Đây là câu chuyện về Lu Hong, người đàn ông ở đông nam Trung Quốc mà tôi từng có dịp đọc trên trang ngoisao.vn. Mặc dù ông không may mắc chứng bại não nhưng lớn lên được ca ngợi là anh hùng sau khi trở thành chủ của một nhà máy. Công ty của ông đạt doanh thu hàng năm khoảng 1,5 triệu USD.

Hiện, mọi người chào hỏi Lu bằng cái tên “Boss Lu”, tuy nhiên hồi còn nhỏ, ông được đối xử rất khác. Ông Lu mắc chứng bại não khi mới 10 tháng tuổi sau một cơn sốt. Điều này sẽ gây nên một nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, giữ thăng bằng và tư thế của người mắc. Khi đi bộ trên phố lúc còn bé, Lu phải thật cố gắng để duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể.

Cha mẹ Lu gửi ông đến một trường dạy nghề sau khi ông học xong cấp 3. Thế nhưng khi ông tốt nghiệp, chẳng công ty nào muốn tuyển dụng ông vì e ngại tình trạng sức khỏe như vậy.

Lu kể lại: “Một giám đốc nhà máy nói với mẹ tôi và tôi: “Con chị có thể làm gì? Thuê cậu ta thì tôi thà…’. Khi đó là mùa hè nhưng tôi cảm thấy mình đang ở trong một căn phòng bằng băng. Mặc dù vậy, đây chính là một trong những điều khiến tôi nỗ lực vươn lên”.

Lần khác Lu đi xin việc, một bảo vệ nhà máy cho anh đồng xu vì nghĩ anh đi xin. Cuối cùng, chàng trai tìm được công việc tại xưởng gói bánh trung thu. Sau vài năm, nền kinh tế tư nhân bùng nổ thôi thúc Lu tự kinh doanh.

Ban đầu, anh mở một quầy hàng sửa chữa xe đạp trên phố, sau đó là bán báo, tạp chí, cho thuê điện thoại cố định, cho thuê đĩa phim, sửa chữa máy tính và tiệm Internet. Khi việc làm ăn của Lu ngày càng khấm khá, nhiều người bắt đầu công nhận tài năng, gọi anh là “tiểu Lu” hoặc “Lu sư phụ”. “Cách gọi đơn giản này khiến tôi có cảm giác được công nhận và khích lệ rất lớn”, Lu chia sẻ.

Sau đó, Lu học chỉnh sửa video rồi mở một studio ảnh. Anh còn kiếm tiền nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử qua việc mở một cửa hàng trực tuyến. Anh thích trò chuyện với khách hàng qua mạng xã hội vì ở đó, không ai biết anh là người khuyết tật. “Có thể họ còn nghĩ rằng đang trò chuyện với một doanh nhân thành đạt”, Lu giải thích.

Công ty văn phòng phẩm Yuanyue được Lu thành lập năm 2017. Từ một xưởng nhỏ với vài nhân công, đến nay đã trở thành nhà máy rộng 1.000 m2 với 42 nhân công, trong đó có 24 người khiếm khuyết. Lu cho biết đối với công ty, nhân viên nào cũng như những “đứa con quý giá”.

Lu nói và nêu ví dụ về Liu Zilong, một công nhân có vấn đề ở cánh tay phải. “Sau những nỗ lực không ngừng, Liu có thể gõ 80 ký tự mỗi phút bằng tay trái và Liu là nhân viên dịch vụ khách hàng được xếp hạng cao nhất của công ty. 

Tôi nghĩ rằng ông trời đã có một sự sắp đặt tuyệt vời cho tôi. Tôi có một cuộc sống tuyệt vời hơn những người khác. Ông trời không chỉ cho tôi kiếm tiền mà còn cho tôi đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ mình là một người có ích“, Lu nói.

Tại Trung Quốc nhiều người gọi Lu là Forrest Gump– nhân vật nổi tiếng trong bộ phim cùng tên, người có chỉ số IQ 75 cùng chứng thiểu năng do diễn viên Tom Hanks thủ vai. Và Lu cũng rất thích danh xưng này. “Forrest Gump hơi ngớ ngẩn. Tôi hơi ngớ ngẩn. Cả hai chúng tôi đều như vậy nhưng dễ thương”, Lu vui vẻ nói.

hình ảnh

Lu Hong được ca ngợi vì trở thành tỷ phú tự thân (Ảnh trái: daydaynews; Ảnh phải minh họa: luatminhkhue)

Có lẽ sống ở đời, không phải ai cũng may mắn có được một cơ thể lành lặn, một gia cảnh tốt đẹp. Có những người dù thiệt thòi về sức khỏe, nói năng chẳng linh hoạt, giao tiếp không mượt mà, trí nhớ không giỏi giang, nhưng chưa bao giờ họ ngừng cố gắng vượt qua hoàn cảnh.

Tỷ phú trên thế gian này nhiều lắm, nhưng mấy ai được như Lu Hong, không chỉ đi lên từ nghèo khó mà còn phải vượt qua được bệnh tật. Vốn ban đầu chẳng ai dám tin một chàng trai như vậy lại có thể làm ông chủ, có thể kinh doanh đến triệu đô. Vậy mà ngày xưa khi đi xin việc, người ta lại chẳng hề đánh giá cao anh.

Bởi mới thấy, một số kẻ làm cao mà tầm nhìn hạn hẹp. Họ không thấy nhiều người dù không khỏe mạnh nhưng lại xuất sắc hơn đời. Và cuộc sống này, đừng nhìn mặt mà bắt hình dong.

Ngẫm lại nhiều bạn trẻ hiện nay, chân tay lành lặn, gia đình khá giả, thậm chí nhan sắc xinh đẹp bội phần, lại lười học tập, lười lao động, bất hiếu với mẹ cha hoặc sa vào con đường tội lỗi, làm xã hội mỗi ngày ung nhọt thêm.

Trong khi những con người tật nguyền, sẵn sàng cãi lại ý trời, sẵn sàng đương đầu với số phận. Đó là một hành trình dài vô tận, xuất phát từ những cái cúi đầu ngậm ngùi khi đi giữa đám đông, cho đến khoảnh khắc ngẩng cao đầu vì thành công gõ cửa.

Suy cho cùng, đừng bao giờ đổ lỗi cho số phận. Một khi gặp khó khăn, nếu bạn không thể bay thì hãy chạy, nếu không thể chạy thì hãy đi bộ, nếu không thể đi thì hãy bò, bất cứ điều gì bạn phải làm là tiếp tục tiến về phía trước. Đừng bao giờ để miệng đời làm cản bước thành công của chính mình, như cách mà Lu Hong đã dạy chúng ta một bài học!