Đó là tiệm bánh mì của gia đình bà Võ Thị Lành (79 tuổi), còn được khách gọi với cái tên thân thương là bánh mì dì Hai Lành nằm trên đường Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân).
Bà Hai Lành nuôi 8 người em
Buổi chiều, tôi ghé tiệm bánh mì của bà Hai Lành nhưng không có bà chủ ở quán. Thấy tôi, bà Võ Thị Là (63 tuổi), là em thứ 10 của bà Lành (theo cách gọi Nam bộ) niềm nở đón tiếp. Bà Là cho biết chị mình đang ở nhà của người em thứ 4 nằm trên đường Tân Hòa Đông (Q.6), cách tiệm không quá xa.
Bà Là kế thừa quán của chị, bà Hai Lành.
Để con trai đầu làm bánh mì cho khách, bà Là kể cho tôi nghe câu chuyện về gia đình mình. Theo đó, gia đình bà có tổng cộng 10 anh chị em (8 nữ, 1 nam), bà Hai Lành là chị lớn nhất trong nhà. Cha mất sớm, từ hồi bà Là mới 3 tuổi, nên bà Hai Lành cùng mẹ là bà Tăng Thị Liền (mất năm 2018, thọ 92 tuổi) làm đủ thứ nghề buôn bán để nuôi 8 chị em của bà.
Trước 1975, bà Hai Lành cùng mẹ bán đủ món, từ trái cây, bánh ướt, bún riêu, bánh mì… để có đồng ra đồng vào nuôi cả gia đình. Thời điểm đó, hàng ăn của bà chủ chỉ là gánh nhỏ, sau đó lên thành cái bàn, rồi phát triển thành xe.
“Mãi đến năm 1988, chị tôi mới tích cóp đủ tiền mua căn nhà, mở tiệm khang trang để bán. Đó cũng là cửa tiệm hiện tại mà tôi và các con đang bán đây. Lúc đó, ở đây còn hoang vu, giá đất cũng rẻ thôi chứ không có cao như bây giờ”, người em thứ 10 của bà Hai Lành cười hiền.
Sau này, thấy khách chuộng món bánh mì, gia đình bà Hai Lành quyết định chuyển sang bán món ăn này là chính. May mắn, thời điểm đó được khách ủng hộ đông đảo. Bà Là nói năm 14 tuổi bà đã ra phụ chị và mẹ bán, các anh em của bà cùng hợp sức để bán bánh mì chứ không làm nghề nào khác.
Chị tôi hồi trẻ giỏi và chăm chỉ, nên nhiều người theo đuổi lắm. Nhưng chị nhất quyết không chịu một ai, cứ ở vậy mà nuôi các em tôi khôn lớn. Chị nói nếu mà chị lấy chồng, tình thương của chị sẽ phải san sẻ với gia đình chồng, không thể thương hết các em. Cứ vậy mà chị ở vậy cho tới bây giờ, 79 tuổi vẫn độc thân, vui tính…
Với bà Là, bà Hai Lành chính là “người chị, người cha vĩ đại”, bởi nếu không có chị, bà chắc chắn không thể có cuộc sống trọn vẹn như hôm nay. Những ơn nghĩa của chị, bà Là nói mình không bao giờ quên.
Bà chủ nói gì về lời đồn mua 9 căn nhà Sài Gòn?
Tôi tìm tới gặp bà Hai Lành trong căn nhà trên đường Tân Hòa Đông. Lúc này, bà chủ đang trò chuyện cùng người em thứ 4. Khi nghe tôi hỏi về lời đồn bà mua nhà Sài Gòn cho các em, bà chủ từ tốn, xác nhận:
Tôi hà tiện lắm, làm được bao nhiêu cũng cắc củm từng đồng từng cắt để cho các em có cuộc sống tốt hơn. Các em bán bánh mì cùng tôi, không có lương, tôi lo cho cơm ăn hằng ngày. Khi các em lập gia đình hay ra riêng, tôi mua nhà để các em có chỗ ở ổn định. Tôi có 4 người em gái không lập gia đình, tôi cũng mua nhà để các em có chốn ở. Có đứa em mình mua cho luôn, có đứa thì 2 chị em hùn hạp, mình hỗ trợ phần nào cho em nó mua. Mua lâu lắm rồi, lúc đó giá nhà cũng không cao lắm đâu!
Bà Nguyễn Thị Lành, bà chủ quán bánh mì
Bà Hai Lành nói rằng từ lúc bán bánh mì tới nay, nhờ cắc củm, dành dụm không dám ăn, không dám mặc, bà mua 9 căn nhà ở các Q.Bình Tân, Q.6, Q.Bình Thạnh… Trong số đó, có nhà là để các em, con cháu trong gia đình ở, có nhà bà để dành cho thuê.
“Hiện tôi đang sống với người em thứ 10 trong căn nhà mua ở đường Tên Lửa (Q.Bình Tân). Hằng ngày tôi vẫn ra tiệm bánh mì của mình để trông coi, phụ được gì thì phụ chứ không phải truyền lại cho em, cho các cháu rồi mình nghỉ luôn”, bà chủ nói thêm.
Chỉ vào lò bánh mì phía đối diện, cũng tên là lò bánh mì Hai Lành, bà Là cho biết đó là căn nhà chị 2 mua cho người em út, bà Võ Thị Liên (60 tuổi). Bà Liên cho biết chị Hai Lành đã dành cả cuộc đời, cả thanh xuân cho 8 người em. Bà sắp xếp cho cuộc sống các em ổn định, viên mãn rồi mới an tâm an dưỡng tuổi già nên trong bà chỉ có sự biết ơn và yêu thương dành cho chị.
Không còn sức hút xưa
Bà Là, là người kế thừa lại tiệm bánh mì của chị cho biết hiện tại, tiệm không còn giữ sức hút so với thập niên trước khi xung quanh đây, nhiều hàng quán bán bánh mì khác mọc lên như nấm. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình vẫn hạnh phúc khi mỗi ngày được đón khách ra, vào.
“Tôi nghĩ quán ăn nào cũng có cái thời của nó, quán tôi cũng vậy. Giờ khách đều đều, nhiều khách quen mấy chục năm tới ủng hộ là mình vui rồi. Tôi sẽ cố gắng để phát triển tiệm bánh này, không phụ công sức mẹ và chị gây dựng”, bà chủ nói.
Ổ bánh mì bình dân, giá hợp với người lao động.
Ở đây, mỗi ổ bánh mì có giá dao động 10.000 – 15.000 đồng/ổ, tùy loại. Bà chủ cho biết thấy người khó khăn, họ sẵn sàng bán 3.000 đồng, thậm chí bán thiếu để họ được no bụng. Chính cái tâm khi nấu món, giá cả bình dân là điều làm nên sức hút của bánh mì ở đây, theo lời bà Là.
Ở tuổi U.80 tóc đã bạc mái đầu, bà Hai Lành hạnh phúc khi các em, các con cháu của mình đều có một cuộc sống ổn định. Bà không còn mong gì hơn, ngoài việc mỗi ngày được ra tiệm, được sang nhà này, nhà kia tâm sự, trò chuyện với các em của mình…