Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021 đến nay, gầm cầu của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) dần trở nên nhếch nhác khi người dân chiếm không gian chung làm “của riêng”, hoạt động kinh doanh trông giữ xe, thu phí.

Được biết, thời điểm quy hoạch tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không còn mặt bằng để xây dựng các điểm trông giữ xe, chỉ có ga Cát Linh đầu tuyến và ga Yên Nghĩa cuối tuyến được bố trí bãi đỗ xe tạm cho người sử dụng dịch vụ. Nhận thấy “thừa cầu nhưng thiếu cung”, nhiều người dân đã tự ý lập ra các điểm trông giữ xe trong hành lang an toàn đường sắt trên cao, gây mất trật tự an toàn giao thông. Báo Lao Động đã có một cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội – về vấn đề này.


s
KTS. Trần Huy Ánh – Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Ảnh: Tùng Giang
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe, kinh doanh trông giữ xe tại một số nhà ga của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông?

– Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không chỉ xảy ra ở các điểm ga mà nó diễn ra ở hầu hết tuyến phố Hà Nội, thể hiện rõ sự bất cập trong việc quản trị tài sản công cộng và sự thỏa hiệp giữa các cơ quan quản lý địa phương với việc sử dụng không gian chung vào những lợi ích tư. Thời gian qua, TP Hà Nội đã rất là nhiều lần ra quân dẹp bỏ mất trật tự vỉa hè, lòng đường, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả, được một thời gian thì đâu lại vào đấy.

Về không gian trống tại các điểm ga, những khoảng rộng này chưa được quy hoạch sử dụng cụ thể, mà người dân lại có nhu cầu đỗ, gửi xe, dẫn đến tình trạng các cá nhân chiếm dụng để kinh doanh trông giữ xe, thu phí.

Trong thiết kế, các điểm ga đều có những trạm chuyển đổi phương tiện. Thế nhưng, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại không có những tiện ích này. Đây là một thiếu hụt, làm giảm đi lượng khách đi tàu cũng như khiến cho tình hình đậu đỗ các phương tiện giao thông tại các điểm ga trở nên lộn xộn.


sGầm cầu của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) dần trở nên nhếch nhác khi người dân chiếm không gian chung làm “của riêng”, hoạt động kinh doanh trông giữ xe, thu phí. Ảnh: Phương Thảo

Theo ông, TP Hà Nội có nên quy hoạch lại các điểm đỗ xe tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông giống như các tuyến phố đã đưa vào khai thác thương mại, dịch vụ hay không?

– Việc quy hoạch lại các điểm đỗ xe đưa vào khai thác thương mại, dịch vụ vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Vỉa hè, lòng đường là diện tích không được sử dụng vào mục đích phi giao thông. Nếu quy hoạch lại vỉa hè các điểm đỗ xe tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông giống như các tuyến phố đã đưa vào khai thác thương mại, dịch vụ thì cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng.

Vấn đề thiếu bãi đỗ xe không chỉ riêng ở các điểm ga. Chúng ta coi việc đỗ xe là phúc lợi, nhưng thực tế đây là một ngành dịch vụ cung cấp dịch vụ đỗ xe có thu phí. Mức thu phí phải tương ứng với tiền đầu tư. Nếu chúng ta còn chưa rõ ràng, coi việc đỗ xe là trách nhiệm của chính quyền thành phố thì sẽ khó mà đáp ứng được.

TP Hà Nội cần có những phương án nào để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi đỗ xe, kinh doanh trông giữ xe tại các điểm ga như hiện nay?

– Thứ nhất, nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ về mức phạt xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ, và quy định này đã đủ tính răn đe.

Thứ hai, sử dụng công nghệ thông tin để giám sát, đây là giải pháp mà cả thế giới đang dùng. Công nghệ ngày càng rẻ và Việt Nam cũng nên nắm bắt, ứng dụng để cải thiện an toàn giao thông, điều này là cấp thiết đối với thực tế.

Cần loại bỏ những biện pháp sử dụng sức người, mang tính phong trào, khẩu hiệu, đổi lại bằng cách sử dụng thiết bị để giám sát. Bên cạnh đó là dùng công cụ tài chính (xử phạt-PV), tôi nghĩ nó đủ mạnh để lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường của toàn thành phố.