Sau khi nhặt được cục vàng 2,1kg, anh Lô Văn Ối, ở bản Hào, xã Yên Hòa (Tương Dương), Nghệ An trở thành đại gia nhưng cũng nhanh chóng phá sản, phải sang Trung Quốc lao động chui.
Trở thành đại gia chỉ sau một đêm như Lô Văn Ối, ở bản Hào, xã Yên Hòa (Tương Dương) thì khắp miền Tây xứ Nghệ chắc không được mấy người. Thế nhưng khi trở về tìm lại “đại gia” giữa vùng vàng “4 Yên” vang bóng một thời khiến không ít người phải ngẫm nghĩ về một vùng đất sau cơn khát vàng.
Cục vàng 2,1kg mà anh Ối nhặt được năm 2009 đã giúp anh đổi đời.
Chúng tôi vượt hàng trăm cây số đường núi đến bản Hào vào một buổi sáng hanh nắng đầu Xuân. Người trong bản phần lớn chỉ có phụ nữ, người già và trẻ nhỏ, thanh niên trẻ tráng đều vắng bóng.
Ngôi nhà của Lô Văn Ối là thứ còn giữ được sau hơn 5 năm anh này nhặt được khối vàng ròng nặng 2,1 kg vàng.
Dáng vẻ mệt mỏi, bà lão tuổi lục tuần kể lại câu chuyện bắt được vàng và quãng đời vương giả thoáng qua như một giấc mơ của cậu con trai thứ Lô Văn Ối. Bà Xuân và chồng là ông Lô Văn Việt sinh được 3 trai, 1 gái và Ối là con thứ 2 trong nhà. Đang học lớp 6 thấy anh trai bỏ học cũng đòi nghỉ theo. Từ đó câu bé theo cha mẹ đãi vàng trên suối, vốn là cái nghề kiếm cơm của nhiều thế hệ trong gia đình.
Vào năm 2009, Ối cùng với một nhóm gồm 9 người gom góp mua máy móc vào suối Khe Pu khai thác vàng. Ngày ấy con suối nhỏ chảy từ xã Yên Tĩnh ra Yên Hòa có hàng trăm người đến đào xới. Nhóm của Ối liên tục thua lỗ.
Bà Lô Thị Xuân (mẹ anh Lô Văn Ối) kể chuyện con trai bắt được vàng.
Đã mấy lần bỏ nghề, Ối tính bán máy trả nợ từ bỏ giấc mộng vàng thì cơ may đến. Trong khi đang đãi vàng dưới suối, anh chàng vớ được cục đá nặng khác thường. Toan vứt bỏ nhưng linh tính mách bảo anh cầm lên 1 lần nữa. Tẩy bỏ lớp đất đá phía ngoài, Ối cả mừng nhận ra đó là khối vàng khổng lồ, 2,1 kg Ông trời đã cứu người nghèo khó rồi.
Sau đó một lái buôn mua lại khối vàng với giá hơn 1 tỷ đồng. Sau khi chia chác trong tổ đào vàng anh còn dư hơn 300 triệu đồng. Đó cũng là khối vàng lớn nhất từng được biết đến ở vùng “4 Yên”. Sau 6 năm “đại gia” Ối ngày nào đang phải sống cảnh tha phương cầu thực.
“Có vàng rồi nó cũng làm được cái nhà, mua một đàn trâu, khai hoang ruộng nước… và cũng có giữ được khá nhiều tiền” – bà Lô Thị Xuân kể. Nhưng có vẻ như những đại gia trở nên giàu có sau một đêm như Lô Văn Ối ở vùng vàng 4 Yên thường không được yên.
Một người bà con họ xa khi biết anh Ối có nhiều tiền tìm đến hứa sẽ bán một khối lượng gỗ cho anh ta làm nhà sàn. Ban đầu anh ta nhận lời và đưa cho người này 100 triệu đồng nhưng rồi anh ta lại bỏ ý định làm nhà. Người bà con đó chỉ hoàn tiền nhỏ giọt, khi dăm bảy triệu, khi thì khoảng chục triệu đồng. Mãi đến năm 2015 anh Ối mới nhận được đủ số tiền 100 triệu. Đó cũng là thời điểm “đại gia vùng vàng” lâm vào tình trạng khánh kiệt. Hết tiền anh chàng bỏ đi làm thuê kiếm tiền.
Trong căn nhà gỗ đẹp long lanh cất được từ tiền bán vàng vẫn còn 2 chiếc két sắt đựng tiền, một chiếc đã gỉ sét. Theo bà Xuân cũng chẳng còn đồng nào. Cạnh nhà là chiếc máy xát lúa gia chủ mua về với ý định làm dịch vụ trong bản cũng từ lâu không còn được dùng đến. Chiếc cân nằm chỏng chơ bên bức vách.
Bà Xuân than thở giá như vợ chồng chịu khó cùng tu chí làm ăm thì hơn 5 sào ruộng ( Trên 5000 m2, theo cách tính của người miền núi) thì chẳng phải lo nghĩ gì chuyện gạo ăn. Vợ chồng anh Ối bỏ đi, 3 con trâu còn lại cũng phải gửi cho một người bà con bên họ vợ trông giúp.
1 trong 2 chiếc két sắt mà anh Lô Văn Ối mua hồi mới bắt được vàng, nay vứt trong xó nhà không sử dụng vì theo bà Xuân “đã chẳng còn đồng nào”
Những dụng cụ như: máy tuốt lúa, máy xay xát, bơm… được anh Lô Văn Ối mua sắm với mục đích làm dịch vụ nay cũng xếp xó.
Các xã Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh (Tương Dương – Nghệ An) vẫn được gọi là vùng “Bốn Yên”, là rốn vàng của xứ Nghệ. Trên vùng đất này người ta từng truyền tai câu hát dân gian: “nơi dễ tìm vàng như nhặt tằm trong rổ”.
Điều này cũng dễ hiểu bởi đất này vốn là vùng “rốn vàng” xứ Nghệ được khai thác từ đời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc. Từ cuối những năm 80 thế kỷ trước đến những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ này, vùng “4 Yên” bị xáo trộn bởi những đại công trường khai thác vàng. Người trong tỉnh, ngoài bắc đổ xô về tìm cơ đổi đời.
Trong vùng cũng có những người tậu được nhà lầu xe hơi, xây nhà nghỉ khách sạn nhờ vàng và cũng có nhiều câu chuyện đại gia phá sản vì được vàng.
“Ngày trước người ta kiếm tiền dễ dàng quá. Bây giờ hết vàng, chẳng ai còn muốn động đến mảnh nương, đám ruộng nữa”, bà Xuân lại ngao ngán thở dài.
Ông Vi Văn Phong, bí thư chi bộ bản Hào cho biết: Hiện nay, trong bản cơn sốt vàng đã lắng hẳn. Không còn cảnh máy móc đào xới lộng con khe, ngọn suối. Nhiều thanh niên trai tráng ra tết là lũ lượt bỏ làng bản ra đi. “Họ chỉ nói là đi làm ăn xa. Thôn bản cũng không biết được là họ đi những đâu.”