Lê Thị Thắm, 25 tuổi – cô gái không có hai tay từ khi lọt lòng mẹ ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa – nhân vật trong bài viết trên báo Tuổi Trẻ, vừa được tuyển dụng đặc cách làm giáo viên dạy tiếng Anh tại quê nhà.
Ông Đỗ Minh Tuấn – phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – trao quyết định tuyển dụng đặc cách cho cô giáo Lê Thị Thắm (đứng giữa ảnh) – Ảnh CTV
Chiều 28-7, tại Trường tiểu học và THCS Đông Thịnh, ông Đỗ Minh Tuấn – phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – đã trao quyết định tuyển dụng viên chức cho cô giáo Lê Thị Thắm vào ngành giáo dục và đào tạo huyện Đông Sơn.
Phát biểu tại lễ trao quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định việc tuyển dụng đặc cách, bố trí công tác cho cô giáo Lê Thị Thắm thể hiện tình cảm, sự quan tâm và trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, của các cấp, ngành đối với người có hoàn cảnh đặc biệt, có sức lan tỏa tốt đẹp trong cộng đồng.
“Nhà trường nơi cô giáo Lê Thị Thắm công tác, ngành giáo dục và đào tạo huyện Đông Sơn, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cô giáo Thắm hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người” – ông Đỗ Minh Tuấn nhắn nhủ.
Cô giáo Lê Thị Thắm sinh ra với cơ thể tật nguyền, không có đôi tay, mọi sinh hoạt gần như phải dựa vào mẹ. Ngay từ nhỏ, Lê Thị Thắm đã thể hiện tinh thần vượt khó, tự tập viết, làm việc bằng đôi chân, nỗ lực theo đuổi con đường học tập.
Câu chuyện về cô gái không tay Lê Thị Thắm nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, bước chân vào cổng Trường đại học Hồng Đức mà Tuổi Trẻ viết cách đây 7 năm đã khiến bạn đọc xúc động.
Từ những nghị lực vượt khó, vươn lên, thực hiện ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, cô gái không tay Lê Thị Thắm là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Thanh Hóa.
Được biết, năm 2020, sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiếng Anh, Trường đại học Hồng Đức, bạn Lê Thị Thắm về quê xã Đông Thịnh mở lớp dạy ngoại ngữ, bổ trợ tiếng Anh cho các em học sinh tại địa phương.
Cô giáo Lê Thị Thắm tâm sự: “Ước lớn nhất của Thắm là một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp và được cống hiến trong môi trường giáo dục.
Tôi sẽ luôn hoàn thiện bản thân, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, dù bản thân có nhiều hạn chế nhưng tôi tự tin sẽ nỗ lực, sẽ tận tâm, tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội đứng vào ngành giáo dục”.
Và ước mơ của cô giáo Lê Thị Thắm hôm nay đã trở thành hiện thực.