Không sở hữu kết quả thành tích xuất sắc, bản thân lại rơi vào bạo bệnh nhưng Thái Hoàng vẫn vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ của mình.
Nguyễn Thái Hoàng (SN 2005), học sinh lớp 12 chuyên Tin trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội vừa đỗ vào trường Gettysburg College với học bổng có giá trị lên đến 263.000 USD (khoảng 6,2 tỷ đồng/4 năm học). Nam sinh dự định theo đuổi một trong những chuyên ngành Khoa học máy tính, Văn hóa Nhật và Hội họa.
Ngoài ra, Hoàng còn xuất sắc trúng tuyển thêm 7 trường đại học khác gồm: Depauw University, Wabash College, Gustavus Adolphus College, Allegheny College, Augustana College, Luther College, Ohio Wesleyan University. Điều đặc biệt là Hoàng không có điểm SAT và IELTS cao như bao bạn khác. Em chỉ khiêm tốn đạt IELTS 7.0 và SAT 1390. Hoàng cho rằng, bài luận là yếu tố quan trọng giúp em chinh phục được suất học bổng “siêu to, siêu khổng lồ”.
Nguyễn Thái Hoàng vừa nhận suất học bổng có giá trị lên đến 263.000 USD (khoảng 6,2 tỷ đồng/4 năm học).
Từng có thời gian rơi vào nỗi tuyệt vọng vì bệnh tật
Thái Hoàng chia sẻ, từ nhỏ em đã là người đam mê thể thao. Em tham gia rất nhiều bộ môn và đạt được một số thành tựu nhất định như: Thi đấu tại giải Thailand Open Karatedo Championship 2022, huy chương Đồng Team Kumite Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô 2022, nhiều huy chương cùng giải thưởng tại cuộc thi Vietnhatclub Open Karate Champion từ 2015— 2022, huy chương Đồng giải bóng rổ ASA Superkid 2020, đồng hạng Ba giải bóng đá dành cho học sinh lớp 10 CSP Greeting Cup, đội phó CLB Bóng rổ CSP Basket.
Thế nhưng, căn bệnh cường tuyến giáp ập đến vào năm lớp 8 ảnh hưởng lớn đến việc học tập và cuộc sống của em. Mỗi sáng, Hoàng phải vào viện điều trị, đến 9h em mới đến trường học tập như bao bạn khác. Đến năm lớp 10, sức khỏe của em mới ổn định, chỉ cần tái khám, mà không cần thường xuyên nằm viện nữa.
Từ một người yêu thích rèn luyện thể thao, Hoàng từng rất buồn khi bác sĩ yêu cầu em phải ngừng tất cả các hoạt động mạnh trong khoảng hơn 1 năm. Bởi việc hoạt động mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong khoảng thời gian bệnh nghiêm trọng, tay của Hoàng thường bị run, không kiểm soát được. Em cũng thay đổi tâm trạng thất thường, cảm xúc bất ổn.
Sau khi mắc bệnh cường tuyến giáp, Hoàng không được hoạt động mạnh trong khoảng hơn 1 năm.
Hoàng chia sẻ: “Trong thời gian dài nằm viện điều trị, em cảm thấy mình vô dụng và luôn đặt câu hỏi: Tại sao mình lại kém may mắn như vậy?”. Hoàng sống trong sự lạc lõng, tự ti, mặc cảm với bản thân. Vào những giờ thể dục, em chỉ có thể ngồi một góc để ngắm nhìn các bạn nô đùa, chạy nhảy khiến em khát khao mãnh liệt được quay trở về cuộc sống bình thường như trước kia.
Vào thời điểm ấy, chính mơ ước được đi du học đã giúp Hoàng vực lại tinh thần. Hoàng nhận ra rằng, nếu cứ mãi buồn rầu, nhụt chí thì bệnh tình sẽ không thuyên giảm, khiến em mất đi cơ hội được học tập ở nước ngoài. Vì thế, em cố gắng giữ tinh thần lạc quan, tìm lại niềm yêu thích của bản thân. Và chính việc gấp giấy origami đã giúp Hoàng thấy cuộc sống tươi đẹp, có ý nghĩa hơn.
Bài luận về gấp giấy origami là yếu tố quyết định thành công
Thái Hoàng cho rằng, nhờ bài luận viết về sở thích gấp giấy origami đã giúp em có được xuất học bổng giá trị. Nam sinh từng nhờ thầy cô tại Trung tâm American Study góp ý giúp bài luận của em được hoàn chỉnh hơn.
Mở đầu bài luận, Hoàng hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ tươi đẹp: “Tuyệt đẹp là lời khen mà cô giáo người Nhật dành cho em khi thấy em gấp thành công một chú cá voi giấy. Khi ấy, em mới 4 tuổi nên chưa hiểu hết về những lời cô giáo nhận xét nhưng em vẫn cảm nhận được đó là một lời khen ấm áp. Và lời khen đó trở thành nguồn khích lệ để em theo đuổi sở thích lâu dài là origami – nghệ thuật gấp giấy”.
Khi gấp giấy, Hoàng dường như thoát khỏi thế giới thực tại để bước vào một thế giới ngập tràn sắc màu. Những vấn đề khó khăn dần biến mất, em chỉ cảm thấy niềm vui và sự hạnh phúc đến tột cùng. Hoàng bắt đầu gắn bó với origami và hình ảnh của em trong mắt bạn bè cũng gắn với môn nghệ thuật thú vị này.
Thế nhưng khi bước vào độ tuổi dậy thì, Hoàng mắc bệnh cường tuyến giáp, em phải nhập viện điều trị trong khoảng thời gian dài. Vì thế, em tạm phải rời xa sở thích cá nhân. Ngày qua ngày trong căn phòng bệnh sặc mùi thuốc, Hoàng cảm thấy bi quan, tù túng, mất niềm tin vào cuộc sống. Những bệnh nhân cùng phòng của em cũng có tâm trạng như vậy. Họ chỉ có chiếc điện thoại để giải trí, chẳng muốn trò chuyện với ai.
Một số sản phẩm mà Hoàng đã gấp từ giấy.
Không thể kéo dài bầu không khí ngột ngạt như vậy, Hoàng quyết định nhờ mẹ mang giấy origami vào để gấp trong phòng bệnh. Em còn mời những bệnh nhân cùng phòng tham gia. Nhờ origami, em cảm thấy tâm trạng khá hơn rất nhiều. Em không còn tuyệt vọng, chán chường nữa mà dần lấy lại được sự lạc quan. Những bệnh nhân cùng phòng cũng cảm thấy thích thú, căn phòng rộn rã tiếng cười.
Nam sinh Hà Nội hạnh phúc chia sẻ: “Em nhận ra sở thích đơn giản của bản thân có thể mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh. Từ đó, em đặt ra mục tiêu cho bản thân hướng tới, đó là dùng origami đem lại nụ cười cho mọi người. Ngay cả những điều tưởng chừng như nhỏ bé, bình thường cũng có thể tạo nên ảnh hưởng phi thường đến người khác”.
Sau khi ra viện, Hoàng quyết định thành lập “Kami Art” – dự án dạy trẻ em gấp giấy. Bên cạnh đó, Hoàng còn cùng các cộng sự của mình đã đến một trường Tiểu học thuộc huyện miền núi tại tỉnh Phú Thọ để chia sẻ bộ môn gấp giấy với các em nhỏ. Chính tại đây, Hoàng đã tìm được cảm hứng viết nên bài luận của mình khi thấy nụ cười của một em nhỏ cầm con hạc giấy mà Hoàng hướng dẫn gấp.
Dự án lấy cảm hứng từ câu chuyện 1000 con hạc. Người Nhật xem chim hạc là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý. Họ tin rằng nếu ai đó xếp được đủ 1000 con hạc giấy thì một điều ước của họ sẽ được thực hiện. Niềm tin này đã phần nào cổ vũ tinh thần, giúp nhiều người vượt qua được khó khăn. Hoàng đã chia sẻ những điều ý nghĩa đến các em nhỏ, mang đến cho các em niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Hoàng đang hướng dẫn các em nhỏ gấp hạc giấy.
Không chỉ vậy, qua dự án “Kami Art”, Hoàng còn gây quỹ hỗ trợ các em nhỏ ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh nhằm giúp các em giữ vững tinh thần để chiến đấu với bệnh tật. Nhìn lại hành trình về lan tỏa origami, Hoàng tự hào nói rằng em đã tạo ra được ảnh hưởng và cảm thấy rất hạnh phúc khi sở thích hồi nhỏ đã mang đến niềm vui cho mọi người.
“Cuộc đời có 2 quy luật: 1 là không bao giờ được bỏ cuộc, điều thứ 2 là hãy nhớ lại điều 1” là câu nói truyền cho Hoàng động lực thực hiện ước mơ. Dù trên chặng đường chinh phục học thuật, em gặp không ít khó khăn nhưng chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Hiện tại, sức khỏe của em đã ổn định hơn, không còn ảnh hưởng đến việc đi du học trong thời gian tới.
News
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2024 CHÍNH THỨC
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: – Ngày 26/6/2024: làm thủ tục…
Toàn bộ bảng lương chi tiết nhất của giáo viên từ 1/7/2024: Mức lương cao nhất của thầy cô cụ thể là bao nhiêu?
Toàn bộ bảng lương mới từ 01/7/2024 của giáo viên sẽ thay đổi. Vậy mức lương thấp nhất, cao nhất ra sao? Tham khảo ngay toàn bộ…
Nam sinh chuyên Văn nhưng chọn Sư phạm Toán: Từng nghĩ sẽ bỏ cuộc rồi thành Á khoa, đưa lời khuyên “vàng” về chọn ngành
Xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chu Văn An nhưng lại tốt nghiệp Á khoa ngành Sư phạm Toán (dạy bằng Tiếng Anh),…
Từ 1/7/2024: Hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng?
Dư luận đang lan truyền thông tin hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 khiến các…
2 bảng lương mới của giáo viên từ 1/7/2024: Các khoản phụ cấp chiếm 30%
Khi cải cách tiền lương thì 02 bảng lương mới của giáo viên là viên chức sẽ thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương so…
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Thêm 2 khoản phụ cấp mới, lương cụ thể là bao nhiêu?
Hai khoản phụ cấp mới trong lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách không chỉ giúp tạo ra một hệ thống phụ cấp linh hoạt và…
End of content
No more pages to load