Xe sang cũ thường mất giá nhiều nên giá bán lại hấp dẫn hơn các dòng xe phổ thông cùng đời. Tuy nhiên, nếu mua những dòng xe này, bạn phải sẵn sàng một khoản chi phí lớn để sửa chữa, bảo dưỡng.
Có hàng chục năm kinh nghiệm kinh doanh ô tô đã qua sử dụng, đặc biệt là các dòng xe sang, Nguyễn Đăng Nguyên gần như hiểu về các vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng của nhiều dòng xe. Theo chia sẻ mới đây của anh Nguyên, có những dòng xe Đức cũ thường gặp lỗi sau một thời gian sử dụng mà chi phí sửa chữa rất tốn kém, với những ai không dám chịu chi tiền để sửa và thay thế phụ tùng thì nên bỏ qua. Dưới đây là danh sách và thông tin cụ thể về lỗi thường gặp phải của một số dòng xe tiêu biểu như vậy được anh Nguyên đưa ra.
Audi A4 2008 – 2011
Theo anh Nguyên, dòng xe Audi A4 đời này dùng động cơ mã EA888 thế hệ thứ 2, có lỗi về thiết kế piston và xéc-măng piston, dẫn tới sau một thời gian sử dụng bắt đầu bị hao nhớt động cơ nặng. Để sửa lỗi này phải hạ máy và thay cụm piston, cũng như nâng cấp một loạt chi tiết khác nữa khá đắt đỏ mà không sửa được triệt để 100%.
Vấn đề thứ 2 liên quan đến dòng A4 này là hộp số CVT nếu không được thay nhớt đều đặn sẽ dễ hỏng, thậm chí có thay nhớt đều cũng khó trụ quá được 200.000 km mà không gặp trục trặc. Việc thay thế tốn rất nhiều tiền.
Một chiếc Audi A4 sản xuất 2008 được rao bán với giá chưa tới 300 triệu đồng vào cuối năm ngoái.
Audi A1 2010 – 2015
Một dòng xe Audi khác được anh Nguyên cho biết thường gặp lỗi là Audi A1. Mẫu xe này được anh đánh giá là chạy khá hay, nhỏ nhắn, xinh xắn, tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, chi phí thay thế và sửa chữa liên quan đến hộp số lại khá tốn kém.
Theo anh Nguyên, dòng xe A1 dùng hộp số ly hợp kép côn khô, không phù hợp với điều kiện vận hành ở Việt Nam. Hộp số này bị bào mòn nhanh hơn, sinh nhiệt nhiều hơn bình thường nên chỉ trong khoảng 100.000 km đổ lại rất dễ gặp vấn đề và phải thay thế những chi tiết gồm: (1) bộ Mechatronic điều khiển thời điểm sang số tích hợp với bộ thuỷ lực đóng van số, (2) bánh đà, (3) bộ côn, còn gọi là ly hợp.
Chi phí cho 3 bộ phận trên lên đến khoảng 70-80 triệu đồng nếu thay hàng mới. Hàng cũ có giá rẻ hơn nhưng tuổi thọ không cao, chỉ một thời gian ngắn lại hỏng.
Ngoài ra, xích cam, bánh răng cam của động cơ 1.4 TFSI cần phải thay định kỳ nếu không muốn một ngày đẹp trời không nổ được máy và hỏng động cơ.
Một chiếc Audi A1 sản xuất 2010 đang được rao bán với giá hơn 300 triệu đồng.
Mercedes-Benz C-Class, E-Class 2010 – 2014
2 dòng Mercedes-Benz C-Class và E-Class đời này được anh Nguyên cho là thường có vấn đề với bánh răng cam biến thiên, dễ bị hư hỏng van dầu và hư hỏng bánh răng cam ở động cơ. Bánh răng cam thường bị hư hỏng khá sớm, trong ngưỡng 80.000-120.000 km.
Chi phí thay thế khoảng 16-18 triệu/quả. Động cơ xe gồm 1 quả hút, 1 quả xả, cùng một số chi tiết và công thợ garage thì tổng chi phí lên tới khoảng 50 triệu đồng.
Một chiếc Mercedes-Benz C 200 đời 2012 được rao bán với giá khoảng hơn 300 triệu đồng vào cuối năm ngoái.
BMW 750Li 2008 – 2012
Muốn sở hữu một chiếc BMW 7-Series sản xuất từ 2008 chỉ tốn khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ xe sẽ cần hiểu về vấn đề này để chuẩn bị tâm lý. Đó là vấn đề liên quan tới động cơ V8 của xe.
Anh Nguyên cho biết động cơ V8 mã N63 của BMW rất mạnh mẽ, vận hành rất sướng, nhưng khi vận hành thường xuyên ở tốc độ thấp với khí hậu Việt Nam thì rất nhanh hỏng các chi tiết turbo, các đường ống hoặc chi tiết nhựa trong khoang máy, trong đó có một số van được thiết kế bằng nhựa. Những chi tiết này rất đắt đỏ.
Nhiệt độ cao cũng làm kim phun xăng hỏng khá sớm, chỉ trong khoảng 70.000-80.000 km là phải thay cả dàn kim phun. Seal phớt cũng nhanh ra đi theo kim phun, dẫn đến động cơ bị lọt dầu vào buồng đốt, ăn dầu qua turbo, mất công suất và khói phun như máy dầu qua đường xả.
Chi phí bảo dưỡng tổng thể động cơ này mỗi 70.000 km là khoảng 150 triệu đồng.
BMW 750Li không có nhiều trên thị trường xe cũ. Một chiếc đời 2010 hiện có giá bán khoảng 600 triệu đồng, tuỳ tình trạng.