Vương Việt Thành (ở Bắc Kinh, Trung Quốc) vừa học vừa khởi nghiệp ‘nuôi’ ước mơ vào ĐH Stanford. Ở tuổi 20, nam sinh kiếm được 6,5 tỷ đồng nhờ vào việc dạy thêm tiếng Anh.

Đạt IELTS 7.5 và TOEFL 120/120 điểm khi còn là học sinh cấp 2

Vương Việt Thành (tên tiếng Anh là Lenny), 20 tuổi, xuất thân trong một gia đình không khá giả. Từ nhỏ, nam sinh sống cùng ông bà ngoại vì bố mẹ đi làm xa.


Lenny (bên trái) và ông bà. Ảnh: Sohu.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lớp 9, Lenny bắt đầu đi làm thêm để có tiền sinh hoạt phí. Thời gian rảnh, Lenny làm nhiều công việc từ dạy thêm, phát tờ rơi, bưng bê và phục vụ ở quán ăn. Tan học, nam sinh làm thêm đến khuya.

“Mọi cơ hội đều do bản thân tự tạo, những khó khăn thử thách trong tương lai không khiến tôi chùn bước”, Lenny cho biết. Lấy đây là quan điểm sống cá nhân, nam sinh luôn nỗ lực và cố gắng không ngừng.

Ý thức được gia cảnh khó khăn, Lenny luôn chịu trách nhiệm cho cuộc sống bản thân. Nhờ việc chăm chỉ học hành và thích tiếng Anh, học cấp 2 Lenny đã đạt IELTS 7.5. Ngoài ra, nam sinh cũng đạt điểm tuyệt đối 120/120 trong bài kiểm tra trình độ tiếng Anh 4 kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế – TOEFL.

Lúc này, nam sinh nghĩ đến việc dạy thêm tiếng Anh. Nhờ đó mà nguồn thu nhập của Lenny ổn định hơn. Ban đầu khi chưa có phòng học, Lenny ra quán cà phê dạy.

Đối tượng Lenny dạy chủ yếu là bạn cùng lớp, học sinh cuối cấp, sinh viên ĐH, thậm chí cả những người đi làm. Thời gian đầu, Lenny chưa lấy được lòng tin của phụ huynh.

“Với tôi khả năng không chỉ giới hạn ở kinh nghiệm, tuổi tác, mà là sự thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp, thái độ cống hiến chân thành”, Lenny nói. Chính vì điều này, nam sinh dần lấy được lòng tin của nhiều phụ huynh. Từ năm 2019-2022, anh dạy được khoảng 1.000 học viên.

20 tuổi kiếm được 6,5 tỷ đồng

Chia sẻ về việc đứng lớp ở độ tuổi còn trẻ, Lenny cho biết cảm thấy lo lắng. “Mỗi buổi lên lớp tôi phải chuẩn bị giáo án trước 1 tuần”. Thậm chí, nam sinh phải học thuộc lòng 3 từ ‘chào buổi sáng’ để làm quen với các học viên.

Anh chia sẻ cách giảng dạy khác so với nhiều giáo viên. “Một số giáo viên thỉnh thoảng sẽ gặp từ không biết, nhưng tôi không cho phép bản thân như vậy. Tôi luôn cố gắng hoàn hảo trước mặt học viên. Điều này đã giúp tôi lấy được sự tin tưởng của phụ huynh và học viên”.

Khoảng thời gian đó, Lenny đi học từ 5h đến 16h. Tan học, nam sinh tiếp tục dạy thêm tiếng Anh đến 22h. Về nhà, anh hoàn thiện bài tập đến 2-3h sáng mới ngủ.

“Nghĩ lại tôi mới thấy 3 năm đó khá vất vả, mọi thứ đều mù mịt, cánh cổng tương lai của tôi trống rỗng. Nhiều lúc tôi muốn gục ngã vì mệt mỏi”, Lenny cho biết.

Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, Lenny ngày càng có nhiều học viên và nhận được các phản hồi tích cực. Nam sinh tăng học phí từ 50 NDT/giờ (khoảng 164 nghìn đồng) lên 150 NDT/giờ (khoảng 493 nghìn đồng).

Số tiền Lenny kiếm được từ việc dạy tiếng Anh và làm thêm khoảng 90.000 NDT (khoảng 296 triệu đồng). Thế nhưng, số tiền này chưa đủ để nam sinh thực hiện ước mơ vào ĐH Stanford.

Do đó, để mở rộng hoạt động kinh doanh, Lenny quyết định dạy học trực tuyến. Nam sinh thuê phòng ở trung tâm thương mại Từ Gia Hối (Thượng Hải, Trung Quốc) với giá 30.000 NDT (khoảng 98 triệu đồng) làm nơi dạy học. Việc mở rộng lớp học trực tuyến giúp cho thu nhập của Lenny tăng lên trong thời gian dịch Covid-19.

Lenny kiếm được thêm 300.000 NDT (khoảng 987 triệu đồng) qua việc dạy trực tuyến ở văn phòng. Sau 3 năm nỗ lực, ở tuổi 20, Lenny tích góp đủ 2 triệu NDT (khoảng 6,5 tỷ đồng) để đi du học.

Đỗ ĐH top 3 – Stanford

Giữa năm 2022, Lenny nhận được lời mời nhập học từ ĐH Stanford, Trường Điện ảnh USC, ĐH Tây Bắc Qatar, UC Berkeley… Trong số đó, ĐH Northwestern và ĐH Nam California trao cho nam sinh suất học bổng giá trị lớn.

Tuy nhiên, Lenny đã chọn dừng chân tại ĐH Stanford – ngôi trường mơ ước. Tháng 9/2022, Lenny trở thành sinh viên năm nhất ĐH Stanford. Sau khi vào trường, Lenny cho biết choáng ngợp khi phải thích nghi với cường độ học tập, lối sống và tính cách của mọi người.
Lenny và các bạn cùng lớp tại ĐH Stanford. Ảnh: Sohu.
“Tôi cảm thấy thiếu tự tin vì sinh viên của trường đều có thành tích xuất sắc, thế mạnh và tài năng riêng biệt. Có người giành được giải thưởng tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple, có bạn vừa lọt vào danh sách tạp chí Forbes bình chọn”, nam sinh kể.

“Tôi bị sốc khi các bạn sinh viên đều toàn diện mọi mặt, ai cũng học tập chăm chỉ. Hầu hết họ đều giỏi hơn tôi, có lẽ tôi là người kém nhất ở Stanford”, Lenny trải lòng. Nam sinh cho biết, không áp lực việc phải đạt điểm A, nhưng mỗi ngày đều dành 5-6 tiếng làm bài trên lớp và ôn tập kiến thức đã học.

Luôn mặc cảm vì bản thân nhưng Lenny vẫn thấy may mắn vì kết giao được với nhiều bạn bè khắp nơi trên thế giới. Các bạn trong lớp thường xuyên đến bắt chuyện và rủ Lenny tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Với những thành tựu đạt được ở tuổi 20, trong các buổi trò chuyện, bạn bè thường nói với Lenny: “Bạn rất giỏi. Tôi nghĩ bạn đã phải nỗ lực rất nhiều để vào được ĐH Stanford. Cuối cùng bạn đã làm được rồi”.

Những lời này của bạn bè là nguồn động viên tinh thần to lớn khích lệ Lenny. Mọi sự nỗ lực của nam sinh giờ đây đều được mọi người công nhận.

“Những người bình thường đều có chỗ đứng. Do đó, chúng ta không nên từ bỏ, người khác làm được thì mình cũng làm được. Khi chúng ta bị dồn vào đường cùng, chắc chắn sẽ biết cách tìm ra lối thoát”, Lenny chia sẻ.

Chia sẻ về kế hoạch, Lenny dự định sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Trung Quốc lập nghiệp và tiếp tục theo đuổi con đường diễn xuất và đạo diễn. Nam sinh mong muốn tương lai sẽ gây quỹ từ thiện để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.