“Con tìm mẹ cho mẹ đi Thanh!”, sau câu nói của bà Lan, bao nhiêu nghẹn ngào đời người dường như được trút bỏ.
Đó chính là câu chuyện tìm mẹ của 2 chị em song sinh, bà Trần Thị Lan (chị gái, ngụ Tiền Giang) và bà Nguyễn Thị Hồng Lệ (ngụ Đồng Nai, cùng sinh năm 1970) khiến nhiều người cảm thấy nghẹn ngào.
Dường như bao nhiêu thăng trầm, biến thiên trong cuộc đời của 2 chị tóc đã điểm bạc gói gọn lại trong một khát khao sau nửa thế kỷ đằng đẵng: “Tìm lại mẹ”.
“Con tìm mẹ cho mẹ đi Thanh!”
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6.2023, chị Thanh (ngụ Q.7, TP.HCM) có một chuyến công tác ngắn ngày tại Đà Nẵng. Chị gọi facetime cho mẹ ở quê Cái Bè (Tiền Giang), cho mẹ xem hình ảnh thật đẹp của Cầu Rồng, của những khung cảnh đặc trưng ở thành phố xinh đẹp này mà trước đó bà Lan chưa từng đặt chân tới.
Chị Thanh (trái) giúp bà Lan tìm mẹ, cũng là bà ngoại của chị.
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Ngay trong cuộc gọi định mệnh đó, bà Lan đã nói với con gái một câu khiến chị sững người: “Con tìm mẹ cho mẹ đi Thanh!”. Chị có cảm giác đó cũng dễ hiểu bởi từ xưa đến nay, mẹ chị chưa một lần nhắc đến ý định tìm lại mẹ ruột, dù chị cũng nhiều lần ngỏ ý: “Mẹ có muốn tìm lại bà ngoại không?”.
Mẹ mình từng rất hận bà ngoại, hận vì bà đã bỏ rơi mẹ và cả dì từ lúc mới lọt lòng. Mỗi lần mình hỏi, mẹ chỉ khóc, hoặc nói rằng không có lý do gì để tìm lại một người đã nhẫn tâm bỏ mình đi ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Nhưng từ khi ông ngoại nuôi mất, trong mẹ dường như đã có nhiều đổi khác và mẹ mình đã dần trút được nỗi niềm mang theo ngần ấy năm đời người. Bao nhiêu nỗi oán hận hay hờn trách, với mẹ giờ đây không còn quan trọng nữa!
“Mẹ mình từng rất hận bà ngoại, hận vì bà đã bỏ rơi mẹ và cả dì từ lúc mới lọt lòng. Mỗi lần mình hỏi, mẹ chỉ khóc, hoặc nói rằng không có lý do gì để tìm lại một người đã nhẫn tâm bỏ mình đi ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời.
Nhưng từ khi ông ngoại nuôi mất, trong mẹ dường như đã có nhiều đổi khác và mẹ mình đã dần trút được nỗi niềm mang theo ngần ấy năm đời người. Bao nhiêu nỗi oán hận hay hờn trách, với mẹ giờ đây không còn quan trọng nữa”, cô con gái xúc động.
Qua bao truân chuyên, bà Lan được sống trong tình yêu thương của 2 gia đình nuôi ở Tiền Giang và có hạnh phúc gia đình.
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Tâm sự với Thanh Niên, bà Lan cho biết theo lời kể gia đình nuôi của 2 chị em bà cũng như một số giấy tờ từng được lưu giữ (sau này đều đã thất lạc), năm 1970 họ được sinh ra tại một bệnh viện ở Nha Trang, được một bác sĩ tên Luôn (hoặc Luông) đỡ đẻ.
Chị ơi! Hay là mình tìm lại mẹ đi chị!
Bà Nguyễn Thị Hồng Lệ, Em gái bà Lan
Người mẹ khai tên Phan (hoặc Phạm) Thị Đào, sinh năm 1954 quê ở Vĩnh Long. Lúc sinh con, bà mới 16 tuổi. Sau đó, người mẹ đã bỏ 2 con ở bệnh viện rồi biệt tăm luôn từ đó.
Sau đó, bà Lan được chuyển đến chăm sóc tại Cô nhi viện Tin lành Nha Trang. Còn em gái, bà Lệ được một gia đình nhận nuôi và sống trong tình yêu thương của ba mẹ nuôi ở Đồng Nai. 2 chị em cũng cách biệt từ đây.
Cuộc hội ngộ khó tin sau 30 năm
Nếu như bà Lệ có cuộc sống êm đềm với gia đình ở Đồng Nai, thì vài năm sau, bà Lan tiếp tục được chuyển đến một Cô nhi viện ở Mỹ Tho. Từ đây, bà mới được một gia đình ở Cái Bè (Tiền Giang) nhận nuôi.
Ở tuổi 12, bà Lan phụ việc cho xưởng mộc của một gia đình ở cùng huyện. Biết được hoàn cảnh của bé gái tội nghiệp khi đó, gia đình này cũng nhận làm con nuôi. Vậy là từ ngày đó, bé gái tên Lan được sống trong tình yêu thương bao la của 2 gia đình nuôi và có cuộc đời “không còn sóng gió” đến tận bây giờ.
Năm 2000, 2 chị em bà Lệ (trái) và bà Lan trùng phùng cùng nhau.
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Cha mẹ nuôi của bà Lệ từng tâm sự rằng bà từng có một người chị song sinh. Thế nhưng vất vả với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền đã khiến bà quên đi cái suy nghĩ tìm lại người thân ruột thịt. Ngược lại, bà Lan thì chưa hề biết rằng mình có một người thân máu mủ khác trong cuộc đời này, ngoài người mẹ đã sinh ra mình.
“Năm 2000, gia đình tôi ở dọc Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Tiền Giang. Có một người đàn ông lạ gõ cửa nhà tôi hỏi có cần bỏ mối cà phê để bán cho khách thập phương đi qua đoạn này hay không. Tôi từ chối vì không có nhu cầu! Thời đó, có nhiều người từ các tỉnh khác xuống bỏ mối cà phê cho mấy quán dọc đường lắm”, bà trầm ngâm nhớ lại, rồi tiếp tục câu chuyện.
Nếu mà ông trời không cho tụi con gặp má trong kiếp này, tụi con cũng mong má với ba, nếu có một lần nhớ tới tụi con, hãy an lòng. Bây giờ, hai chị em con ai cũng một gia đình riêng hạnh phúc rồi má. Bây giờ, tụi con đã 52 tuổi rồi, có cháu ngoại, cháu nội luôn rồi, xin lỗi má tại tới bây giờ, tụi con mới nói được mấy lời này.
Bà Trần Thị Lan
Người đàn ông: “Ủa chị Lệ? Sao chị ở đây?”
Bà Lan: Lệ nào? Tôi tên Lan!
Người đàn ông: Chị nhìn y chang chị Lệ hàng xóm nhà tôi. Nếu chị không tin, để tôi về lấy hình rồi có gì tôi đưa chị coi!
Sau khi xin số điện thoại bàn từ gia đình, người đàn ông trở lại Đồng Nai kể cho bà Lệ và gia đình nuôi nghe toàn bộ sự việc. Lúc này, bà đã đinh ninh rằng người phụ nữ miền Tây đó rất có thể có cùng huyết thống với mình.
Vậy là bà Lệ và cả cha mẹ nuôi đều cùng nhau khăn gói xuống miền Tây gặp người phụ nữ giống hệt mình. Ngạc nhiên thay, trong khoảnh khắc chạm mặt nhau, nhìn nhau thật lâu, họ bất ngờ khi giống nhau tới mức khó tin. Từ mái tóc xoăn, dáng người, cánh mũi, hàm răng…
Từ ngày đoàn tụ, chị em sinh đôi đều có mặt trong những sự kiện quan trọng của nhau.
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
“Mẹ và dì tôi ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Lúc đó, tôi còn 7 tuổi, quá nhỏ để có thể hiểu hết được những nỗi niềm và nghẹn của dì, của mẹ, nhưng hình ảnh đó đã không bao giờ quên trong tâm trí tôi đến tận bây giờ”, chị Thanh tiếp lời mẹ.
Từ lần hội ngộ đó, 2 chị em song sinh thường xuyên qua lại, thăm hỏi lẫn nhau vào những dịp quan trọng của 2 bên gia đình. Thế nhưng suốt ngần ấy năm, họ vẫn chưa có ý định tìm lại mẹ ruột, cho đến ngày hôm nay.
“Nếu mà ông trời không cho tụi con gặp má trong kiếp này…”
Bà Lan và bà Lệ hiện tại.
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Bà Lan lẫn bà Lệ hiện có cuộc sống gia đình trọn vẹn với con, cháu.
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Bà Lan đã viết riêng một bức tâm thư để tâm sự với mẹ của mình, nếu bà có đọc được bài viết này:
“Thưa má!
Tụi con là Lan và Lệ, là hai đứa con song sinh của má đây. Lá thư này, tụi con muốn bày tỏ chuyện tụi con muốn tìm má. Tại sao hồi trước tụi con không tìm? Tụi con xin trả lời là vì, tới ngày hôm nay, sau 50 năm, tụi con mới có thể tha thứ được cho ba với má vì đã bỏ rơi tụi con lúc mới chào đời.
Nếu mà ông trời không cho tụi con gặp má trong kiếp này, tụi con cũng mong má với ba, nếu có một lần nhớ tới tụi con, hãy an lòng. Bây giờ, hai chị em con ai cũng một gia đình riêng hạnh phúc rồi má.
Bây giờ, tụi con đã 52 tuổi rồi, có cháu ngoại, cháu nội luôn rồi, xin lỗi má tại tới bây giờ, tụi con mới nói được mấy lời này. Cuối thư, kính mong má với ba nhiều sức khoẻ và bình an dù có đang ở đâu đi nữa.
Lan và Lệ kính thư!”
Chị Thanh tự thiết kế và đăng tải câu chuyện tìm mẹ của mình lên mạng xã hội.
GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Những ngày qua, chị Thanh đã quyết lòng giúp cho mẹ tìm lại mẹ ruột, cũng là bà ngoại chị. Chị hy vọng rằng sẽ có một phép màu nào đó xảy ra, để ước nguyện đoàn tụ, sum vầy của gia đình mình sẽ được trọn vẹn.
Hành trình này chị đã bắt đầu và quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc, cho tới khi tìm thấy “mẹ của mẹ mình”, mới thôi!