Đội tuyển Việt Nam kết thúc 3 trận đấu của mình tại Asian Cup 2023 với 2 thẻ đỏ và 3 lần bị thổi phạt đền. Những pha phạm lỗi khó coi nhất mà đội tuyển thể hiện tại giải châu Á hầu như rất dễ gặp ở V-League.
Có thể những pha phạm lỗi theo kiểu liên tục kéo áo đối thủ của trung vệ Thanh Bình ngay trong khu vực cấm địa của đội nhà, hoặc tình huống “phi thân” với chân lên ngang vùng lưng, gần với phần cổ của cầu thủ Iraq, do Khuất Văn Khang thực hiện, lạ ở sân chơi quốc tế. Nhưng kỳ thực, những pha bóng như thế này xảy ra thường xuyên tại V-League. Đến nỗi, HLV Trần Công Minh phải bình luận: “Thật ra khi trung vệ Thanh Bình kéo áo cầu thủ Indonesia, cậu ta chỉ làm theo thói quen và có ý giữ thăng bằng cho cơ thể, chứ cũng không hề nghĩ rằng cậu ta đang chơi xấu hoặc phạm lỗi. Vấn đề là pha bóng đấy xảy ra ở đâu? Một khi pha bóng như thế xảy ra trong khu cấm địa, cầu thủ cần hạn chế tối đa việc níu kéo đối phương”.
Khuất Văn Khang (nằm) lãnh thẻ đỏ tại Asian Cup 2023
Còn cựu Phó chủ tịch chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cựu Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Vũ Lâm nói thẳng: “Những lỗi mà cầu thủ VN mắc phải tại Asian Cup, theo tôi xứng đáng thẻ đỏ và xứng đáng phạt đền. Những lỗi của Thanh Bình hay Khuất Văn Khang không hiếm ở giải V-League. Thế nhưng, ở V-League, trọng tài nội đầu tiên là không được xem VAR, thứ nhì lại thiếu bản lĩnh, nên không dám xử lý lỗi trong những tình huống đấy. Càng đối diện với những tình huống liên quan đến các đội bóng lớn tại V-League, giới trọng tài nội càng rụt rè trong các quyết định của mình”. Việc cầu thủ Việt Nam phạm lỗi thô thiển gần như trở thành thói quen của một bộ phận cầu thủ trong nước. Khi những cầu thủ này thi đấu ở V-League, các trọng tài không xử lý tốt các tình huống phạm lỗi của họ.
Sau nhiều lần đá thô bạo nhưng không bị xử lý, các cầu thủ nói trên mang luôn những thói xấu của họ lên đội tuyển quốc gia, tham gia các giải quốc tế. Chỉ có điều các giải quốc tế lớn, tầm Asian Cup hoặc vòng loại thứ 3 World Cup trở lên, các trận đấu đều áp dụng công nghệ VAR. Nhất cử nhất động của cầu thủ khi đó đều không thể qua mặt được công nghệ này. Chưa kể, ở sân chơi quốc tế, các trọng tài không quan tâm người phạm lỗi là ai, họ đến từ đội nào. Trọng tài ở Asian Cup và vòng loại World Cup chỉ làm theo luật chứ không hề làm theo thói quen. Cứ trái luật là họ xử lý. Ví dụ khi Thanh Bình kéo cầu thủ Indonesia trong khu cấm địa, trọng tài không ngần ngại chỉ tay vào chấm phạt đền. Khi Khuất Văn Khang đá thô bạo, trọng tài cũng ngay lập tức rút thẻ vàng thứ hai (đồng nghĩa với thẻ đỏ) cho cầu thủ này.
Trước nữa, tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 diễn ra cách nay ít năm, hậu vệ phải Hồ Tấn Tài và trung vệ Đỗ Duy Mạnh cũng khiến đội tuyển VN phải trả giá vì những pha phạm lỗi của họ, vừa không cần thiết vừa không đúng địa điểm (xảy ra trong khu vực cấm địa). Mới hơn nữa, tiền đạo Nguyễn Tiến Linh từng phải nhận thẻ đỏ trong trận giao hữu với đội tuyển Trung Quốc hồi tháng 10.2023. Pha đánh nguội của Tiến Linh nhằm vào cầu thủ đội tuyển Trung Quốc qua mắt được trọng tài, nhưng không qua được công nghệ VAR.
Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) sẽ có kết quả tốt hơn nếu cấu thủ quen với VAR
Đó là những tình huống liên quan lỗi cố tình, lỗi xấu chơi. Còn với những lỗi vô tình, cũng có những thói quen mà cầu thủ Việt Nam hình thành từ V-League, họ có thể qua mặt hay tranh cãi về cách nhận định của trọng tài trong những tình huống dạng này, nhưng không thể chối cãi trước công nghệ VAR. Ví dụ pha phạm lỗi của trung vệ Việt Anh, tình huống đá vào chân đối phương của hậu vệ trái Minh Trọng, trong trận đấu với Iraq tối 24.1. Đây là những pha bóng khiến đội tuyển Việt Nam bị thổi phạt đền, sau khi trọng tài kiểm tra VAR.
Về những tình huống này, ông Dương Vũ Lâm lên tiếng: “Cầu thủ Việt Nam thiếu kinh nghiệm trong các pha bóng tương tự. Đối thủ kinh nghiệm hơn, họ chỉ cần nhanh chân hơn chúng ta một nhịp, chạm vào bóng trước, khiến chân của cầu thủ VN đá vào chân của họ. Mọi việc sau đó đã có VAR phân xử”.
Vì thế, có thể nói chính những thói quen tai hại ở V-League khiến cầu thủ Việt Nam phạm lỗi không đáng tại sân chơi châu lục và phải về nước sớm mà không có được trận hòa nào.
V-League cần áp dụng VAR nhiều hơn để phù hợp với các giải đấu quốc tế
Cầu thủ phải điều chỉnh thói quen chơi bóng
Trao đổi với chúng tôi, bình luận viên Vũ Quang Huy bày tỏ: “Tôi rất mong VAR sẽ phổ cập trong các trận đấu V-League để cầu thủ VN sẽ ứng xử tốt hơn, đỡ mắc lỗi đáng tiếc như vậy. Bóng đá VN đang cố gắng vươn lên vào tốp đầu châu Á, ví von gọi là “mon men chen vào mâm trên”. Là lính nên sẽ phải chấp nhận cách nhìn và quyết định khắt khe hơn từ trọng tài (TT). Hiểu rõ điều đó, mỗi cầu thủ và HLV phải điều chỉnh thói quen chơi bóng phù hợp với VAR mỗi tuần thì đội tuyển VN mới có thể tránh thiệt thòi, thậm chí tiến tới vận dụng VAR một cách thông minh”.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), ông Nguyễn Minh Ngọc nói lên những khó khăn khi VAR chưa phổ biến ở V-League: “FIFA đang trong quá trình 3 năm giám sát vận hành VAR ở VN và luôn yêu cầu phải đào tạo thêm TT, trợ lý TT VAR. Đầu mùa 2023 – 2024, VPF áp dụng VAR trong 4 trận/vòng đấu nhưng FIFA khuyến cáo hạ xuống 2 trận/vòng để đảm bảo vận hành thiết bị và con người. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất FIFA nâng lên 3 trận/vòng đấu nhưng phải chờ FIFA trả lời. Mục tiêu VPF đề ra là sau khi có thêm 2 xe chuyên dụng FIFA tài trợ cho Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) sẽ có thể phủ sóng VAR trong mọi trận đấu V-League. Tuy nhiên lộ trình này vẫn phải được FIFA giám sát nghiêm ngặt, từ bổ nhiệm con người từng trận để FIFA phê duyệt, gửi video báo cáo sau mỗi trận cho họ đánh giá… Mặc dù vậy, tôi khẳng định VAR chỉ là công cụ hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là con người. Ban TT đã đến từng CLB để phổ biến VAR, nên mọi thành viên tham gia giải phải luôn nghiên cứu về luật vì VAR ở V-League hay VAR Asian Cup đều áp dụng giống nhau”.