này gồm tuyến 10, 14, 18, 44, 45, 145.

Với phương án dự kiến nêu trên, Sở GTVT tải tính toán sẽ giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.

Để không ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại của hành khách, từ nay đến tháng 4/2024, Sở GTVT sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình tương tự với tuyến dừng hoạt động.

Hà Nội dự kiến dừng 6 tuyến xe buýt từ ngày 1/4. (Ảnh minh hoạ)

Hà Nội dự kiến dừng 6 tuyến xe buýt từ ngày 1/4. (Ảnh minh hoạ)

Theo thống kê của Sở GTVT, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố trung bình giai đoạn 2020-2022 cao hơn so với giai đoạn 2015-2019 là 857,43 tỷ đồng. Năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020-2022 hơn 670 tỷ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2020-2022, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sụt giảm, một phần do chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, phần khác do một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được áp dụng theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND thành phố.

Bên cạnh đó, việc thi công một số công trình giao thông trọng điểm khiến xe buýt phải điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình, tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng…

Qua rà soát, Sở GTVT Hà Nội tạm thời xác định 71/132 tuyến buýt cần xem xét điều chỉnh.