Ở một số câu hỏi quyết định, Xuân Mạnh, trường THPT Hàm Rồng, trả lời đúng nhờ nhiều lần đọc “lỏm” sách giáo khoa của anh trai.
Lê Xuân Mạnh, lớp 11 trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, giành chiến thắng kịch tính trong cuộc thi quý III, chương trình Đường lên đỉnh Olympia, phát sóng hôm 2/7. Sau 12 năm, Thanh Hóa mới có học sinh góp mặt trong trận chung kết Olympia, còn đây là lần đầu trường THPT Hàm Rồng có học sinh tham dự sân chơi này.
“Lúc gửi bản đăng ký, em chỉ mong qua vòng tuần, thậm chí nghĩ có thua thì đừng thua quá đậm. Chơi chung kết là kết quả ngoài mong đợi của em”, Mạnh nói.
Lê Xuân Mạnh, học sinh trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa, trong ảnh chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cậu học trò xứ Thanh định hướng thi Olympia khá muộn. Trong khi nhiều thí sinh đặt mục tiêu từ THCS, cuối năm lớp 10, Mạnh mới nghĩ về điều này. Thời điểm đó, em mới tham dự cuộc thi kiến thức “Âm vang xứ Thanh”, đạt kết quả tốt và tự hỏi “Sao không thử sức ở sân chơi lớn hơn?”.
Tương ứng với bốn quý, ban tổ chức Đường lên đỉnh Olympia sẽ gọi thí sinh theo bốn đợt. Đợt đầu tiên, Mạnh gửi bản đăng ký sai địa chỉ. Lần thứ hai gửi đơn, em cũng không nhận được hồi âm. Ngày ban tổ chức bắt đầu gửi giấy mời ghi hình đợt ba, thấy nhiều bạn trong cộng đồng đăng ký thi Olympia đều được phản hồi, Mạnh đã nghĩ mình tiếp tục phải đợi đợt sau, hoặc không có cơ hội dự thi.
“Đến giữa buổi trưa, em mới được ban tổ chức gọi thi đợt ba. Lúc đó thực sự vỡ òa”, Mạnh nhớ lại.
Trong trận thi tuần và tháng, chỉ với một gợi ý, nam sinh trường Hàm Rồng đều trả lời chính xác từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật, tạo khoảng cách điểm số với các bạn chơi. Song, Mạnh cho rằng đây không phải phần thi sở trường. Em gặp may vì đáp án xuất hiện từ những suy nghĩ bất chợt, em cũng không có nhiều thời gian suy xét.
Với Mạnh, phần thi tự tin nhất là Về đích. Em từng giành tới 110 điểm ở phần này trong trận thi tuần. Nam sinh cho rằng cái hay của phần chơi này là ngoài việc suy nghĩ về đáp án, thí sinh cần phải lưu tâm đến việc nếu trả lời sai sẽ bị trừ điểm, kết quả của mình so với các đối thủ sẽ như nào. Suy nghĩ này giúp Mạnh tính toán việc bấm chuông hay không, mỗi lựa chọn đều cần chắc chắn.
Sau khi tính toán nhanh các trường hợp có thể xảy ra trong vài giây, Mạnh hiểu nhiệm vụ duy nhất của mình trong khoảnh khắc Minh Triết không đưa ra được đáp án, là giành quyền trả lời.
“Em chơi với tâm thế không còn gì để mất, nên khi nghe chuông của mình kêu, rồi được thông báo là người vào chung kết, em bùng nổ”, Mạnh nhớ lại khoảnh khắc mình ngồi thụp xuống, không kìm được nước mắt.
Mạnh tại cuộc thi Âm vang xứ Thanh, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại Olympia, Xuân Mạnh thường giành điểm tại các câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học, Lịch sử, kiến thức chung nhờ khả năng ghi nhớ tốt. Ở cuộc thi tháng, trước khi đưa ra đáp án “lá diêu bông” để giành điểm từ câu hỏi Về đích của bạn chơi, nam sinh trường Hàm Rồng đã hát một câu trong bài hát nổi tiếng này. Mạnh nói nhờ bố hay nghe các sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến, em biết và thuộc bài hát Lá diêu bông.
Tương tự với câu hỏi về “bộ ba Quảng Nam” trong trận thi tuần, Mạnh trả lời đúng nhờ một lần đọc “lỏm” sách của anh trai, hơn em bốn tuổi. Cậu học trò xứ Thanh kể, từ năm lớp 4, em bắt đầu có thói quen lấy sách giáo khoa của anh, đọc nhiều lần nên có phần “thuộc lúc nào không hay”. Nhờ vậy, trước nhiều câu hỏi kiến thức xã hội, Mạnh có thể trả lời đúng.
Thầy Dương Văn Hạnh, giáo viên dạy Toán và là chủ nhiệm của Xuân Mạnh, đánh giá lợi thế của học trò là ý thức ham học hỏi. Mạnh đang học đội tuyển Toán nhưng thầy giáo “luôn có cảm giác Mạnh học chuyên nào cũng được” vì học đều, khả năng ghi nhớ và nền tảng kiến thức tốt, thái độ học nghiêm túc.
Mạnh cũng năng nổ trong các hoạt động của đoàn trường, nhiệt tình với bạn bè. Em cân bằng tốt giữa việc học và giải trí, vui chơi, nên không thuộc tuýp “mọt sách”.
Xuân Mạnh đội vòng nguyệt quế, giơ cao cúp chiến thắng. Ảnh chụp màn hình
Sau ba trận đấu tại Olympia, không chỉ bạn bè cùng trường mà còn nhiều cô bác ở chợ, nơi em thường đến mua đồ giúp mẹ, nhận ra Mạnh. Được khen, Mạnh nói “rất vui, nhưng cũng ngại”, vì thấy mình chưa làm được gì đáng kể.
Kỳ nghỉ hè bắt đầu từ tháng 6, Mạnh cho phép mình nghỉ ngơi thoải mái một chút bằng việc chơi game, đá bóng và cầu lông. Từ tháng này, nam sinh sẽ tập trung học vừa để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới, đồng thời tích lũy kiến thức cho trận chung kết Olympia diễn ra vào tháng 10. Nam sinh nói sẽ đọc báo, xem thời sự nhiều hơn để bổ sung hiểu biết xã hội.
Tự đánh giá tâm lý chưa vững vàng, tiếng Anh và các câu hỏi thực hành Vật lý, Hóa học là điểm yếu của mình, nam sinh xứ Thanh cũng đấu tập nhiều hơn để cải thiện bản lĩnh thi đấu, luyện nghe ngoại ngữ, xem lại hướng dẫn thực hành trong sách giáo khoa, trên Youtube.
Đối thủ của Xuân Mạnh trong trận chung kết là Nguyễn Việt Thành, trường THCS Sóc Sơn (Hà Nội) và Nguyễn Minh Triết, chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế). Mạnh đánh giá cả hai bạn chơi đều có tâm lý ổn định khi thi đấu. Em cũng học hỏi phong cách chơi của Đặng Lê Nguyên Vũ, quán quân Olympia năm ngoái, và ngưỡng mộ lối chơi Về đích của Vũ Bùi Đình Tùng, thí sinh giành kỷ lục 180 điểm trong phần thi này.
Mạnh nhìn nhận quá trình chuẩn bị và tham gia sân chơi Olympia giúp em giao tiếp tốt, biết cách ứng xử hơn. Mạnh mong chơi trận chung kết hay và đẹp nhất, để lại dấu ấn cá nhân.
“Đây là trận đấu cuối cùng, nên em nghĩ tất cả sẽ làm hết mình, có thể truyền cảm hứng cho các khóa sau”, Mạnh nói.