Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ giao Cục Đường bộ Việt Nam điều chỉnh, cập nhật một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết để người học qua phần mềm mô phỏng lái xe dễ tiếp thu, xử lý.

Hơn 80% học viên đạt yêu cầu

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có phản hồi về kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai liên quan đề xuất bãi bỏ tổ chức thi mô phỏng đối với bằng lái xe ô tô. Theo phản ánh, hiện việc thi bằng lái xe phải thi mô phỏng bằng phần mềm do Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra được áp dụng vào chương trình dạy và học lái xe ô tô hạng B1, B2, C, D, E, F… là bất cập, đánh giá không đúng thực tế khi lái xe trên đường, gây hoang mang cho người đi thi và mất nhiều thời gian và kinh phí của người dân.

Theo Bộ GTVT, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông được quy định tại Nghị định số 138/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe, Thông tư số 38/2019 và Thông tư số 01/2021 của Bộ GTVT.

Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất an toàn giao thông thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn. Phần mềm được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phần mềm mô phỏng dùng cho sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia như: Anh, Úc, Nhật, Singapore…

Bộ GTVT cho biết, hiện tỷ lệ học viên đạt yêu cầu nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đạt trên 80%.

Hơn 80% thi phần mềm mô phỏng lái xe đạt yêu cầu, vì sao phải điều chỉnh? ảnh 1

Bộ GTVT sẽ điều chỉnh, cập nhật một số tình huống phù hợp thực tế trên phần mềm mô phỏng.

Tiếp thu ý kiến phản ánh về những bất cập của cử tri, Bộ GTVT cho biết, sẽ giao Cục Đường bộ Việt Nam điều chỉnh, cập nhật một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý.

Có rất nhiều vấn đề cần xử lý

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cho biết, sau khi Bộ GTVT áp dụng phần mềm mô phỏng vào nội dung thi, các thành viên hiệp hội đều không đồng tình do phát sinh hàng loạt vấn đề thiếu thực tiễn.

Theo ông Liên, trên thực tế có rất nhiều vấn đề xảy ra cần xử lý một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình nhưng trên phần mềm các nội dung khá cứng nhắc. Có nhiều người đạt kỹ năng lái xe tốt nhưng đi thi đều bị trượt, và trượt nhiều lần gây tốn kém chi phí cho người dân. Ông Liên cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, Bộ GTVT cần tạm gác vấn đề này và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hơn.

Ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM – cho rằng, mô phỏng lái xe không cần thiết đưa vào bài thi. Thời gian qua, việc áp dụng thi mô phỏng khiến nhiều tài xế, thí sinh gặp khó khăn, dễ bị đánh rớt.

“Rớt vì phần mềm nhiều bất cập, không đúng thực tế thì không khỏi gây bức xúc, tranh luận. Trong chương trình học, người lái được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, chạy thực tế đường trường 800 km… sẽ có những bài học phản xạ thực tế hơn”, ông Quản nói.

Ông Quản chia sẻ thêm, hiện nay có không ít tài xế xe tải, xe du lịch kinh nghiệm hàng chục năm (trường hợp thi bằng lái quá hạn) nhưng lớn tuổi, không quen về công nghệ nên thi rớt phần mô phỏng. Nguyên nhân do kinh nghiệm đi đường họ có nhưng họ không biết dùng máy tính.

Sẽ sử dụng phần mềm được nâng cấp từ ngày 1/2

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau khi tiếp thu ý kiến của các sở GTVT, cơ sở đào tạo, học viên, Cục đã phối hợp với các sở, chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh, nâng cấp phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, phần mềm mới sẽ được sử dụng để sát hạch từ ngày 1/2.

Các nội dung đã điều chỉnh trong phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông gồm: Điều chỉnh, đồ họa lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học lái xe dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn.

Với phần mềm ôn tập, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin đã bổ sung ba tính năng gồm: Tên của từng tình huống để người học nhận biết; Các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.

Phần mềm sát hạch được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây để học viên có thêm thời gian chuẩn bị, đồng thời kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, việc trang bị kiến thức, nhận biết các tình huống mất ATGT là cần thiết. Trong quá trình xin ý kiến sửa đổi Nghị định 65 về đào tạo lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam không nhận được ý kiến đề xuất bỏ phần mềm mô phỏng. Khi xây dựng, Cục đã tham khảo các nước đã thực hiện là Anh, Nhật, Australia và các tình huống tai nạn giao thông đã xảy ra ở Việt Nam.