Những ngày qua, nữ diễn viên Cao Thái Hà hứng chịu chỉ trích từ dư luận khi talkshow cũ của cô được “đào lại”, trong đó có phát ngôn, “”Mình có một sự gắn kết với ba khủng khiếp. Tới cái ngày ba Hà sắp mất, Hà cầm tay ba Hà nói: “Ba ơi, chắc có lẽ kiếp trước con với ba là người yêu, mà chắc yêu cũng dữ lắm, yêu chắc cũng là tự tử lên, tự tử xuống, nên kiếp này ba con mình mới yêu thương nhau như vậy. Nên là kiếp sau mình tiếp tục yêu nhau nữa. Con mong rằng kiếp sau mình đừng làm ba con nữa, mình là vợ chồng đi, để tình yêu nó được thăng hoa hơn”. Dư luận cho rằng, cách nói này của Cao Thái Hà lệch lạc và không đúng thuần phong mỹ tục.

Dưới góc nhìn của ngôn ngữ học, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ cho biết, cách nói của Cao Thái Hà bắt nguồn từ câu: “Con gái là người tình kiếp trước của cha” vốn được sử dụng rộng rãi trong đời sống người Việt.

Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, câu nói “Con gái là người tình kiếp trước của cha” có nguồn gốc sâu xa từ thuyết luân hồi và nhân duyên trong đạo Phật. “Câu nói đó không có trong đạo Phật, nhưng bắt nguồn từ thuyết luân hồi, nhân duyên. Trong đó, ý của câu muốn đề cập đến việc, mọi sự gặp gỡ của kiếp này vốn đã được bắt nguồn từ nhân duyên kiếp trước. Sách Phật có ghi, ở kiếp này, chúng ta có là bạn bè, là bố con, hay vợ chồng… đều do chúng ta đã tu từ rất nhiều kiếp trước, có nhân duyên từ kiếp trước. Và trọng tâm của câu nói muốn nhấn mạnh rằng, hãy trân trọng những mối quan hệ, những mối nhân duyên chúng ta có ở kiếp này”.


Cao Thái Hà đã diễn xuôi đúng nghĩa đen của câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha“, cách nói này bị cho là thô vụng, dễ bị phản ứng. Ảnh: NVCCCao Thái Hà đã diễn xuôi đúng nghĩa đen của câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha“, cách nói này bị cho là thô vụng, dễ bị phản ứng. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ phân tích, “Cách nói “Con gái là người tình của cha ở kiếp trước” là cách nói bóng bẩy, hình tượng. Ý chỉ, con gái luôn được cha cưng chiều, nâng niu. Chúng ta không nên hiểu câu nói này theo đúng logic của ngôn ngữ. Cách diễn đạt mang tính hình tượng, khái quát, không nên phân tích cụ thể, bám sát nghĩa đen. Logic bề mặt ngôn ngữ sẽ khác với cách hiểu bóng bẩy. Câu nói “Con gái là người tình kiếp trước của cha” thường phổ biến với những người hay nói chơi chữ, bóng bẩy”.

Trong trường hợp của diễn viên Cao Thái Hà, cô lại hiểu câu này theo đúng nghĩa đen. Cách dùng từ và diễn đạt của Cao Thái Hà lại vụng về, hồn nhiên, nên tất yếu sẽ dẫn đến việc bị số đông phản ứng.

“Nếu nhìn kỹ sự việc, chúng ta sẽ thấy đây là chuyện rất nhỏ. Ý của nữ diễn viên là, cô mong kiếp sau có duyên vợ chồng với cha của mình. Ở kiếp sau, Cao Thái Hà không còn là Cao Thái Hà của kiếp này, cha của cô cũng không ở trong vị thế là “cha của Cao Thái Hà”. Họ đã trở thành những người khác nhau, với số phận khác nhau, trong mối quan hệ khác nhau, không còn là cha con. Nếu thế, họ có nhân duyên để trở thành vợ chồng, cũng không có gì sai trái. Chỉ là cách diễn đạt, dùng từ vụng về, nên nữ diễn viên đã bị phản ứng”- Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nói.


Ngoài thực tế, có nhiều cô gái muốn chọn người đàn ông có tính cách giống cha mình để kết hôn. Ảnh: MHCâu nói “Con gái là người tình kiếp trước của cha” là cách nói bóng bẩy, hình tượng. Ảnh: MH

Ở ngoài thực tế, có rất nhiều cô gái khi chọn người yêu hay chọn chồng, họ có xu hướng chọn những người đàn ông có tính cách, hoặc ngoại hình giống với cha của mình. Bởi trong mắt những cô gái, người cha – là một hình mẫu lý tưởng. Cha là người yêu thương, chiều chuộng con gái hết mực. Cha hy sinh mọi điều cho con gái. Vì sự kính yêu và biết ơn, con gái lớn lên có xu hướng muốn chọn cho mình một người đàn ông để cưới sẽ có tính cách “hiền như cha, giàu tình yêu thương như cha” – điều đó là dễ hiểu.

Cùng một câu nói, khi vận dụng và diễn đạt khác nhau sẽ gây ra những cách hiểu khác nhau. Khi diễn đạt thô vụng, thì dù là câu nói hàm ý những ngữ nghĩa cao đẹp – cũng trở nên “bất thường”, dễ bị phản ứng.