12 năm đi quét rác, nhặt ve chai dành dụm được 350 triệu đồng, chị V.T.H. đã đầu tư bằng hình thức mua cổ phần của Tập đoàn Mỹ Hạnh, nhưng đến nay đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Chị H. (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết số tiền 350 triệu đồng đầu tư vào Tập đoàn Mỹ Hạnh chị đã dành dụm trong suốt 12 năm đi quét rác, nhặt ve chai - Ảnh: QUANG THẾ

Chị H. (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết số tiền 350 triệu đồng đầu tư vào Tập đoàn Mỹ Hạnh chị đã dành dụm trong suốt 12 năm đi quét rác, nhặt ve chai – Ảnh: QUANG THẾ

Gửi đơn phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, cả trăm người dân ở Hà Nội, Hải Dương… cho biết vì tin vào lời mời gọi góp vốn sinh lời “hấp dẫn” nên họ đã đầu tư vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (gọi tắt là Tập đoàn Mỹ Hạnh, trụ sở tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tuy nhiên từ tháng 9-2022 đến nay tập đoàn này cứ “khất lần” tiền lãi, gốc.

Sau khi đầu tư vào Mỹ Hạnh, cuộc sống nhiều gia đình gần như bế tắc

Ngày 31-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị V.T.H. (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết xảy ra sự việc này chị rất bức xúc. Đây là số tiền đã dành dụm trong suốt 12 năm đi quét rác, nhặt ve chai ở Hà Nội.

Chị H. đầu tư vào Tập đoàn Mỹ Hạnh với mong muốn lấy tiền hằng tháng cho con ăn học.

Theo chị, cũng vì đầu tư vào đây không lấy được tiền lãi, gốc như đã cam kết trước đó của Tập đoàn Mỹ Hạnh mà vợ chồng chị lục đục, rồi ly hôn, còn hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, biết bao khoản phải chi tiêu mà không có tiền.

Chị nói hiện tại đang rất bế tắc, những ngày tới chưa biết phải vay mượn ra sao để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Chị cho biết thêm chị làm công nhân môi trường, quét rác ở khu vực đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), tranh thủ thời gian hằng ngày đi nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập. Được Tập đoàn Mỹ Hạnh giới thiệu làm ăn lớn, uy tín, có nhiều dự án trồng sâm Ngọc Linh nên chị đã nghe theo.

Nhà đầu tư tìm đến Tập đoàn Mỹ Hạnh nhưng không gặp được nhân viên, lãnh đạo của tập đoàn - Ảnh: QUANG THẾ

Nhà đầu tư tìm đến Tập đoàn Mỹ Hạnh nhưng không gặp được nhân viên, lãnh đạo của tập đoàn – Ảnh: QUANG THẾ

“Nhặt ve chai, đầu tư vào Mỹ Hạnh… nhà mình còn gì đâu. Nhiều đêm nằm ngủ chỉ biết khóc thôi. Mình là lao công làm gì có thời gian, điều kiện mà đi đòi lại tiền được”, chị H. nói.

Chị này cho hay số tiền 350 triệu đồng mua cổ phần chị nhờ em dâu đứng tên 150 triệu đồng, còn lại mình 200 triệu đồng. Tập đoàn Mỹ Hạnh cam kết lãi nhà đầu tư được nhận 2,5%/tháng, nhưng mới trả được 3-4 tháng rồi “ngắt luôn”. Cả trăm người dân đã rút tiền gửi tiết kiệm, tiền dành dụm để dưỡng già đổ hết vào đầu tư. Đến nay, bà chủ tịch Mỹ Hạnh “bặt vô âm tín”.

Gửi đơn đến Tuổi Trẻ, bà Đ.T.V. (74 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay năm 2022 bà đã ký 4 hợp đồng. Trong đó, 1 hợp đồng hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh giá trị 100 triệu đồng, lãi suất 2%/tháng và 3 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giá trị 2,4 tỉ đồng, lãi suất 2,5%/tháng. Tuy nhiên trong suốt quá trình nắm giữ cổ phần, bà V. không được Tập đoàn Mỹ Hạnh mời họp đại hội cổ đông.

“Trong suốt gần 1 năm nay, không chỉ tôi mà hàng trăm người dân từng ký hợp đồng trồng sâm Ngọc Linh, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn, vay vốn… đã đến trụ sở tập đoàn đòi lại tiền nhưng đều bất thành”, bà V. nói.

Bà V. cho hay số tiền bà đầu tư là công sức tích cóp cả đời. Từ cuối năm 2022 đến nay, bà đổ bệnh, nhiều lần viết đơn lên tập đoàn yêu cầu bà Phạm Mỹ Hạnh – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (người trực tiếp ký hợp đồng với nhà đầu tư) – trả tiền nhưng vẫn không nhận được hồi âm.

“Trước những lần nằm viện, tôi thường đến trụ sở tập đoàn với mong muốn lấy được một phần tiền đã đầu tư để chữa bệnh, nhưng rồi không được giải quyết nên rất bức xúc”, bà V. nói.

Đỉnh núi Ngọc Linh, nơi đang được người dân, doanh nghiệp trồng sâm dưới tán rừng - Ảnh: LÊ TRUNG

Đỉnh núi Ngọc Linh, nơi đang được người dân, doanh nghiệp trồng sâm dưới tán rừng – Ảnh: LÊ TRUNG

Người của Tập đoàn Mỹ Hạnh từng đến vườn sâm Ngọc Linh khảo sát, “làm màu”

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Mẫn – phó chủ tịch huyện Nam Trà My (Quảng Nam) – cho biết: “Có lần người của Tập đoàn Mỹ Hạnh đến các vườn sâm ở huyện khảo sát. Họ cũng “làm màu”, quay hình ảnh quảng cáo, tạo lòng tin”.

Theo ông, hiện ở địa phương có 18 doanh nghiệp thuê môi trường rừng với hơn 360ha để đầu tư trồng sâm. Tuy nhiên, trong số này lại không có Tập đoàn Mỹ Hạnh.

“Người của Mỹ Hạnh có đến nhà vườn khảo sát rồi sau đó không làm chi hết, cũng không thuê môi trường rừng trồng sâm. Mình sợ họ lên quay hình ảnh rồi lợi dụng đó quảng cáo tầm bậy tầm bạ, trong khi không trồng sâm mà bán sâm Ngọc Linh. Thực tế Mỹ Hạnh không đầu tư gì ở Nam Trà My”, ông Mẫn khẳng định.

Trả lời câu hỏi trách nhiệm của địa phương ở đâu, sao không có biện pháp cứng rắn để kiểm soát việc này, ông Mẫn nói: “Hồi đó làm sao biết được. Họ chỉ đi khảo sát mà, thực tế không có vùng nguyên liệu ở huyện”.

Một củ sâm Ngọc Linh tại hội thi sâm do UBND huyện Nam Trà My tổ chức đầu tháng 8-2023 - Ảnh: LÊ TRUNG

Một củ sâm Ngọc Linh tại hội thi sâm do UBND huyện Nam Trà My tổ chức đầu tháng 8-2023 – Ảnh: LÊ TRUNG

Còn ông Trần Duy Dũng – chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho hay mới có báo cáo cung cấp thông tin cho Công an Cầu Giấy (Hà Nội) liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.

Theo ông Dũng, từ trước đến nay tập đoàn này chưa bao giờ liên hệ chính danh để làm việc với UBND huyện cũng như Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My. Và huyện cũng chưa từng có thỏa thuận vị trí, đề xuất chủ trương, phê duyệt phương án sử dụng môi trường rừng cho Tập đoàn Mỹ Hạnh trồng sâm Ngọc Linh.

Ông Dũng cho biết thêm: “Sâm Ngọc Linh rất có giá trị. Hiện nay tỉnh, huyện chú trọng phát triển loại sâm này. Không trồng sâm mà quảng cáo có vườn đang trồng sâm Ngọc Linh thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Những ai làm trái pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm”.

Trong khi đó, như đã thông tin, ngày 30-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tân (thời điểm quay clip có chức vụ giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh) – từng giới thiệu Tập đoàn Mỹ Hạnh đang hợp tác với nhiều công ty trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam – cho biết: “Khi đó, tôi làm theo công việc, hợp đồng, làm công ăn lương. Sau này có việc hợp tác hay không thì tôi không rõ”.