Từ xưa đến nay, câu chuyện báo hiếu luôn là vấn đề gây tranh cãi. Thậm chí người Việt còn có câu: “Một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ”. Và từ đó, nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra.
Tôi từng đọc trên báo Vietnamnet một tình huống đến từ một bạn đọc giấu tên, thế nhưng ẩn sau sự chia sẻ ấy là nhiều bài học cần suy nghĩ. Cụ thể, người này đã kể lại câu chuyện của gia đình mình như sau:
Bố mẹ tôi sinh được 6 người con. Nhưng sau khi ăn học trưởng thành, chúng tôi đều sống và làm việc ở thành thị. Năm 2012, mẹ tôi mất bất ngờ. Bố tôi bị suy sụp. Sức khỏe vì thế mà kém dần. Chúng tôi chia nhau đón bố đến ở cùng.
Nhưng chỉ ở được dăm bữa nửa tháng bố lại đòi về quê vì không chịu được cảnh sống chật chội, nhà nào biết nhà ấy ở thành phố. Vậy là bài toán đặt ra với chúng tôi là làm thế nào để bố được chăm sóc tốt nhất trong khi chúng tôi đều bận công tác.
Ở quê không có ai chịu đến làm giúp việc. Bàn tới bàn lui cuối cùng anh cả quyết định tìm người trên phố về giúp bố. Người đàn bà mà anh tôi chọn là người dọn vệ sinh ở khu chung cư, nơi anh đang sống.
Năm đó, bà 62 tuổi, chưa từng lấy chồng nhưng có một đứa con nuôi đang học đại học. Người đàn bà này có ngoại hình thua xa mẹ tôi nhưng nấu ăn ngon, sạch sẽ và nói năng nhẹ nhàng. Vì thế bố tôi rất ưng. Bà ấy làm giúp việc cho bố tôi được khoảng nửa năm thì anh cả gọi chúng tôi đến bàn việc cho bố lấy vợ.
Anh bảo, chỉ có như thế, bố tôi mới có người chăm sóc lâu dài. Tôi điện thoại hỏi ý kiến bố. Bố bảo, người giúp việc kia rất tốt nhưng bố không muốn lấy ai ngoài mẹ của chúng tôi. Anh trai tôi và mấy anh chị còn lại thấy vậy ra sức phân tích, động viên bố.
Cuối cùng bố đành nghe theo lời các con, lấy người giúp việc khi đã ở tuổi 80. Sau chuyện vui đó, chúng tôi yên tâm hơn về bố nên ít về quê, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Đến ngày giỗ mẹ, tôi về gặp bố thì giật mình khi thấy bố gầy xọp.
Tôi gặng hỏi thì bố tâm sự, sau khi chính thức làm vợ của bố, người đàn bà đó thay đổi 180 độ. Lương của bố gần 8 triệu, bà ấy thu hết. Bố không được giữ đồng nào. Đi cắt tóc hoặc có đình đám giỗ chạp trong làng bố đều phải ngửa tay xin.
Và mỗi lần như thế, bố đều bị nghe chửi. Chuyện ăn uống cũng vô cùng kham khổ. Mỗi bữa đều chỉ có cơm rau. Bố góp ý thì bà ấy lớn tiếng rồi không vào bếp nấu cơm, cũng không mở khóa bếp để bố tự nấu nên phải nhịn đói.
Bố buồn và rất thất vọng nhưng sợ làm phiền các con nên bố cố gắng chịu đựng. Tôi nghe bố nói mà trào nước mắt. Sau đó, tôi xin ý kiến bố và các anh chị rồi nói chuyện với vợ hai của bố. Tôi thay mặt gia đình xin lỗi bà ấy. Tiếp đến, tôi gửi bà ấy 100 triệu để mua lại tự do cho bố tôi.
Chắc nhiều người nghe đến đây sẽ đánh giá tôi bạc ác với bà ấy. Nhưng tôi không thể để người khác làm tổn thương bố mình. Bây giờ tôi kể chuyện này ra để những người làm con lấy đó làm kinh nghiệm. Khi cha mẹ già, đừng cố đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ cho người khác kẻo có ngày ân hận.
(Ảnh minh họa: carpediem, caotuoi.vn)
Cuộc đời cũng thật trớ trêu, trong khi những gia đình khác thì con cái cấm cản mẹ cha đi thêm bước nữa mà gia đình này lại ủng hộ cụ ông kết hôn với người xa lạ với mục đích có “bạn” chăm sóc những năm cuối đời. Nhưng chuyện kết hôn, dù người già hay người trẻ, nếu không xuất phát từ tình yêu và lòng vị tha thì nhất định sẽ dẫn tới cái kết bi đát. Thực tế đã chứng minh rất nhiều, càng rổ rá cạp lại thì tỷ lệ trục trặc cũng cao.
Đầu tiên, phải nói là quá thương cho người cha già, suốt đời tần tảo chăm lo cho con cái nhưng bây giờ con cái lại không thể phụng dưỡng mình, đẩy “trách nhiệm” lên vai một người phụ nữ xa lạ. Tuy nhiên, ông chẳng hề trách con nửa lời, thậm chí còn âm thầm cam chịu bị bóc lột, bị chửi bới từ người vợ mới.
Ông sợ các con cảm thấy có lỗi, ông sợ gia đình xào xáo nên câm lặng cho qua, chỉ đến khi cô con gái gặng hỏi, ông mới thú nhận trong nước mắt. Đời một người đàn ông từng đối đầu với sóng to gió lớn, làm chỗ dựa cho cả gia đình, vậy mà nay về già phải học cách im lặng, cam chịu.
Còn người phụ nữ làm lao công cũng thật quá hai mặt. Rõ ràng bà ta biết cụ ông già cả, cần người chăm sóc. Lúc ở vị trí giúp việc thì ngoan hiền thân thiện vậy mà khi lên làm “chính thất” lại biến thành kẻ xấu, ăn chặn tiền lương hưu của chồng. Bà sống như vậy sớm hay muộn cũng gặp chuyện nhân quả.
Sau cùng, vấn là câu chuyện muôn thuở của con cái khi “báo hiếu” mẹ cha. Tôi nghĩ đừng cố đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ cho người khác kẻo có ngày ân hận. Bởi ai cũng sẽ già, hôm nay chúng ta đối xử với các cụ như thế nào thì tương lai con cháu cũng sẽ đối xử với chúng ta như thế.
Chúng ta có rất nhiều lý do để từ chối nuôi dưỡng cha mẹ, ví dụ như ở với nhau khắc khẩu, không hợp tính, hay công việc bận rộn chẳng thể về thăm. Nhưng tất cả chỉ là “ngụy biện”. Đừng để những vòng xoay cơm áo gạo tiền khiến chúng ta đánh rơi trách nhiệm làm con. Đừng đợi đến khi mẹ cha mất đi mới bắt đầu hối hận, lúc ấy có núi vàng núi bạc thì chúng ta cũng đã “mồ côi” mất rồi.