Vượt qua hoàn cảnh nghèo khó cùng những định kiến, Kim Bảng vẫn quyết định chọn đi du học tại Châu Phi.

Phạm Kim Bảng (19 tuổi, Sóc Trăng) đang là học sinh năm thứ nhất của chương trình UWC – học bổng cấp 3 danh giá nhất thế giới tại 18 trường hàng đầu ở 4 châu lục. Chương trình học bổng UWC – Trường Thế giới liên kết là một tổ chức giáo dục quốc tế được xây dựng với mục tiêu đa dạng hóa giáo dục, kết nối con người, văn hóa và quốc gia. Suất học này trao cho học sinh trong độ tuổi từ 16 đến 19 (cấp 3).

Mức học bổng nam sinh nhận là 56.000 USD/2 năm (tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/2 năm), bao gồm cả phí sinh hoạt, tiền ký túc xá. Hành trình chinh phục học bổng UWC vô cùng cam go và cuộc sống khi ra nước ngoài chẳng hề dễ dàng khiến đôi khi, Bảng cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Nhưng em đã luôn nỗ lực vươn lên học tập thật tốt.

Trong kỳ học vừa qua, Bảng có nhiều môn học đạt điểm số tuyệt đối, được bạn bè ngưỡng mộ, thầy cô quý mến.

Cậu học trò nghèo mang hoài bão lớn, quyết làm nên điều phi thường!

Kim Bảng sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp. Bố mẹ em quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống vô cùng khó khăn. Có lẽ vì thế nên bố mẹ đã đặt em tên là Kim Bảng với niềm mong ước: Mai sau con trai sẽ đỗ bảng vàng, “vinh quy bái tổ”, thăng quan tiến chức để giúp gia đình và quê hương vượt cái nghèo, cái khó.

Nam sinh Sóc Trăng quyết tâm đi du học ở... CHÂU PHI, trúng ngay học bổng  danh giá nhờ chia sẻ về khuyết điểm nói ngọng!

Tuổi thơ Bảng gắn liền với sông nước miền Tây, với những cánh đồng “thẳng cánh cò bay”. Ngay từ nhỏ, Bảng đã chứng kiến cuộc sống lam lũ, thiếu trước hụt sau của gia đình bởi khi bị mất mùa, lúc lại bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, trong em sớm hình thành ước mơ được ra nước ngoài học tập, mang tư duy tân tiến cùng kỹ thuật hiện đại về giúp bà con nông dân phát triển nền nông nghiệp.

Bảng có ý định đi du học ngay từ năm lớp 10 nhưng do điều kiện gia đình không cho phép cùng với việc bản thân chưa trưởng thành nên em quyết định lùi thời gian. Sau khi tốt nghiệp THPT, Bảng đã đến Tanzania – một quốc gia nằm ở châu Phi xa xôi để học lại chương trình cấp 3. Đây là bước ngoặt lớn của cuộc đời em, Bảng vẫn nói vui rằng em đang được sống lại một lần tuổi trẻ.

Nam sinh Sóc Trăng quyết tâm đi du học ở... CHÂU PHI, trúng ngay học bổng danh giá nhờ chia sẻ về khuyết điểm nói ngọng! - Ảnh 1.

Kim Bảng (mặc áo trắng, đứng thứ 2 từ phải sang) cùng bạn học của mình.

Chia sẻ về lý do đi du học cấp 3 thay vì bậc cử nhân đại học, Kim Bảng cho biết: “Trước khi đi du học, em đã tìm hiểu về các chương trình khác nhau của nhiều nước. Em cũng đỗ học bổng tại Đại học Công nghệ Nga (Moscow) và một số quốc gia khác. Nhưng cuối cùng em chọn Tanzania bởi chi phí học tập, sinh hoạt thấp hơn nhiều mà em vẫn được học chương trình chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Còn nếu học ở châu Mỹ, châu Âu dù đạt học bổng toàn phần nhưng em sẽ rơi vào khó khăn nếu chẳng may phát sinh chi phí.

Hơn nữa, chương trình UWC rất có giá trị, liên kết với nhiều ngôi trường hàng đầu thế giới như: ĐH Harvard, ĐH Cambridge, ĐH Minerva,… Chỉ cần em đạt thành tích tốt trong 2 năm học, bộ hồ sơ của em sẽ trở nên cạnh tranh hơn hẳn so với mặt bằng chung nhờ sự hỗ trợ của nhà trường và chương trình giáo dục IB. Như vậy, cơ hội học tập của em sẽ rộng mở. Ngoài ra, một vị tỷ phú đã tài trợ cho mỗi học sinh của chương trình UWC hơn 20.000 USD/năm tại Hoa Kỳ. Số tiền này sẽ được cộng vào học bổng sau khi lên đại học. Vậy nên em mới có quyết định học lại cấp 3, em nghĩ mình đang đi chậm nhưng chắc”.

Nam sinh Sóc Trăng quyết tâm đi du học ở... CHÂU PHI, trúng ngay học bổng  danh giá nhờ chia sẻ về khuyết điểm nói ngọng!

Trước quyết định của Bảng, trong thời gian đầu, bố mẹ em không hoàn toàn ủng hộ. Bố mẹ lo sợ em sẽ khó xin việc làm sau khi về nước. Hơn nữa, họ cũng lo ngại trong 2 năm học tập sẽ phát sinh nhiều khoản, khó có thể chi trả. Chỉ đến khi Bảng chia sẻ, em mất tiền vé máy bay, tiền bảo hiểm,… tổng cộng khoảng 100 triệu/2 năm, bố mẹ em mới yên tâm phần nào. Chi phí này chỉ tương đương với một sinh viên học đại học tại TP.HCM.

“Sau một thời gian thuyết phục, bố mẹ em mới ủng hộ hoàn toàn. Bố mẹ còn trêu đùa em rằng: ‘Cứ đi học, nhà mình có tiền mà!’ khiến em nghẹn ngào. Bố mẹ em không được ăn học đến nơi đến chốn và họ đang dành những điều tuyệt vời nhất cho em. May mắn là em còn có một khoản tiền tiết kiệm được từ những cuộc thi nên đỡ cho gia đình phần nào”, Bảng xúc động nói.