Chuẩn bị những hành trang trước khi trở thành cha mẹ là điều vô cùng cần thiết trong xã hội hiện tại.
Trở thành cha mẹ có lẽ là điều thiêng liêng và tuyệt vời nhất trên đời của bất kỳ người nào. Các cụ ngày xưa thường có câu ‘trời sinh voi, trời sinh cỏ’, tuy nhiên trong xã hội hiện tại thì lại càng phải chú trọng hơn bởi việc tạo tâm thế sẵn sàng hay cho con một môi trường thật tốt để phát triển lại là điều quan trọng hơn tất thảy. Trước khi có con, mỗi gia đình cần cân nhắc và tự trả lời những câu hỏi sau.
1. Thu nhập và chỗ ở của bạn đã ổn định chưa?
Chỗ ở và thu nhập ổn định là điều kiện tiên quyết dành cho các cặp đôi khi quyết định sinh con. Nếu bạn đang có khuynh hướng tranh cãi nhiều với bạn đời về vấn đề “cơm áo gạo tiền” thì chuyện có con nên tạm gác lại sau. Lý do đầu tiên lúc đó gánh nặng về tài chính của hai bạn sẽ còn áp lực hơn gấp nhiều lần khi cần phải chu toàn thêm cho một sinh linh bé bỏng. Nếu không có tiếng nói chung trong việc quản lý tài chính, hai bạn sẽ khó tránh khỏi bi kịch lời ra tiếng vào, gây rạn nứt tình cảm gia đình.
2. Chi phí sinh hoạt trong thời gian nghỉ đẻ?
Bạn cần phải ghi nhớ những khoản tiền cố định cần phải chuẩn bị cho việc sinh con như: chi phí khám thai, đồ dùng sinh hoạt cho bé, đồ dùng sinh hoạt cho mẹ bầu, chi phí sinh nở, người giúp việc,… cùng nhiều khoản phát sinh không tên khác. Bên cạnh chi phí sinh con, cả hai bạn cần quan tâm đến chi phí sinh hoạt gia đình trong giai đoạn nghỉ sinh. Hầu hết các công ty không có chính sách trả lương trong thời gian nghỉ thai sản của nhân viên và khoản tiền này sẽ được trợ cấp từ nguồn bảo hiểm xã hội của nhà nước. Bạn sẽ nhận được khoản tiền này khi hoàn tất các thủ tục sau sinh con. Trong trường hợp gặp khó khăn hay thắc mắc cần giải đáp, hãy tìm sự trợ giúp từ những người đi trước. Không gì hữu ích hơn việc tham khảo kinh nghiệm của những cặp đôi vừa có em bé về các chi phí và thủ tục tài chính.
3. Quỹ riêng cho con cái
Khi thiên nhần nhỏ ra đời, trong ít nhất 18 năm sau đó, chi phí sinh hoạt và học vấn cho con đều nằm trên đôi vai của bố mẹ. Vì vậy, vun đắp quỹ tiền học cho con là mục tiêu tài chính dài hạn mà hai bạn cần tích lũy đều đặn bên cạnh những mục tiêu dài hạn khác.
Những chi phí học vấn cho con mà bạn cần phải lưu ý bao gồm: học phí chính quy, học phí cho các môn tăng cường, học phí cho các môn năng khiếu và phát triển kỹ năng mềm, chi phí cho con dã ngoại và các hoạt động ngoại khoá, chi phí sinh sống trường hợp cho con đi du học nước ngoài… Ngoài ra, hãy lưu ý đến tác động của kinh tế đến giá trị đồng tiền và lường trước việc trượt giá khi hoạch định ngân sách học vấn cho con. Việc dự trù các chi phí cho quỹ giáo dục của con trong từng giai đoạn cần được cân đối cùng ngân sách của gia đình – điều này sẽ giúp bạn ổn định nguồn tài chính để chi trả cho lộ trình học vấn của con.
4. Tiền phòng thân khi rủi ro ập đến
Cuối cùng, việc hoạch định tài chính cho gia đình không thể thiếu quản lý rủi ro. Các thiên nhần nhỏ sẽ cần sự trợ giúp từ bạn cho đến khi trưởng thành, thế nên việc dự phòng khoản trợ cấp tài chính cho các rủi ro không mong muốn (tai nạn, tử vong,…) sẽ đảm bảo cho gia đình và con cái bạn tiếp tục cuộc sống. Nguồn tiền rủi ro này có thể đến từ phúc lợi của công ty, BHXH của Nhà nước, tiền thăm hỏi của người thân và bạn bè… Nhưng sẽ không đủ để gia đình bạn sống một cuộc sống không gánh nặng tài chính nếu chỉ dựa vào những khoản tiền này. Việc trang bị các khoản bảo hiểm nhân thọ bổ sung là hoàn toàn cần thiết.