Cha bỏ rơi ngày còn nhỏ, mẹ tảo tần nuôi Nghĩa lớn khôn trong sự vất vả thiếu thốn. Nay đỗ đại học, Nghĩa chỉ dám mơ mỗi tháng có được thùng mì tôm để bám con chữ.
Lớn khôn bằng lòng yêu thương của mẹ và cả những bao gạo tình thương của nhà hảo tâm nên Nghĩa quyết chí học tập. Từ cậu học trò trung bình khá những năm cấp 2, Nghĩa vươn lên hàng “top” ở trường với thành tích 3 năm học sinh giỏi.
Dù nhà nghèo, vất vả thiếu thốn, nhưng Nghĩa vẫn vươn lên học giỏi (Ảnh: Trung Thi).
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa qua, Võ Trọng Nghĩa (18 tuổi trú thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, Phú Yên) được thông báo trúng tuyển vào Trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học với số điểm 24 (khối A).
Vất vả, thiếu thốn từ bé
Nghĩa sống cùng em gái, mẹ và ông ngoại 85 tuổi trong căn nhà cấp 4 đã cũ. Vắng bóng cha từ ngày còn nhỏ nên Nghĩa lớn lên trong sự thiếu thốn, vất vả.
Những bộ quần áo đẹp, tươm tất, hay những món ngon, vật lạ đối với Nghĩa là một thứ vô cùng xa xỉ. Tuổi thơ của em phải sống trong căn nhà rách nát cũ kỹ, cùng bữa cơm với chút cá kho khô.
Nghĩa sống cùng mẹ, em gái và ông ngoại đã 85 tuổi (Ảnh: Trung Thi).
Nhà nghèo, không có ruộng đất, mẹ của Nghĩa là chị Võ Thị Sen quần quật làm lụng để nuôi các con. Hàng ngày, chị đi lấy cá ở chợ từ sáng sớm, chạy xe máy vài chục kilomet vào thôn, buôn để bán lại kiếm vài đồng có tiền mua gạo, mua mắm cho 4 miệng ăn.
Đang khỏe mạnh, năm 2019, chị Sen ngã ốm “thập tử nhất sinh” vì căn bệnh suy giáp. Nhà đã nghèo nên khi chị Sen ngã bệnh, gia đình chạy vạy khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền để chị uống thuốc.
Thương mẹ thoi thóp trong bệnh viện, Nghĩa khi ấy 15 tuổi đã chạy khắp làng, khắp chợ nhờ giúp đỡ để mẹ có tiền chữa bệnh.
Thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, chị Sen dần hồi phục, hiện tại chị vẫn phải uống thuốc để điều trị. Dù bệnh chưa dứt, chị Sen đã quay lại với công việc của mình để kiếm tiền lo cho các con.
“Hôm cá rẻ thì mình kiếm được 100.000 đồng, còn hôm cá đắt thì kiếm vài chục nghìn đồng. Ngày nắng, đi về đỡ vất vả, ngày mưa, đường đất đỏ trơn trượt rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải cố gắng”, chị Sen tâm sự.
Thấy mẹ vất vả, dãi nắng dầm mưa, Nghĩa phụ mẹ ở nhà chăm ông, bày em gái học tập. Về phần Nghĩa, em đạt học sinh giỏi 3 năm liền và mới đây là đỗ vào Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng.
Thầy Lê Ánh Phát – Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Nghĩa – nhận xét: “Dù gia đình Nghĩa rất khó khăn, nhưng em rất chăm chỉ học tập. Điểm số của Nghĩa trong năm học 12 là đứng đầu lớp, hạnh kiểm tốt. Em Nghĩa là tấm gương vượt khó học giỏi của trường.
Trong năm học vừa qua, lớp cũng chủ động đề xuất nhà trường để Nghĩa nhận các suất quà, học bổng. Nay em ấy đậu đại học Bách khoa Đà Nẵng, tôi mong quý mạnh thường quân sẽ tiếp tục hỗ trợ Nghĩa để có điều kiện theo đuổi ước mơ của mình”, thầy Phát chia sẻ.
Đường đến giảng đường chồng chất khó khăn
Hôm nhận giấy báo nhập học của trường đại học, tâm trạng của Nghĩa rối bời. Khoản học phí hơn 14 triệu đồng không phải là ít đối với gia đình Nghĩa hiện tại. Cậu biết chắc mẹ hết khả năng lo cho mình, vì mỗi tháng mẹ làm ra chẳng bao nhiêu, trong khi đó còn phải lo cho ông ngoại, em gái và tiền thuốc uống hàng ngày để chữa bệnh.
Nghĩa mơ ước có đủ kinh phí để được đến trường (Ảnh: Trung Thi).
“Đêm hôm nhận giấy báo nhập học, Nghĩa không ngủ được mà trằn trọc, sợ không còn được đến trường. Nghĩa tính đến chuyện kiếm việc đi làm, tích lũy tiền bạc, rồi sau này sẽ tìm cách quay lại giảng đường” – mẹ của Nghĩa kể.