Theo luật sư Thơm dù vượt trái hay vượt phải thì khi vượt xe khác, lái xe vẫn cần tuân thủ tuyệt đối theo các quy định về an toàn theo luật để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Tài xế xe con vượt phải gây ra tai nạn thảm khốc

Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc khiến 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn, đến 15h cùng ngày, đoạn tuyến thuộc nơi xảy ra vụ tai nạn, các phương tiện giao thông đã cơ bản lưu thông trở lại bình thường.

Cục Cảnh sát giao thông đã có báo cáo ban đầu về vụ tai nạn nghiêm trọng trên. Theo đó, nguyên nhân ban đầu lực lượng chức năng xác định xe ô tô con biển kiểm soát 36A – 485.67 vượt bên phải sau đó lại tạt sang trái va đầu xe container nên gây ra tai nạn liên hoàn.

Theo camera hành trình ghi lại cho thấy, tài xế Kiều đã vượt bên phải gây ra vụ tai nạn liên hoàn. Nhiều người cho rằng hành động vượt phải này của tài xế là vi phạm luật giao thông đường bộ.

Tai nạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 mẹ con tử vong: Tranh cãi tài xế phạm lỗi

Camera ghi lại cảnh chiếc xe con vượt bên phải gây tai nạn – Ảnh cắt từ clip

Chia sẻ quan điểm về vụ tai nạn thảm khốc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng đây cũng chính là điểm đã gây ra khá nhiều hiểu lầm, tranh cãi giữa lái xe và CSGT trong quá trình xử lý vi phạm thời gian vừa qua.

Luật sư Thơm dẫn theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT có nêu rõ: “Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều”.

Vì vậy, theo luật sư dựa vào quy định trên có thể thấy, hành vi vượt phải chỉ cấu thành khi diễn ra trên đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều, còn đối với đường cao tốc hay đường quốc lộ có hai làn xe cơ giới trên mỗi chiều trở lên thì hành vi vượt này không được coi là vi phạm vượt phải.

Khoản 4, Điều 14, Luật Giao thông đường bộ quy định khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải gồm: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường và khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

Tuy nhiên, luật sư Thơm khẳng định dù vượt trái hay vượt phải (đối với các trường hợp được phép vượt phải) thì khi vượt xe khác, lái xe vẫn cần tuân thủ tuyệt đối theo các quy định về an toàn theo luật như phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn; Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải…

Tài xế xe ô tô gây tai nạn có thể chịu mức hình phạt nào?

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác điều tra và đến bệnh viện thăm hỏi, trao hỗ trợ 15 triệu đồng đến thân nhân có người tử vong, 2 triệu đồng đối với người bị thương.

Cũng trong chiều 18/2, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Phan Đình Kiều (sinh năm 1969, trú xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 36A – 485.67 gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn xảy ra cùng ngày, làm 3 người tử vong.

Các nạn nhân được xác định là chị Lê Thị H. (SN 1983) cùng 2 con là Phan Lê K. V. (SN 2009) và Phan Đình Q. (SN 2015), cùng trú phường Đông Tân, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tai nạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 mẹ con tử vong: Tranh cãi tài xế phạm lỗi

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Ảnh: CAND

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm, lỗi của lái xe ô tô là điều khiển phương tiện khi vượt xe không đảm bảo an toàn, vi phạm khoản 4 Điều 14 Luật giao thông đường bộ quy định. Hậu quả làm 3 người ngồi trên xe tử vong và thiệt hại tài sản của các phương tiện khác đã phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự.

Về hình phạt mà tài xế Phan Đình Kiều có thể phải chịu, luật sư Thơm dẫn Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

Theo đó, tài xế có thể bị phạt tù từ 7-15 năm tù khi phạm tội làm chết 3 người trở lên.