Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, khi người già bày tỏ nguyện vọng được đi bước nữa trước mặt con cháu, thông thường họ sẽ bị gia đình phản đối.
Tại sao ư? Tại định kiến của xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Tại sao già còn ham vui? Tại sao sức khỏe chẳng còn mà lại mê chuyện chăn gối? Rồi nhỡ đâu người kia chẳng yêu gì bố/mẹ mình, chỉ muốn chiếm đoạt tài sản thì sao?
Cứ thế, kẻ ngoài cuộc luôn muôn ngàn lý do để phản đối hôn nhân khi tuổi xế chiều. Nhưng họ đâu biết rằng chỉ một sự ngăn cấm không chính đáng ấy sẽ khiến cho mẹ cha mình cô đơn lẻ bóng suốt phần đời còn lại, thậm chí đau đớn không thể nhắm mắt xuôi tay.
Tôi từng đọc trên Saostar thấy cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ một câu chuyện khá buồn về một người con trai tên Chung Khánh Thư. Sau một thời gian bươn chải lập nghiệp ở thành phố, anh này cuối cùng cũng mua được nhà ở đây và dự định đón bố lên sống cùng.
Mẹ đã qua đời từ lâu, anh không nỡ nhìn thấy bố sống cô quạnh ở quê nghèo. Tuy nhiên, bố của Chung Khánh Thư thẳng thừng từ chối đề nghị này và ngỏ ý muốn một người giúp việc. Dù lấy làm lạ nhưng anh cũng không dám hỏi, ngờ đâu chỉ một thời gian ngắn sau, bố anh đã tự tìm được một người phù hợp.
Có một lần Chung Khánh Thư về thăm nhà, ông cụ đã mang một bình rượu ra uống để báo tin mừng cho con trai: ông muốn cưới cô giúp việc. Tuyên bố này khiến chàng trai ngỡ ngàng và tức giận vô cùng. Khi nghe anh phản đối, bố gạt phắt đi và kiên quyết phải kết hôn với người phụ nữ kia. Trong lúc hai bố con to tiếng với nhau, ông buột miệng đuổi Chung Khánh Thư ra khỏi nhà.
Quá đau khổ và thất vọng, anh chất vấn: “Bố đã quên mẹ con rồi ư? Sau này có bị người phụ nữ đó lừa thì bố cũng đừng đến tìm con!”. Từ đó, hai bố con không nhìn mặt nhau lần nào nữa. Một năm sau, người giúp việc gọi điện báo tin dữ cho Chung Khánh Thư. Hay tin bố hấp hối, anh bỏ hết công việc chạy về nhà nhưng vẫn không kịp tiễn đưa ông trong giây phút cuối cùng.
Cảm xúc còn ngổn ngang khi mất đi bố, Chung Khánh Thư lại tiếp tục trải qua cú sốc khi đọc lá thư ông viết cho mình. Khi vừa mở ra, anh đã lập tức quỳ sụp xuống trước mặt cô giúp việc. Trong thư, ông cụ tiết lộ rằng cô giúp việc mới đúng là mẹ ruột của Chung Khánh Thư.
Năm đó, ông đã nhẫn tâm phụ bà và ôm anh rời đi, rồi kết hôn với người vợ quá cố mà anh vẫn luôn gọi là “mẹ”. Về sau, khi gặp lại, hai người quyết định nối lại tình xưa. Chẳng ngờ, mối duyên của họ lại bị con trai ngăn cản. Sự thật tàn khốc khiến Chung Khánh Thư vô cùng ân hận.
(Ảnh minh họa: saostar, thethao&vanhoa)
Đúng là trên đời, có muôn vàn câu chuyện hy hữu xảy ra, nhưng riêng với trường hợp này, quả thật rất đau đớn. Có lẽ tâm lý chung của những người con khi thấy mẹ cha đòi đi bước nữa luôn nảy sinh ý định phản đối. Đã thế, định kiến về người giúp việc khi kết hôn với ông chủ, ai cũng nghĩ là vì tiền.
Cái sai của người con, là vì cãi nhau với bố nên mặc kệ chuyện ông kết hôn. Thay vì tìm hiểu xem cô giúp việc ấy là ai, tính cách như thế nào, có ham tiền bạc, có tật xấu gì, có hợp với bố mình không thì anh lại ngó lơ, mặc kệ bố mình muốn làm gì thì làm.
Hẳn nhiên, anh đang đợi bố mình bị lừa, để cụ ông sáng mắt ra. Nhưng nào ngờ, chính anh mới là người cần tỉnh ngộ. Mẹ anh đã mất từ lâu, anh lại bỏ quê lên phố lập nghiệp, người bố cứ lầm lũi sống ở quê, nay cụ muốn được kết hôn, để có người chăm sóc khi tuổi xế chiều, thì anh lại phản đối. Và sau cùng, vì giận hờn mà đến giây phút cuối cùng được gặp cha, anh cũng không còn cơ hội.
Từ câu chuyện đau lòng này, tôi mong người trẻ hãy lấy đó làm bài học. Thực tế cũng chứng minh là không phải đôi vợ chồng nào cũng có thể sống bên nhau, chăm sóc cho nhau đến đầu bạc răng long. Khi người bạn đời ra đi, người còn lại phải sống trong cảnh hiu quạnh, trống vắng.
Thế nhưng, theo guồng quay cuộc sống, với quan niệm “nước mắt chảy xuôi”, con cái thường chỉ quan tâm đến gia đình nhỏ của mình, ít để ý đến nỗi niềm của bậc sinh thành. Khi đó, người già sẽ nghĩ đến việc “đi bước nữa” để có người tâm sự, chăm sóc nhau lúc tuổi già sức yếu.
Vậy mà trong suy nghĩ của con cái, chuyện mẹ cha đi thêm bước nữa khi tuổi đã cao là trái với thuần phong mỹ tục, là phản cảm và lố lăng. Một số khác thì lo sợ người mẹ kế hoặc dượng kế tương lai có mưu đồ không chính đáng, ví như rắp tâm muốn lấy tài sản của gia đình.
Nhiều người cho rằng nếu người cao tuổi kết hôn nghĩa là người đó còn ham hố chuyện chăn gối nhưng không hẳn như vậy. Nhu cầu có bạn già rất quan trọng, bởi nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là bị bỏ rơi, bị cô đơn. Đã thế, người Việt còn có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.