Sự nỗ lực vượt khó và thành công chạm đến giấc mơ Harvard của Justus Uwayesu là nguồn cảm hứng lớn lao cổ vũ những người đang đấu tranh với khó khăn trong cuộc sống.
Mồ côi cha mẹ vì nạn diệt chủng sắc tộc, một cậu bé 9 tuổi sống trong một chiếc ô tô cháy rụi ở bãi rác tại quốc gia Trung Phi nhỏ bé Rwandan. Bãi rác cũng là nơi cậu nhặt nhạnh mỗi ngày để kiếm thức ăn và quần áo. Ban ngày, cậu ăn xin trên đường phố.
Khi một nhân viên từ thiện người Mỹ, Clare Effiong, đến thăm bãi rác vào một ngày Chủ Nhật năm 2001, những đứa trẻ khác chạy tán loạn. Một cậu bé liều ở lại, trong trạng thái nhếch nhác và đói khát. Effiong hỏi tại sao.
“Con muốn đi học,” cậu bé trả lời.
Cuộc gặp bất chợt đã thay đổi cuộc đời cậu bé nghèo châu Phi. Cậu bé đó chính là Justus Uwayesu.
Mùa thu năm 2014, Justus ghi danh là sinh viên năm nhất tại Đại học Harvard với học bổng toàn phần. Cậu theo học chuyên ngành Toán, Kinh tế và Nhân quyền, đồng thời mong muốn học thêm bằng Khoa học cao cấp, theo The New York Times.
Bãi rác là chốn nương thân
Sinh ra ở vùng nông thôn phía đông Rwanda, Justus mới 3 tuổi cha mẹ – những người nông dân mù chữ, chết trong một cuộc thảm sát chính trị. Các nhân viên Hội Chữ thập đỏ đã giải cứu Justus cùng một anh trai, hai chị gái và chăm sóc họ cho đến năm 1998. Khi đó, làn sóng trẻ em mồ côi ngày càng tăng buộc Hội phải đưa các em trở về làng.
Hạn hán và nạn đói bủa vây những đứa trẻ tội nghiệp. “Tôi bị suy dinh dưỡng. Anh em chúng tôi phải nhịn đói nhiều ngày” Justus hồi tưởng lại”.
Năm 2000, chàng trai trẻ Justus và anh trai đi bộ đến Kigali (thủ đô của Rwanda) để tìm kiếm thức ăn và sự giúp đỡ. Họ dừng lại ở Ruviri, một bãi rác ngổn ngang ở ngoại ô thành phố, nơi sinh sống của hàng trăm trẻ mồ côi.
Justus chia sẻ một “ngôi nhà” cùng với 2 đứa trẻ khác trong một chiếc ô tô bị bỏ hoang, cửa sổ bị đập vỡ và bên trong phủ đầy bìa cứng. Trong một năm rưỡi tiếp theo, anh không biết làm gì ngoài tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn. “Không có vòi hoa sen, không tắm rửa gì cả. Điều duy nhất tôi quan tâm là giữ ấm trong đêm”.
Justus dần phát hiện ra những chiếc xe tải đi từ các khách sạn và tiệm bánh chở những đồ thừa. Cậu nhảy lên để lấy phần của mình trước khi chuyển đến những đứa trẻ mồ côi khác kém nhanh nhẹn hơn.
Chàng trai nhiều lần tập tễnh khi ngã từ xe chở rác và cũng từng suýt bị chôn sống bởi một chiếc máy ủi đang đẩy những đống rác xuống hố. Mới 9 tuổi, anh đã trải qua nhiều đêm kinh hoàng khi một con hổ đi lang thang trong bãi rác.
“Đó là khoảng thời gian thực sự đen tối vì tôi không thể nhìn thấy tương lai. Tôi không biết làm thế nào để cuộc sống có thể tốt hơn, hoặc làm thế nào để bản thân có thể thoát khỏi điều đó”, Justus nói.
Cuộc gặp thay đổi cuộc đời
Effiong là vị cứu tinh của cậu bé. Tổ chức từ thiện mà cô Effiong thành lập vào năm 2000 tập trung vào việc giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi ở Rwanda.
Đôi khi những cuộc gặp vài phút nhưng có thể thay đổi cả cuộc đời của một con người.
Vào một ngày Chủ Nhật năm 2001, sau khi giao một thùng hàng thực phẩm và quần áo, cô ấy bắt taxi đến bãi rác và phát hiện ra một nhóm trẻ mồ côi. Sau một hồi trò chuyện, Effiong đề nghị đưa các em đến một nơi an toàn.
Chỉ có Justus đồng ý. “Tôi đưa cậu bé đến chỗ tôi ở, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, băng bó vết thương trên người và cuối cùng gửi cậu đến trường tiểu học”, cô nói.
Năm lớp một, cậu đứng đầu lớp, sau đó, luôn đạt điểm A ở trường trung học và giành một suất vào trường THPT chuyên về khoa học. Trong suốt thời gian này, Justus cũng tích cực làm việc cho các tổ chức từ thiện.
“Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhờ cô Effiong”, anh nói.
Khoảng một thập kỷ qua, giám đốc tuyển sinh quốc tế của ĐH Harvard đã đích thân lùng sục khắp châu Phi để tìm kiếm các ứng viên tiềm năng. Justus đã lọt vào mắt xanh của vị giám đốc nhờ câu chuyện cảm động về nỗ lực vươn lên của cậu bé “bãi rác”.
Hiện giờ, Justus Uwayesu đã tốt nghiệp Harvard. Chàng trai thành lập Seven United, một tổ chức phi lợi nhuận ở quê nhà Rwanda với sứ mệnh cung cấp cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp cơ hội tiếp cận với nền giáo dục chất lượng và trao quyền cho những người trẻ trở thành những nhà lãnh đạo phục vụ trong cộng đồng của họ.
Justus có niềm tin mãnh liệt rằng giáo dục là quyền cơ bản của con người và tất cả mọi người nên được bình đẳng trao cơ hội này.
Justus Uwayesu là một minh chứng cho sức mạnh tiềm ẩn bị chôn vùi trong những hoàn cảnh vô vọng nhất của con người. Đôi khi, những cuộc gặp diễn ra vài phút ngắn ngủi nhưng có thể thay đổi cả cuộc đời của một con người.