Khách hàng mua Toyota Land Cruiser chỉ nhận được 1 chìa khóa tại thời điểm bàn giao xe, chiếc còn lại được hãng “nợ” và sẽ giao sau, thời gian chờ chiếc thứ 2 có thể lên tới 6 tháng.

Kể từ khi ra mắt Việt Nam vào năm 2021, Toyota Land Cruiser LC300 liên tục trong tình trạng “khan hàng”. Vì vậy, xe thường xuyên bị bán chênh giá tại đại lý với những suất giao sớm, có thời điểm “đội” 1,8 tỷ đồng – số tiền ngang một chiếc sedan hạng sang như Mercedes-Benz C-Classs (1,599-2,099 tỷ đồng).

Tình trạng “cung không đủ cầu” diễn ra với Land Cruiser  LC300 trên toàn cầu. Hãng xe Nhật Bản đã ngừng nhận đơn đặt hàng cho sản phẩm này từ tháng 9/2023. Mẫu xe “đàn em” là Land Cruiser LC250 (tại Việt Nam được biết đến là Land Cruiser Prado) cũng “cháy hàng” lô đầu tiên sau 30 phút mở bán.

Nhưng không chỉ có vậy…

Toyota Land Cruiser thiếu chìa khóa giao khách

Kể cả khi chấp nhận chi thêm hàng trăm triệu tới cả tỷ đồng tiền “chênh” để sở hữu Land Cruiser, khách Việt nhận xe ở thời điểm hiện tại chỉ được bàn giao 1 chìa khóa, thay vì 2 chiếc như thường lệ. Theo tư vấn bán hàng, hãng đang gặp tình trạng khan hiếm phôi chìa khóa, chiếc còn lại “nợ” khách và sẽ trả sau.


Chi hàng tỷ đồng mua Land Cruiser, khách Việt chỉ nhận được 1 chìa khóa - 1Toyota Land Cruiser đang “đội giá” 600-650 triệu đồng tại đại lý đối với các xe VIN 2023. Lô xe VIN 2024 kênh giá tới 800 triệu đồng, ngang bản tiêu chuẩn của một mẫu SUV hạng C như Mazda CX-5 (759 triệu đồng) (Ảnh: Phạm Văn Sơn).

Theo phản ánh của một số người dùng, dù được bàn giao Land Cruiser vào giữa năm ngoái nhưng phải đến tháng 1 năm nay mới nhận được chiếc chìa khóa còn lại. Phía đại lý không hẹn chính xác thời điểm nhận chìa nhưng số đông chỉ nhận đủ cả 2 chìa sau khoảng 4-6 tháng kể từ lúc có xe.

Về cơ bản, người sử dụng ô tô chỉ cần 1 chìa khóa cho hầu hết các nhu cầu, chiếc còn lại thường là chìa dự phòng. Do đó việc hãng “nợ” lại 1 chìa khóa có thể không ảnh hưởng lớn tới trải nghiệm của khách hàng.

Việc “1 chìa giao trước, 1 chìa giao sau” cho khách hàng mua xe Land Cruiser không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cũng là tình trạng với người tiêu dùng tại Nhật Bản hay Bắc Mỹ. Toyota cho biết nguyên nhân đến từ việc thiếu chip.

“Cơn bão” khan hiếm linh, phụ kiện ngành ô tô

Sau đại dịch Covid-19, từ khủng hoảng chip bán dẫn ở giai đoạn 2021-2022, thị trường ô tô thế giới tiếp tục gặp cơn bão khan hiếm linh, phụ kiện ở năm 2023 và có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2024.

Carscoops đưa tin vào tháng 11/2023, ông Adrian Mardell – CEO của Jaguar Land Rover – cho biết, 10.000 xe của khách hàng thuộc thương hiệu này nằm xưởng dịch vụ tại Anh Quốc chờ phụ tùng thay thế, sửa chữa đã được cắt giảm xuống 5.000 chiếc ở cuối năm 2023.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu linh kiện này phải đến đầu năm 2024 mới có thể khắc phục toàn bộ.
Chi hàng tỷ đồng mua Land Cruiser, khách Việt chỉ nhận được 1 chìa khóa - 2Thiếu phụ tùng thay thế, hàng ngàn xe Land Rover tại Anh Quốc không thể sửa chữa, bắt buộc phải nằm chờ tại xưởng dịch vụ ở cuối năm 2023 (Ảnh: CarExpert).

Thực tế, thị trường ô tô Việt ở năm 2022 từng gặp hiện tượng thiếu chip và linh kiện lắp ráp. Hai mẫu xe Hyundai Tucson và Santa Fe từng bị bán “bia kèm lạc” tại đại lý do khuyết thiếu nguồn cung.

Mẫu sedan hạng B hút khách như Accent cũng có thời điểm giao khách thiếu màn hình giải trí, hẹn người dùng lắp đặt sau.
Chi hàng tỷ đồng mua Land Cruiser, khách Việt chỉ nhận được 1 chìa khóa - 3Ở thời điểm thiếu linh, phụ kiện sản xuất, Hyundai Santa Fe từng “kèm lạc” tới 150 triệu đồng tại đại lý (Ảnh: TC Motor).

Cuối năm 2021, VinFast từng cho biết hãng sẽ bàn giao hàng ngàn xe VF e34 trong tháng 1/2022, nhưng thực tế chỉ có 93 chiếc tới tay khách Việt trong 2 tháng đầu năm đó. Hãng xe Việt lý giải, tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của mẫu xe điện cỡ C này.

Giữa tháng 10/2022, Ford Việt Nam gửi thông báo tới các đại lý trên toàn quốc, về sự thay đổi trang bị của mẫu SUV cỡ lớn Explorer. Theo đó, xe bị cắt bỏ 3 tính năng: mở cốp rảnh tay, lốp tự vá và cụm chỉnh điều hòa hàng ghế sau nhưng giá bán lẻ đề xuất vẫn giữ nguyên, ở mức 2,399 tỷ đồng.

Theo lý giải của Ford Việt Nam, việc Explorer bị điều chỉnh trang bị là để phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân chủ yếu nhiều khả năng là do tình trạng thiếu hụt linh, phụ kiện, ảnh hưởng tới nhà máy lắp ráp tại Mỹ.