Bố mất chưa được 4 năm, nay người mẹ cũng bỏ hai anh em ra đi vì bạo bệnh. Bỗng dưng rơi vào cảnh côi cút, hai anh em phải đành “chia đôi” khi anh về ở với bà ngoại, em gái ở với bà nội nhưng cuộc sống vẫn muôn vàn khó khăn.
Đó là gia cảnh của hai anh em Lương Xuân Tình (11 tuổi) và Nguyễn Thị Yến Nhi (5 tuổi) ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Hai anh em và bà ngoại. Ảnh: V.Đồng
Người mẹ xấu số
Chúng tôi tìm đến nhà bà Đặng Thị Hợi (74 tuổi, bà ngoại của hai anh em Tình và Nhi) thấy bà đang cúi còng lưng lôi chiếc chăn bông đã cũ sờn trong cái sập đựng quần áo ấm. Bà Hợi cho hay: “Ngày mai gió mùa Đông Bắc về rồi, phải lấy chăn ra cho thằng Tình đắp. Tối qua trời gió lạnh, nó nằm co ro một mình trên giường mà không thấy kêu ca chi cả”.
Cuộn chiếc chăn bông lên giường cháu, bà Hợi nói giọng già yếu: “Con gái tôi là Lương Thị Duyên (mẹ của hai anh em Tình và Nhi). Năm 2005, Duyên quen biết một thanh niên ở huyện Nghĩa Đàn. Thấy hai đứa quấn quýt nhau, nghĩ rằng vài tháng nữa sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng khi Duyên báo tin đã có thai thì người thanh niên đó một mực từ chối rồi bỏ rơi Duyên”.Tủi phận, chị Duyên ủ rũ ngồi trong góc nhà khóc suốt ngày. Bà Hợi động viên “phải thương lấy đứa bé trong bụng, cứ ở đây mà sinh cháu. Có gì ăn nấy không sợ phải chết đói”.
Ông Lương Văn Huệ (chú ruột chị Duyên) thấy có khách đến nhà nên sang chơi và góp chuyện. Giọng ông cũng ngậm ngùi: “Năm 2006, Duyên sinh con và lấy họ mẹ đặt cho cháu là Lương Xuân Tình. Khi cháu Tình được 5 tuổi thì Duyên đi bước nữa. Nhưng khi sinh cháu Nhi được vài tháng thì người chồng đột ngột qua đời vì bạo bệnh”.
Một nách hai con với người mẹ chồng đã gần 80 tuổi, chị phải đánh vật với 5 sào ruộng, mỗi năm hai mùa lúa. Buổi sáng chị Duyên dậy lúc 5 giờ vác cày ra đồng. Trưa về nhà ăn xong bát cơm, tranh thủ xách rổ “chạy” theo nhưng xe gạch để bốc thuê đến 14h mới về. Không đủ chi tiêu trong gia đình, chị lại xin đi theo xe gạch để bốc thuê từ 18h đến khuya mới về lại. “Tiền công mỗi lần bốc thuê cũng chỉ được 50-60 ngàn đồng. Dành dụm thì cũng lo được tiền học phí cho hai đứa con nhưng lao lực, vất vả vô cùng”, ông Huệ nói.
Thương mẹ, Tình càng chăm chút cho em.
Thương mẹ, nhớ em, chỉ mong học giỏi
Giữa chừng câu chuyện của chúng tôi thì Tình đi học về. Dựng chiếc xe đạp cà tàng cao gần bằng đầu mình vào hiên nhà, Tình lễ phép chào bà và khách. Hỏi chuyện về những ngày thiếu mẹ, Tình hấp háy ánh mắt nhòe lệ, nói: “Em thương mẹ lắm, nhất là những lúc trời gió mưa như thế này mà mẹ vẫn ngồi trên xe chở gạch để bốc thuê. Ngày đó, em mới học lớp năm nhưng thấy mẹ vất vả quá nên xin mẹ cho đi mò cua, bắt ốc kiếm thêm đồng tiền giúp mẹ”. Tình vừa kể vừa thút thít: “Những đêm trăng sáng đi mò cua, bắt ốc còn đỡ nhưng đêm mưa cúi mặt xuống là mưa dội như bắn nước vào mặt.
Hai mẹ con hai chiếc đèn soi buộc trên đầu, đi từ 18h đến 20h mới về. Có đêm, đồng làng ít tôm, cua thì sang đồng làng bên mò tiếp, mãi 23h mới về. Nhiều đêm mẹ thương, không cho đi nhưng em vẫn cố chịu để sau buổi đó hai mẹ con cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng”.Ngày bình thường, mẹ tranh thủ đi chợ sớm vừa để bán mớ ốc, mớ cua mò được. Những ngày mẹ bận theo xe gạch thì Tình dậy thật sớm để ra chợ bán. Bán xong mới tất tưởi chạy về đạp xe 4-5 cây số đi học.
Bà Hợi chuyển câu chuyện sang hướng khác. Bà nói, mẹ Tình mắc bệnh thận và bướu cổ lại vất vả mưu sinh ngày đêm nên sức khỏe ngày một yếu. Đến tháng 10 vừa qua thì mẹ Tình mất, để lại hai đứa con nhỏ bơ vơ. Thấy bà nội cũng đã già yếu nên bà ngoại xin đưa cháu Tình về nuôi. Nhớ mẹ, thương em nên tuần nào Tình cũng đạp xe 4-5 cây số về thăm em và thắp hương cho mẹ. Giọng Tình như nghẹn lại: “Ngày mẹ còn sống tuy khổ cực nhưng còn có mẹ con quây quần. Giờ mất mẹ, hai anh em lại ở hai nơi nên nhớ em là nhớ mẹ, tủi thân lắm”.
Xếp lại chồng sách vở trên chiếc bàn do Chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An tặng, Tình bảo thích nhất là hai môn Toán và Tiếng Anh. Tình rất thích làm toán và học từ mới bởi “giải bài toán thành thạo thì học từ mới dễ nhớ lắm”. Nghe cháu nói chuyện học, bà Hợi liền khoe: “Đêm nào không đi mò cua, bắt ốc thì Tình học đến 23h mới đi ngủ. Sáng dậy thật sớm để ôn bài rồi mới đến trường. Ngày 19/11 tới đây Tình là học sinh được chọn đi thi chương trình “Rung chuông Vàng” ở trường đấy”. Chúng tôi hỏi Tình, gia cảnh khó khăn như vậy, ước mơ của Tình là gì? thì em như hoạt bát hẳn lên: “Khát vọng duy nhất của em luôn mong mình học thật giỏi để trả ơn mẹ và sau này có thể nuôi bà, nuôi em”.