Để có tiền chữa trị cho 2 con trai tàn tật, anh Tùng làm thuê đủ nghề, còn chị Đào ngày ngày làm đôi chân cho 2 con đến trường tìm chữ.

Đó là hoàn cảnh của gia đình chị Đào Ngọc Đào ngụ ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ.

Chị Đào năm nay ngấp nghé 50 tuổi, gương mặt đượm buồn chất chứa nhiều tâm sự. Sự ra đời của 2 đứa con là niềm vui nhưng cũng là nỗi trăn trở lớn với vợ chồng chị.


Mẹ nghèo 12 năm làm đôi chân cho 2 con đến trường - 1Gia đình 4 người của chị Đào sống trong căn nhà cấp 4 chật hẹp của cha mẹ chồng.

Chị Đào kể, năm 2010 nhờ mai mối chị nên duyên với anh Đặng Bá Tùng – một thanh niên ngụ cùng xóm. Một năm sau, chị hạ sinh con trai đầu lòng là bé Đặng Ngọc Minh Tân (nay 12 tuổi). Tuy nhiên con trai chị ra đời lại không cử động được đôi chân, bác sĩ kết luận bé không có cơ nên không đủ sức di chuyển.

Bất hạnh đến tiếp lần nữa khi 2 năm sau chị Đào mang thai lần 2 cũng là bé trai. Đứa con đầu đã bị khuyết tật bẩm sinh nên vợ chồng chị càng ôm hy vọng, song phép màu không đến với gia đình nhỏ, bé Đặng Ngọc Minh Hưng ra đời bị tương tự như anh trai. Cả thế giới như sụp đổ trong mắt vợ chồng chị Đào.

“Làm cha mẹ ai chẳng muốn con được khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, nhưng con đã như thế không lẽ bỏ con. Bao năm qua vợ chồng tôi tìm đủ phương cách chữa trị cho 2 con nhưng kết quả đều vô vọng”, chị Đào rơm rớm nước mắt nói.

Con bệnh, hoàn cảnh gia đình chẳng khá khẩm gì, lại không có bằng cấp nên ai thuê gì anh Tùng làm đó. Có đợt anh làm phụ hồ, dạo thì đào đất thuê hay cắt lúa mướn miễn sao có tiền để lo cho cả nhà cái ăn, cái mặc và thuốc men. Còn chị Đào dành toàn thời gian chăm con, đưa con đến trường và rước con mỗi giờ tan học.
Mẹ nghèo 12 năm làm đôi chân cho 2 con đến trường - 2

Mỗi ngày 4 lần, chị Đào bồng em Minh Hưng đến lớp học và rước về nhà.

Lúc 2 đứa trẻ còn nhỏ chị chở con bằng xe máy, một đứa ngồi trước, đứa ngồi sau. Sợ con té nên chị phải cột thêm sợi dây đai ngang hông. Đến trường chị đậu xe trước cửa, cõng từng đứa vào lớp.

“2 đứa càng lớn cân nặng cũng tăng theo. Một mình tôi không cõng nổi nữa nên chia ca ra. Tôi đưa bé Minh Hưng, còn chồng thì cõng Minh Tân. Vì xe máy cà tàng không còn đủ sức chở 2 đứa nữa nên chồng tôi ráng sức làm mua chiếc xe điện”, chị Đào chỉ về chiếc xe chở con đi học và nói.
Mẹ nghèo 12 năm làm đôi chân cho 2 con đến trường - 3Cậu học trò Minh Hưng nay đã học lớp 4, cậu bé luôn lạc quan dù không thể chạy nhảy như bạn học.

Một người làm nuôi 4 miệng ăn, dù cật lực cũng không đủ khả năng đưa 2 con chữa bệnh. Người mẹ nghèo chỉ mong sao có được phép màu chữa lành đôi chân cho 2 đứa con số khổ.

“Chi phí lo cho con cái mỗi ngày một nặng thêm, nhiều lần tôi muốn cho 2 con trai nghỉ học nhưng thấy tụi nhỏ ham học tôi không đành làm. Dù giá nào vợ chồng tôi cũng cố gắng cho con biết chữ, biết nghĩa để tương lai con không phải khổ như cha mẹ chúng”, chị Đào bật khóc.

Cô Phạm Thị Mộng Kha – giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, trường tiểu học Nhơn Ái 2 cho biết, Minh Hưng là học sinh của lớp. Dù khuyết tật nhưng cậu bé rất chăm ngoan, năng nổ nhất ở môn Toán. Trừ các môn thể thao, vận động em không thể tham gia.

“Cả thầy cô và bạn bè trong lớp đều giúp đỡ em Tân để em luôn hòa nhập với mọi người, không để em tự ti, mặc cảm. Tân rất ham học, trừ khi bệnh nặng em mới nghỉ học”, cô Kha nói thêm.
Mẹ nghèo 12 năm làm đôi chân cho 2 con đến trường - 4So với em trai, Minh Hưng ít nói, trầm tính hơn khá nhiều. Khi có người đến thăm em khá rụt rè.

Ông Bùi Văn Hoàng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nhơn Ái 2 cho hay, từ khi tiếp nhận Minh Tân và Minh Hưng nhà trường đã xác định 2 em là trường hợp đặc biệt cần ưu tiên.

“Nhà trường luôn bố trí chỗ học thuận tiện cho các em học tập. Thời gian qua nhà trường cũng vận động tập sách, học bổng khích lệ tinh thần vượt khó học tốt của 2 em.

Đối với em Minh Tân đã học lớp 6, trước khi chuyển cấp chúng tôi cũng có nói rõ với trường THCS rằng em ở dạng khuyết tật, cần tạo điều kiện cho em từ chỗ ngồi đến lớp học, hạn chế phân công lớp ở trên lầu”, ông Hoàng thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái cho biết, hộ chị Đào thuộc diện khó khăn ở địa phương. Thời gian qua 2 đứa con của chị Đào đều được nhận trợ cấp người khuyết tật hàng tháng. Ngoài ra, các dịp lễ, Tết xã cũng dành các phần quà cho gia đình.