Trung tá Mai Văn Chư, nguyên phó công an thị trấn Cần Giuộc, bán đất hương hỏa của gia đình, cùng bạn góp tiền mua xe, lập trung tâm cấp cứu từ thiện.
Chiều đầu tháng 5, bữa cơm của nhóm nhân viên Trung tâm cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc bị gián đoạn bởi chuông điện thoại từ đường dây nóng liên tục vang lên. “Vừa có một gia đình khó khăn gọi nhờ chuyển cụ bà đang hấp hối ở bệnh viện Chợ Rẫy về quê nhà ở Trà Ôn, Vĩnh Long”, ông Chư (55 tuổi), người điều hành trung tâm nói sau khi hướng dẫn họ các thủ tục cần thiết.
Ông Mai Văn Chư nhận cuộc gọi từ gia đình bệnh nhân chiều 10/5. Ảnh: Hoàng Nam
Bỏ ngang chén cơm, tài xế cùng hai nhân viên cấp cứu tức tốc chuẩn bị bình oxy, xe cấp cứu 9 chỗ nổ máy ngay sau đó, bật còi hú vang lên đường tới điểm cần hỗ trợ cách đó gần 100 km. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về vào trung tâm vào giữa khuya. Lúc này nơi đây vẫn sáng đèn, một ê kíp trực khác trong tư thế sẵn sàng. Từ đó đến rạng sáng hôm sau, các nhân viên tình nguyện còn nhận chở cấp cứu 4 trường hợp khác.
Sau 4 năm hoạt động, ông Chư bảo đó là một trong những ngày làm việc “nhẹ nhàng nhất” của 22 tài xế, nhân viên cấp cứu. Bởi cao điểm lễ, Tết có khi trung tâm nhận đến 25 ca một ngày đêm. Có 4 xe cấp cứu, nhưng lịch chạy dày đến mức xe về bãi chưa kịp nguội máy đã phải tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.
Là trinh sát hình sự nhiều năm, ông Chư kể những buổi tuần tra đêm thấy nhiều người bị nạn nguy kịch, số lượng xe cấp cứu từ các bệnh viện có hạn làm giảm cơ hội sống của họ mà rất xót xa. Ý định về một trung tâm cấp cứu từ thiện được ông nhen nhóm. Thời điểm năm 2019, còn một năm nữa về hưu, ông Chư bàn với vợ hạ quyết tâm hiện thực ý tưởng.
Để có chi phí, họ bán miếng đất hương hỏa 5.000 m2 của cha mẹ để lại. Thời điểm này, ông Chư tình cờ gặp ông Bùi Thanh Tùng (54 tuổi, chủ cơ sở kinh doanh bánh tại TP HCM), đang là lái xe cứu thương từ thiện. Hai anh em cùng chung lý tưởng sau đó góp tiền mua hai ôtô, cải tạo căn nhà cũ thành trung tâm cấp cứu, tổng chi phí hơn 4 tỷ đồng.
Ban đầu, trung tâm chỉ có vài nhân viên, về sau thấy nhóm hoạt động hiệu quả, số người tình nguyện đến tham gia ngày càng đông, từ cảnh sát, đoàn viên đến tiểu thương, tài xế, thợ tỉa cây cảnh, tài xế ôtô lẫn bảo vệ, xe ôm. Các nhân viên trung tâm được tập huấn cấp cứu sơ bộ cùng các kỹ năng chăm sóc người bệnh căn bản. Ngoài đưa người bệnh tại Long An, TP HCM, trung tâm còn chuyển bệnh nhân nặng hoặc thi thể từ các bệnh viện về quê nhà.
“Thậm chí có trường hợp bệnh nhân thuê trọ tại TP HCM tử vong nhưng hoàn cảnh khó khăn, nhóm cũng nhận chở thi thể về hỏa táng sau đó giao tro cốt lại cho gia đình”, ông Tùng nói.
Nhân viên trung tâm vận chuyển oxy trước chuyến cận chuyển người bệnh. Ảnh: Hoàng Nam
Cùng với hệ thống máy thở, các bình oxy ở trung tâm được một đơn vị hỗ trợ miễn phí. Những năm qua để có kinh phí hoạt động, trung tâm nhận đóng góp từ những người có lòng hảo tâm xa gần. Để đảm bảo tính minh bạch, nơi đây quy định không nhận bất cứ chi phí nào từ gia đình nạn nhân, nhân viên không được phép nhận tiền bồi dưỡng.
“Ngoài được hỗ trợ cơm nấu ăn tại chỗ, anh em vẫn nói vui là ở đây chỉ nhận tấm lòng. Nhiều trường hợp thấy gia đình bệnh nhân khổ quá, tài xế không dư giả gì vẫn móc tiền túi cho thêm”, ông Chư thổ lộ.
Lượng người đăng ký ngày càng đông, từ hai ôtô cấp cứu 9 chỗ, trung tâm trang bị thêm ôtô 16 chỗ. Cảm kích tấm lòng của họ, một mạnh thường quân tặng một ôtô 16 chỗ nữa. Nguyên phó công an thị trấn cho hay bình quân mỗi tháng nhóm hỗ trợ gần 300 ca bệnh. Ở trung tâm luôn túc trực khoảng 4 tài xế cùng nhân viên nghe đường dây nóng bất kể ngày đêm. Mỗi xe cứu thương đều có số nhật ký, ghi rõ từng ca cấp cứu, chuyển bệnh để tiện quản lý, theo dõi.
Từ Bến Tre lên TP HCM bán dừa ở chợ hai năm nay không dư giả gì, vậy mà ba tháng nay, chiều nào Phan Nguyễn Minh Luân ( 19 tuổi) cũng chạy xe máy 50 km đi về để giúp việc cho đội xe. Luân bán cùng ở chợ với một thành viên của trung tâm cấp cứu từ thiện, nhiều lần nghe anh này kể chuyện công việc, thấy ngưỡng mộ nên xin theo giúp.
Trong số các thành viên tình nguyện, đặc biệt nhất là hai anh em ruột Phạm Hoài Vũ (37 tuổi), Phạm Hoài Bảo (36 tuổi). Hai anh em trước đây là người nghiện ma túy, được ông Chư cảm hóa, giáo dục sau đó đã cai nghiện, hoàn lương. Hai năm nay, ngoài công việc lái xe dịch vụ và bán cá ở chợ, lúc rảnh họ đều đến trung tâm làm việc thiện nguyện như một cách trả ơn.
Xe từ thiện lên đường vận chuyển người bệnh. Ảnh: Hoàng Nam
Từ ngày lập đội xe, ông Chư ở hẳn lại trung tâm, lâu lâu mới về nhà thăm vợ con. Còn ông Tùng cũng giao việc quản lý cơ sở cho vợ, dắt theo con trai đến trung tâm hỗ trợ anh em. Đợt cao điểm Covid-19, trung tâm chỉ có 5 người trực, mỗi ngày phải hoạt động hết công suất, tiếp xúc nhiều bệnh nhân nhưng may mắn ai cũng bình yên vô sự.
Khi được hỏi về dự định sắp tới, cựu cảnh sát nói anh em ở trung tâm không ngại khó khăn vất vả, nguyện tiếp tục cống hiến đến khi nào còn có thể. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, hiện nguồn kinh phí của trung tâm rất hạn chế. Bình quân mỗi tháng trung tâm chi phí dầu cho ôtô khoảng 65 triệu đồng, chưa tính sự cố hư hao nên cần thêm sự chung tay của cộng đồng.
Ông Nguyễn Trọng Tài, Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Cần Giuộc, cho biết trong 4 năm trung tâm đã cấp cứu, chuyển từ thiện hơn 8.000 ca bệnh. “Nhờ tấm lòng của các anh em ở trung tâm mà một số bệnh nhân nguy kịch được cứu sống, nhiều cảnh đời khó khăn cũng được giúp đỡ”, ông Tài nói.