Việc thiết kế hầm đường bộ này hoàn toàn được tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh ảnh hưởng tới tinh thần sức khỏe của người tham gia giao thông.
Các đường hầm ở Na Uy là phương tiện nối liền những thành phố ven biển và quần đảo. Đường hầm Lærdal hay Lærdalstunnelen là một hầm đường bộ dài 24,5km, nối liền hai đô thị Lærdal và Aurland của địa hạt Sogn og Fjordane, Na Uy. Đường hầm này nằm cách thành phố Bergen gần 200km về phía đông bắc. Đây được xem là hầm đường bộ dài nhất thế giới, vượt qua kỷ lục trước đó của hầm đường bộ Gotthard, Thụy Sĩ.
Hầm đường bộ này gồm hai làn đường thuộc tuyến đường bộ E16 của châu Âu, đây là tuyến đường nối liền hai thành phố Oslo và Bergen. Việc xây dựng hầm đường bộ này là giải pháp hiệu quả để qua lại giữa hai thành phố, nhằm hạn chế việc lưu thông qua phà và băng qua các ngọn núi hiểm trở trong suốt mùa đông.
Ban đầu vào năm 1975, Quốc hội của Na Uy đã đưa ra quyết định về việc xây dựng tuyến đường chính thông qua ngọn núi Filefjell, nhằm kết nối hai thành phố Oslo và Bergen. Tuy nhiên, Quốc hội đã thay đổi quyết định bằng việc cho xây dựng tuyến đường liên kết thông qua một đường hầm, từ thành phố Lærdal đến Aurland vào năm 1992, sau đó bản dự án đã được duyệt.
Công trình khởi công vào năm 1995 và chính thức khánh thành vào năm 2000, được biết, chi phí xây dựng hầm đường bộ này là hơn 153 triệu USD (hơn 3.700 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Điểm bắt đầu của đường hầm được tính từ phía đông trung tâm hành chính Aurlandsvangen của đô thị Aurland, kéo dài qua một dãy núi, sau đó trải dài thêm 5,5km cho đến điểm kết thúc là tại trung tâm hành chính Lærdalsøyri của thành phố Lærdal về phía nam.
Việc thiết kế hầm đường bộ này hoàn toàn được tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh ảnh hưởng tới tinh thần sức khỏe của người tham gia giao thông khi lưu thông qua hầm. Vì vậy, hầm đường bộ Lærdal được phân ra làm 4 khu, khoảng cách mỗi khu là 6km và được ngăn cách bởi 3 hang động núi lớn.
Trong khi đường hầm chính được trang bị các đèn trắng thì trong các hang động lại được bố trí các đèn màu vàng ở các mép rìa, cùng với gam màu sáng xanh tỏa ra từ hang động, mang lại cảm giác như những ánh bình minh lạng ró.
Các hang động ngăn cách giữa các khu của hầm đường bộ được xem như là một ý tưởng đột phá, vừa giúp giải tỏa cảm giác ngột ngạt khi 20 phút đi trong mỗi hầm, vừa là các điểm dừng chân nghỉ ngơi.
Cứ 6km, đội ngũ kỹ sư lại chạm trổ đá, lắp đèn màu xanh dương và vàng đặc biệt được thiết kế để mô phỏng bình minh
Trong hầm đường bộ còn có trang bị các biển báo ở mỗi chặng cây số, nhằm báo cho người lưu thông biết về quãng đường đã đi được và quãng đường đi còn lại. Ngoài ra, mỗi làn đường đều có một vạch đường gây sốc ở trung tâm, nhằm hạn chế tình trạng buồn ngủ và mất tập trung của tài xế khi lưu thông qua hầm.