Đầu năm 2024, HLV Toshiya Miura đã nhận lời trả lời phỏng vấn tờ Qoly (Nhật Bản). Dân trí xin lược dịch bài trả lời phỏng vấn này.
Ông đã trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam như thế nào?
– Tôi nhận được cuộc gọi từ ông Kozo Tajima, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản. Ông Trần Quốc Tuấn đã nói chuyện với ông Kozo Tajima về việc tìm kiếm HLV người Nhật Bản. Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam đang sa sút. Tôi đã quyết định nhận lời.
Suy nghĩ của ông ở thời điểm đó ra sao?
– Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ đến Việt Nam. Trước đó, tôi chỉ đến du lịch ở Philippines và Thái Lan. Vì thế, tôi chưa tưởng tượng ra cuộc sống ở Việt Nam như thế nào. Tôi không chắc mình có thành công được không.
Ấn tượng của ông khi làm việc ở Việt Nam?
– Trong buổi ra mắt của tôi, có tới 100 phóng viên đến dự họp báo. Điều đó khiến tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi chưa từng tham dự buổi ra mắt nào đông đảo tới vậy. Tôi cảm thấy mọi sự chú ý dồn về phía mình.
Một tuần sau khi tôi tiếp quản vị trí HLV đội tuyển Việt Nam, chúng tôi có trận đấu giao hữu với Myanmar. Ấn tượng của tôi khi ấy là các cầu thủ Việt Nam hơi đuối so với các đồng nghiệp ở Nhật Bản.
Tôi không biết nhiều về bóng đá Đông Nam Á nhưng tôi từng biết Lê Công Vinh, người từng khoác áo Consadole Sapporo. Tôi thấy các cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật nhưng hơi yếu thể chất. Cường độ hoạt động trong các trận đấu khá thấp.
Mục tiêu của ông khi làm HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam là gì?
– Mục tiêu của tôi là lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á, vượt qua vòng loại Olympic. Tuy nhiên, châu Á chỉ có 4,5 suất dự World Cup và 3 suất dự Olympic nên việc vượt qua những đối thủ mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran là điều vô cùng khó khăn.
Do đó, những mục tiêu này không thực tế. Các cầu thủ, giới truyền thông Việt Nam đều muốn tập trung giành AFF Cup ở cấp độ đội tuyển quốc gia và SEA Games ở cấp độ U23.
Ông có gặp khó khăn gì khi làm việc với các cầu thủ Việt Nam?
– Liên đoàn bóng đá Việt Nam có quyền quyết định lịch thi đấu, lịch tập trung của đội tuyển quốc gia mà không cần tham khảo giải V-League. Ở Nhật Bản, nếu đội tuyển quốc gia sẽ bước vào giải đấu lớn trong vòng 6 tháng tới, các bên liên quan sẽ phải họp lại để bàn bạc thời điểm đội tuyển quốc gia tập trung, thời điểm du đấu hay địa điểm tập huấn.
Theo ông, vì sao ở Nhật Bản lại như vậy?
Đó là về vấn đề văn hóa. Ở Nhật Bản, họ sắp xếp kế hoạch trước 6 tháng nên giúp đội tuyển có thể đặt sớm khách sạn, vé máy bay, cũng như lịch trình tập luyện, thi đấu nội bộ.
Nhưng các nước Đông Nam Á lại không làm như Nhật Bản. Nếu có một kế hoạch được đặt ra từ trước, nó sẽ lại phải thay đổi sau cuộc họp diễn ra 10 ngày sau đó. Cuối cùng, HLV sẽ không chuẩn bị được nhiều thứ.
Trước đây, tôi nghĩ chuyện này chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nhưng rồi tôi đến Thái Lan làm việc và gặp phải tình trạng tương tự. Tôi hỏi đồng nghiệp làm việc tại Indonesia, Malaysia, và họ cũng có chung nhận định.
HLV Miura thừa nhận các cầu thủ Việt Nam vẫn có thói quen ăn mỳ tôm và đi xe máy (Ảnh: Qoly).
Hãy kể cho tôi kỷ niệm đáng nhớ của ông ở Việt Nam?
– Nếu bạn là người Hàn Quốc thì trong người bạn lúc nào cũng có kim chi. Còn đối với các cầu thủ Việt Nam, họ thường mang theo mì gói và ăn vào lúc nửa đêm trước khi đi ngủ.
Tất nhiên, cách ăn uống như vậy không tốt cho vận động viên chuyên nghiệp nhưng đó là thói quen của họ, đặc biệt trong những chuyến du đấu nước ngoài. Thế nhưng, ở giải AFF Cup diễn ra ở Việt Nam, họ vẫn lặp lại thói quen tương tự. Tôi không có vấn đề gì. Ở Nhật Bản, người ta hạn chế ăn đồ sống khi đi cắm trại hoặc thám hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều cầu thủ Việt Nam đi xe máy. Ở Nhật Bản hay Đức, các đội bóng cấm cầu thủ đi xe máy. Tôi hơi lo lắng về điều này nhưng cũng nghĩ rằng điều đó không tránh được, khi thu nhập ở Việt Nam chưa cao.
Các đội bóng Đông Nam Á sẵn sàng nhập tịch nhiều cầu thủ ở châu Âu, Nam Mỹ khoác áo đội tuyển quốc gia. Thời còn làm HLV ở Việt Nam, ông có tính tới điều đó không?
– Tôi đồng ý với kế hoạch đó. Hầu hết các cầu thủ Đông Nam Á có thể hình nhỏ con nên các đội bóng muốn bổ sung các cầu thủ có thể hình, thể chất khác nhau. Tôi từng có ý định tìm kiếm cầu thủ gốc Việt nhưng không có nhiều cầu thủ có thể hòa nhập với đội tuyển quốc gia.
Nhật Bản cũng muốn tìm cầu thủ có gốc gác ở quốc gia này nhưng chơi bóng ở châu Âu. Tuy nhiên, liệu bạn muốn đại diện cho đội tuyển Pháp hay Nhật Bản? Hầu hết các trường hợp này đều do phụ huynh tự khai hoặc do người đại diện khuyến khích.
Đặng Văn Lâm, cầu thủ mang nửa dòng máu Nga, có thể trả lời câu hỏi này. Tôi biết có một vài cầu thủ gốc CH Séc và mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam.
Ông đã cố gắng huấn luyện đội tuyển Việt Nam ra sao?
– Lúc đầu, tôi không có bất kỳ hiểu biết nào về bóng đá Việt Nam. Trong quá trình làm việc, tôi đã giúp họ cải thiện điểm tốt và hạn chế điểm yếu. Về mặt kỹ thuật, các cầu thủ Việt Nam không làm tôi lo lắng. Tuy nhiên, điểm yếu của họ là ngại tranh chấp tay đôi và thi đấu với cường độ rất thấp. Tôi nghĩ mình có thể cải thiện điều này.
Đội tuyển Việt Nam yếu thể lực nhưng luôn có tinh thần chiến đấu và tinh thần dân tộc rất cao (Ảnh: Getty).
Khi làm HLV đội tuyển Việt Nam, ông chú ý tới điều gì?
– Đó là văn hóa Việt Nam. Nếu không huấn luyện và dẫn dắt các cầu thủ phù hợp với văn hóa, họ không làm theo. Đó là công việc khá nặng nề ngoài chuyên môn bóng đá. Tôi có không ít lần xung đột với các nhân viên hay VFF nhưng rồi cuối cùng, chúng tôi cũng hiểu nhau.
Ở Thái Lan, các CLB và cầu thủ có quyền từ chối lên tuyển. Nhưng tại Việt Nam, việc này không bao giờ xảy ra. Với cầu thủ Việt Nam, việc lên tập trung tuyển quốc gia là vinh dự, trách nhiệm với đất nước. Vì thế, tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc chỉ bảo các cầu thủ, bởi tất cả đều hướng đến mục tiêu chung vì màu cờ sắc áo
Vậy thế mạnh của các cầu thủ Việt Nam là gì?
– Điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam khá giống với Nhật Bản, đó là tinh thần đoàn kết. Đội bóng cũng không có cầu thủ mang một nửa dòng máu nước ngoài trước đây nên có thể tìm được tiếng nói chung. Bóng đá Nhật Bản cũng vậy.
Ông từng cầm quân ở đội U23 Việt Nam. Vậy ông có khó khăn khi cùng lúc dẫn dắt hai đội tuyển?
– Tôi không hề gặp khó khăn. Khó khăn chỉ tới khi hai đội có lịch thi đấu trùng nhau nhưng rất hiếm khi điều đó xảy ra. Thậm chí, tôi còn có cơ hội hiểu biết về cầu thủ từng lứa tuổi. Nếu có cầu thủ U23 chơi tốt, tôi có thể đôn họ lên đội tuyển quốc gia, trong khi tôi hiểu rõ trình độ của cầu thủ đó.
Ông từng dẫn dắt đội U20 Thái Lan, vậy có khác biệt nào giữa Việt Nam và Thái Lan không?
– Ở Thái Lan, tôi chỉ làm việc với các cầu thủ lứa tuổi 18, 19. Hầu hết trong số họ đều chưa kiếm được nhiều tiền. Thu nhập ở lứa trẻ chỉ giúp họ đủ sống. Tôi đã quen với văn hóa Đông Nam Á khi làm việc ở Việt Nam nên cũng không mất thời gian hòa nhập ở Thái Lan.
So với Việt Nam, Thái Lan sở hữu nhiều ô tô và có hạ tầng tốt hơn. Nhiều cầu thủ Việt Nam vẫn có văn hóa đi xe máy. Bóng đá Thái Lan cũng có cơ sở vật chất tốt hơn. Tôi cũng ấn tượng về sân cỏ ở Thái Lan.
HLV Miura cho rằng các cầu thủ Thái Lan có quyền từ chối lên tuyển, còn cầu thủ Việt Nam không bao giờ làm điều đó. Họ luôn sẵn sàng chiến đấu và vinh dự khi khoác áo đội tuyển quốc gia (Ảnh: Qoly).
Ông đánh giá thế nào về đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo?
– HLV Park Hang Seo đã gặt hái được nhiều thành công ở Việt Nam những năm qua. Đặc biệt, ông đã phát triển tốt từ thế hệ U23 Việt Nam giành ngôi á quân giải U23 châu Á.
Đó cũng là lứa U20 từng lọt vào World Cup U20 năm 2017. Do đó, tôi cho rằng họ có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế từ khi còn khá trẻ. Điều đó giúp cho bóng đá Việt Nam tiến bộ rất nhanh.
Đội tuyển Việt Nam có khác biệt thế nào so với thời ông làm HLV?
– Khi tôi bắt đầu công việc ở Việt Nam, bóng đá nước này đang sa sút và tạo ra ấn tượng tiêu cực. Tôi có cảm tưởng khi chỉ cần có tinh thần tốt, đội bóng sẽ chơi rất tốt. Tôi rất ngạc nhiên khi đội U23 Việt Nam từng đánh bại Iran với tỷ số 4-1 trước Iran ở Asiad 2014.
Sau đó, HLV Park Hang Seo đã biết phát huy điểm mạnh tinh thần của các cầu thủ để giúp đội tuyển Việt Nam vươn lên nhóm 2 ở châu Á. Điều đó khiến tôi cảm thấy thích thú.