Trong thời gian 30 phút kể từ khi tiếp nhận được thông tin phản ánh về các sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông, cơ quan chức năng phải điều động xong lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp để xử lý.
Công an thành phố là cơ quan chủ trì phân luồng, chống ùn tắc giao thông
Theo quy chế của UBND TP Hà Nội, Công an thành phố là cơ quan chủ trì, phối hợp tiếp nhận thông tin phản ánh, giải quyết về tai nạn giao thông; công tác xử lý bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phân luồng, điều tiết giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Sở GTVT là cơ quan chủ trì trong công tác phối hợp tiếp nhận thông tin phản ánh, xây dựng các phương án tổ chức giao thông.
Đồng thời phối hợp giải quyết các sự cố về giao thông, thực hiện công tác tổ chức giao thông, phân luồng chống ùn tắc giao thông.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ trì trong công tác tiếp nhận thông tin phản ánh giải quyết các sự cố về giao thông. Thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường được phân cấp; phối hợp tham gia xử lý sự cố về giao thông, chống ùn tắc giao thông trong phạm vi địa giới hành chính của mình.
“Khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, sự cố giao thông, Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông chủ động bố trí lực lượng, huy động phương tiện tham gia giải quyết kịp thời một cách nhanh nhất để bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn, thuận tiện; có phương án phân luồng từ xa hướng dẫn cho các phương tiện đi qua khu vực xảy ra ùn tắc giao thông, sự cố giao thông”, UBND TP Hà Nội yêu cầu.
Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra tham gia phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để tổ chức phân luồng hướng dẫn giao thông tại khu vực xảy ra sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, công an phường, xã, thị trấn, dân phòng, bảo vệ dân phố cử lực lượng phối hợp tham gia phân luồng hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc giao thông khi xảy ra các sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông.
Chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án trên đường bộ đang khai thác khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, sự cố về giao thông trong phạm vi, khu vực đang thi công phải cử lực lượng, phương tiện hỗ trợ ngay các lực lượng chức năng trong việc giải quyết các sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông.
Thành lập nhóm tiếp nhận thông tin, xử lý sự cố trong 30 phút
Đáng chú ý, ở quy chế này có yêu cầu Công an Thành phố, Sở GTVT, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải thành lập nhóm công tác thông qua ứng dụng Zalo hoặc Viber để tiếp nhận thông tin phản ánh từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông để điều động lực lượng, phương tiện tham gia giải quyết kịp thời trong thời gian nhanh nhất bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Trong thời gian 30 phút kể từ khi tiếp nhận được thông tin phản ánh về các sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã không điều động lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp để xử lý giải quyết sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố.
Công an thành phố, Sở GTVT, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh và thông tin liên quan đến sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, để nhanh chóng xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định.
Ban An toàn giao thông thành phố chủ trì phối hợp trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết các sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông của Ban An toàn giao thông các quận, huyện, thị xã; tham gia phối hợp nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.