Vốn sinh trưởng trong nhà giàu, vì biến cố gia đình bà Tuyết phải rời đi, tay trắng. Giờ đây một thân một mình, “nghèo rớt mồng tơi” nhưng bà Tuyết vẫn vui vẻ chăm sóc đàn chó, mèo hoang.
Không gia đình, coi chó mèo là người thân
“Con vàng này mới đẻ 3 đứa con, hôm bữa tưởng đâu nó bị người ta bắt mất, làm buồn gần chết. May là chạy thoát được quay về, không thì 3 con mèo nhỏ không biết lấy sữa đâu mà bú”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (60 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) chỉ về phía con mèo vàng nổi bật, trong số đàn chó mèo mình đang cưu mang.
Đàn chó quấn quýt bên cạnh bà Tuyết mãi không rời (Ảnh: Nguyễn Vy).
Tại đây, có con chó đã được bà nuôi gần 10 năm. “Thời gian đầu người đầy ghẻ ai cũng chê cười. Tôi càng thấy thương nên chăm sóc kỹ, tới nay khỏe mạnh rồi đó!”, bà Tuyết cười, nói.
Trong căn nhà chật chội, bà chất đầy đồ đạc, chỉ chừa duy nhất lối đi để vừa chiếc ghế dài ngả lưng mỗi đêm. Ở đây, bà Tuyết nuôi hết thảy 6 con chó và 7 con mèo. Đôi chân trần đạp xe loanh quanh khắp nẻo đường, bà nhặt từng mảnh ve chai đem bán, mua thức ăn cho chúng.
“Tôi ăn gì thì chúng nó ăn nấy, có tốn bao nhiêu tiền đâu”, bà Tuyết cười mãn nguyện, vuốt ve đàn chó vây quanh mình.
Suốt 26 năm qua, bà Tuyết một mình cưu mang hết đàn chó này đến đàn mèo khác. Người đàn bà “gàn dở” cũng không lý giải được thứ tình cảm khó tả dành cho chúng.
Căn nhà nhỏ nằm trong hẻm sâu, nơi bà Tuyết cưu mang những con chó mèo có số phận lẻ loi giống bản thân (Ảnh: Nguyễn Vy).
Mỗi sáng, bà Tuyết dậy lúc 7h để dọn dẹp nhà cửa, tắm cho đàn chó rồi cọc cạch đạp xe đi nhặt ve chai. Đàn chó thấy vậy, chạy theo bà Tuyết tới đầu ngõ. Khi thấy bà mắng, chúng mới lủi thủi quay về nhà.
Cứ khoảng 3 ngày, bà Tuyết bán được mớ ve chai, thu về hơn 100.000 đồng. Số tiền này bà dành dụm, không dám sắm sửa vì sợ thiếu hụt từng bữa ăn.
“Chó nhà nghèo nhưng con nào con nấy mập mạp, khỏe lắm. Thỉnh thoảng có con bị tiêu chảy, ghẻ, tôi cũng phải đem đi chữa cho khỏe mới yên tâm. Số phận chúng cũng lẻ loi như tôi nên tôi nghĩ cưu mang chúng là điều đúng đắn”, bà Tuyết bộc bạch.
Căn nhà chật hẹp chỉ để vừa ghế dài cho bà Tuyết ngả lưng mỗi đêm (Ảnh: Nguyễn Vy).
Nhà bà Tuyết nằm trong hẻm sâu, vắng người qua lại, vì vậy mỗi đêm bà chỉ dám đóng cửa nhốt đàn chó mèo trong nhà vì sợ bị bắt mất. Có không ít lần, trộm chó cầm hung khí đứng trước cửa, khiến bà và hàng xóm hốt hoảng không dám lớn tiếng.
“Tôi coi chúng như con cháu trong nhà nên đứa nào bị bắt mất, tôi buồn lắm. Tôi đi đâu chúng cũng đi theo, tối tôi mở tivi ngồi xem, chúng cũng tụ lại như con nít vậy. Vậy nên tôi cũng không cần chồng con gì cho vướng bận, bao nhiêu là đủ rồi”, bà Tuyết trải lòng.
Biến cố gia đình
Bà Tuyết là con cả trong gia đình có 7 người con. Trước đây, bố mẹ bà Tuyết làm nghề chăn nuôi heo, gia đình làm ăn khấm khá, đủ nuôi 9 miệng ăn trong nhà.
Học đến năm lớp 8, bà Tuyết xin mẹ nghỉ học để đi làm. Thoạt đầu, bà làm công nhân vệ sinh, quét rác đường phố rồi làm thợ hồ. Thời điểm đó, bà nhận mức lương ít ỏi nhưng công việc vô cùng nặng nhọc. Vậy nên bà Tuyết đã viết đơn xin nghỉ sau nhiều năm đi làm thuê.
Hàng ngày, bà Tuyết đi nhặt ve chai để kiếm sống (Ảnh: Nguyễn Vy).
Thời đó, gia đình bà Tuyết có tận 3 cái nhà trên địa bàn quận 12. Thế nhưng, do biến cố, bố bà phải bán nhà trả nợ. Số tiền còn dư, ông chia cho mỗi người con 3,5 cây vàng.
Năm 1997, bà Tuyết dùng số tiền đó xây một căn nhà nhỏ trong con hẻm đường Vườn Lài (quận 12) và ở cho đến nay. Vừa về nhà mới, bà đã bắt gặp cảnh chó mèo bị bỏ trong thùng rác. Thấy vậy, bà đem về nuôi, từ một con, bà Tuyết càng đem về thêm nhiều “thành viên” khác.
Chiếc xe đạp được cho, bà Tuyết cẩn thận dựng trước cửa nhà. Lần trước, bà từng bị trộm mất một chiếc nên rất quý chiếc xe hiện tại (Ảnh: Nguyễn Vy).
Vài năm trước, bố bà Tuyết qua đời, hiện tại mẹ bà đang sống với các em. Ai nấy cũng đều làm thuê, cuộc sống khó khăn nên thỉnh thoảng cũng chỉ hỗ trợ bà một phần. Sống một mình suốt 26 năm, bà Tuyết cho hay bản thân chưa ngày nào thấy buồn.
“Có nhiều người đến xem mắt nhưng tôi không chịu. Thậm chí họ còn hẹn đến nhà hỏi cưới, nhưng tôi đi lối sau để trốn. Chắc có lẽ số phận như vậy rồi, tôi chọn sống một mình để không phiền đến ai”, bà Tuyết cười, nói.
Dù cuộc sống khá vất vả, bà Tuyết vẫn luôn lạc quan, vui vẻ (Ảnh: Nguyễn Vy).
Trước đây, bà Tuyết được địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng để nâng nền nhà. Mỗi tháng, bà cũng nhận 50.000 đồng hỗ trợ tiền điện.
Nói dứt lời, chú chó nhảy cẫng lên người bà Tuyết khiến bà bật cười. Vội lấy cơm cho chúng ăn, bà Tuyết cũng ăn trưa rồi tiếp tục hành trình đi nhặt ve chai. Cuộc sống yên bình cùng đàn chó mèo, bà Tuyết chỉ ước mơ cơm ngày 2 bữa, có sức khỏe để chăm lo cho chúng là đủ.