Nằm ở ngoại ô Hà Nội, làng Đông Ngạc còn có tên gọi dân dã là “làng tiến sĩ”, bởi truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt, làm quan.

Đông Ngạc (hay còn gọi là làng Vẽ) là một ngôi làng nhỏ nằm gọn bên bờ đê sông Hồng, nay thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm. Theo đơn vị hành chính, Đông Ngạc không còn gọi là làng, thế nhưng những nét xưa, hồn cũ vẫn còn nguyên vẹn. Tại đây còn rất nhiều di tích đình, đền, chùa, nhà cổ lưu giữ lại nét đẹp cổ kính, rêu phong.


làng 1

Trong khi Hà Nội mở rộng và hiện đại hóa nhanh chóng hơn, nhiều ngôi làng lâu đời đã mất đi nét truyền thống. Nhưng điều đó không xảy ra với Đông Ngạc. Nơi đây còn nguyên cổng đá, những căn nhà nhuốm màu thời gian trong ngõ hẹp, trẻ nhỏ chơi đùa bên ngoài chùa.

“Nằm ở ngoại ô của Hà Nội, thường không có tên trong danh sách các điểm đến của khách du lịch, ngôi làng khoa bảng với tuổi đời hàng nghìn năm, hầu như không thay đổi qua nhiều thế kỷ”, cây bút Ronan O’Connell của CNN (Mỹ) đã mở đầu như vậy trong bài viết của mình.
làng 2


Ngôi làng với truyền thống hiếu học

Đình làng Đông Ngạc là nơi thờ cúng và hội họp của dân làng, lưu giữ nhiều hiện vật quý như bia đá và tranh sơn mài từ thời Lê. Được xây dựng vào nửa đầu của những năm 1600, ngôi đình từ trên cao như đầu của một con rồng. Gian chính dựng bằng gỗ lim tượng trưng cho sọ rồng, cổng chính là mũi và hai giếng nước như đôi mắt rồng. Người làng Đông Ngạc hàng ngày tới đình không chỉ lễ Phật, mà còn tưởng nhớ công ơn những học giả làm nên danh tiếng cho vùng đất khoa bảng này.


Trường Tiểu học Đông Ngạc B

Trường Tiểu học Đông Ngạc B

Từ đời Trần đến đời Nguyễn, trong khoảng 500 năm, làng Đông Ngạc đã sản sinh ra 22 tiến sĩ, bảng nhãn, phó bảng và trên 400 cử nhân, tú tài. Mà theo quy đình của triều đình phong kiến, làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng.

Điều đặc biệt, các dòng họ trong làng Đông Ngạc ví như dòng họ Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Lê… đều có người đỗ đại khoa, ít là một người, nhiều nhất là 9 người. Theo ghi chép: “Người đỗ Tiến sĩ khai khoa cho làng là cụ Phan Phu Tiên – Lưỡng triều Tiến sĩ (tức là Tiến sĩ của hai Triều: Triều Trần và triều hậu Lê). Nổi bật nhất trong làng là dòng họ Phạm có tới 9 Tiến sĩ, tiếp đến là họ Nguyễn có 6, họ Phan có 5, họ Hoàng có 4, họ Đỗ và họ Lê có 1 Tiến sĩ”.

Chính vì vậy, làng Vẽ đứng thứ 3 trong cả nước thời phong kiến về đỗ Tiến sĩ sau làng Mộ Trạch ở Hải Dương (36 Tiến sĩ) và làng Kim Đôi ở Bắc Ninh (25 Tiến sĩ). Cũng chính từ đó, trong làng có không ít các giai thoại liên quan đến sự học, ví như có giai thoại kể về những chiếc cổng làng còn có tên Đống Ếch vì học trò chăm học đến nỗi tiếng đọc sách trong làng râm ran như tiếng ếch kêu.

Một giai thoại khác mà dân làng vẫn thường hay kể về tấm gương điển hình chăm học là cụ Phạm Quang Trạch. Ngày ngày cụ ra vườn, vịn tay đi vòng quanh các cây cau đọc sách khiến tất cả các thân cây cau nhẵn bóng đều mòn hết cả.

“Dù có số lượng nhân khẩu chưa tới 1.000 dân, nhưng Đông Ngạc có số lượng lớn học giả thành đạt, bao gồm nhiều tiến sĩ. Cựu Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và nhà yêu nước Hoàng Tăng Bí từ đầu thế kỷ 20, cũng là những người con của làng”, CNN ca ngợi về truyền thống hiếu học của ngôi làng cổ.

Từ thời nhà Lê (1428-1788), làng được vinh danh là nơi xuất thân của nhiều tiến sĩ. Truyền thống hiếu học còn được đánh dấu qua lối kiến trúc. Biểu tượng những cuốn sách được chạm khắc trên cánh cổng làng nằm ở cuối 4 thôn. Ngày nay, nhiều hộ gia đình ở Đông Ngạc vẫn có sự “cạnh tranh” quyết liệt xem nhà nào có con học hành giỏi giang nhất.
Một bức tranh tường ghi lại cảnh vinh quy bái tổ, khắc họa truyền thống khoa bảng tại đường làng.

Một bức tranh tường ghi lại cảnh vinh quy bái tổ, khắc họa truyền thống khoa bảng tại đường làng.

Điểm đến mới của giới trẻ

Làng Đông Ngạc với vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ được chạm trổ công phu từ chất liệu gỗ, đá, hấp dẫn du khách khi dạo bước trên con ngõ hẹp, căn cổ nhất có từ đầu những năm 1600. Cùng với đó là những cái vẫy tay ấm áp thân thiện của người dân và thưởng thức đặc sản trà sen, bánh giò.
làng 7
Màu gỗ lim sẫm với những mái hiên được chạm khắc tinh xảo nằm bên dưới những mái ngói đất nung tạo thành khung cảnh đẹp nao lòng trong mỗi bức ảnh của giới trẻ. Không chỉ là địa điểm check-in mới nổi, làng cổ Đông Ngạc còn nổi tiếng với những món ăn “ngon-bổ-rẻ”, hứa hẹn không khiến du khách đến đây thất vọng.
làng 6
Trong làng, Tư Khánh là ngôi chùa Phật giáo xây dựng theo kiến trúc gồm tam quan, gác chuông, nhà vuông mái chồng diêm, chùa chính và nhà Tổ. Chùa chính có kết cấu hình chữ Đinh với tiền đường 3 gian 2 chái. Một trong những công trình đầu tiên du khách sẽ nhìn thấy là bức tượng rùa đội bia đá, một trong 50 cổ vật trong chùa. Nơi đây còn có quả chuông đúc từ năm 1315, những bia đá thờ Phật và ghi danh những người làng đỗ đạt cao.

Hiện nay số lượng nhà cổ tại Đông Ngạc không còn nhiều, nhà thờ cổ với niên đại hơn trăm năm tuổi còn khoảng 15 nhà. Về vấn đề bảo tồn các di tích của làng cổ Đông Ngạc, chính quyền địa phương cũng đã đề xuất, xây dựng một số đề án; đồng thời, chính quyền vận động người dân đăng ký hồ sơ đề nghị công nhận di tích để có cơ sở bảo tồn, tôn tạo.
làng 5
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của làng cổ Đông Ngạc trong nhịp sống hiện đại sôi động hiện nay, cần sớm đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch, xây dựng các chương trình quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về làng Đông Ngạc; giữ gìn những gì được để lại và kế thừa, phát triển mong muốn của người dân làng cổ.