VinFast sắp xây dựng nhà máy có công suất 50.000 xe/năm và vốn đầu tư ban đầu lên tới 200 triệu USD tại Ấn Độ.

BYD là cái tên đang gây chấn động thế giới khi lần đầu tiên vượt qua Tesla để trở thành công ty sản xuất xe điện hàng đầu thế giới về doanh số bán.

Không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, tham vọng của BYD là sẽ thống lĩnh các thị trường mới nổi, gồm châu Âu, Đông Nam Á và Nam Á. Trong đó, thị trường châu Âu và Đông Nam Á đang rất thuận lợi với hãng xe đến từ Trung Quốc. Ngay đầu năm 2023, BYD đã công bố kế hoạch tiến đến thị trường châu Âu, bao gồm cả ở Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Pháp và Vương quốc Anh, sẵn sàng xây nhà máy lớn.

Tại Đông Nam Á, BYD đang xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên ở Thái Lan với công suất 150.000 xe/năm. Ngoài ra, họ cũng đang xem xét đặt thêm nhà máy ở một quốc gia lân cận khác như Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Tuy nhiên, hãng ô tô nội địa bán chạy nhất Trung Quốc đã nhận “gáo nước lạnh” trong kế hoạch vươn ra thị trường toàn cầu. Tham vọng tiến xuống vùng Nam Á với mục tiêu chiếm lĩnh 40% thị trường xe điện của Ấn Độ vào năm 2030 của BYD đã phải dừng bước trước quyết định “rắn tay” của chính phủ nước này. Theo đó, đề xuất của BYD và đối tác công ty tư nhân Megha Engineering and Infrastructures ở Ấn Độ muốn bắt tay để thành lập liên doanh và xây nhà máy xe điện trị giá 1 tỷ USD đã bị khước từ.

Bộ Thương mại Ấn Độ, Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa Ấn Độ (DPIIT) đã từ chối với lý do lo ngại về an ninh. Từ tháng 4/2020, Ấn Độ đã thay đổi chính sách đầu tư nước ngoài. Trong đó nhấn mạnh tất cả các khoản đầu tư đến từ những quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền phải được chính phủ thông qua.

Từng từ chối thương vụ xây nhà máy 1 tỷ USD của 'trùm xe điện, thị trường ô tô top 3 thế giới vừa 'bật đèn xanh' cho VinFast khi ông Phạm Nhật Vượng gõ cửa - Ảnh 2.
Ấn Độ hiện là nhà sản xuất và cũng là thị trường xe hai bánh lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Mỹ). Ô tô điện đang chiếm 1% trong số 3 triệu ô tô được bán ra mỗi năm, nhưng tốc độ sẽ tăng dần. Chính phủ New Delhi muốn tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030 và đã đưa ra một loạt chính sách để đạt được điều đó, bao gồm giảm thuế cho người tiêu dùng. Các hãng xe điện nội địa Ấn Độ cũng được ưu đãi lớn về thuế, phí, có thể giảm thời gian thử nghiệm để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

Tata Motors đang là hãng xe nội địa chiếm 88% thị phần tại quốc gia này cũng đã đặt mục tiêu đạt 30% tỷ lệ sử dụng xe điện vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Tata đưa ra chiến lược ra mắt các sản phẩm xe điện cỡ nhỏ, pin nhỏ, đồng nghĩa với việc giá thành rẻ và thời gian sạc pin ngắn.

Việc Chính phủ Ấn Độ thẳng thừng từ chối các “ông lớn” xe điện đến từ Trung Quốc trước mắt sẽ là lợi thế cho các hãng xe nội địa tranh thủ thời gian để chiếm thêm thị phần, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt phát triển công nghệ, trong đó có công nghệ pin và khung gầm hiện đang là thế mạnh của Trung Quốc.

Từng từ chối thương vụ xây nhà máy 1 tỷ USD của 'trùm xe điện, thị trường ô tô top 3 thế giới vừa 'bật đèn xanh' cho VinFast khi ông Phạm Nhật Vượng gõ cửa - Ảnh 3.
Đáng chú ý, Ấn Độ từ chối thương hiệu số 1 Trung Quốc BYD nhưng lại bật đèn xanh với thương hiệu ô tô Việt Nam. VinFast mới đây đã thông báo sẽ mở cơ sở sản xuất pin tại bang Tamil Nadu phía nam Ấn Độ. Công ty sẽ sản xuất pin cho xe điện tại nhà máy ở thành phố Thoothukudi và cho biết thêm rằng việc này khác với kế hoạch đã công bố trước đó là lắp ráp xe vận chuyển linh kiện từ Việt Nam.

Như vậy, việc xây dựng nhà máy của VinFast đã được Chính phủ Ấn Độ chấp nhận, từ đó tối ưu được chi phí, tạo tiền đề cho việc phát triển của thương hiệu này tại khu vực Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy nhiên, BYD đã tự khẳng định mình là sự lựa chọn đáng tin cậy và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng Ấn Độ. VinFast, với tư cách là người mới, chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức, đồng thời có thể tận dụng những thành tựu của BYD để làm minh chứng cho tiềm năng của thị trường.