Cô giáo từng khuyên gia đình cân nhắc để Bảo Lâm thi vào lớp chuyên xã hội, thay vì vào lớp chuyên Toán, Lý, Anh vì nghĩ em không đủ sức.
Nhưng Nguyễn Bảo Lâm, 23 tuổi, ở Hà Nội đã chứng minh nhận định của cô giáo là không đúng. Ngày 7/9 vừa qua, Lâm là một trong bốn thủ khoa kép được UBND thành phố Hà Nội vinh danh. “Nhiều khi nghĩ lại, chính mình cũng thấy khó tin về hành trình trở thành thủ khoa của bản thân”, Lâm chia sẻ.
Bảo Lâm nhận bằng khen tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm 2020, ngày 7/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những năm cuối cấp hai, Lâm luôn cảm thấy quá sức với môi trường và cường độ học tập tại trường, kết quả học tập đứng cuối lớp. “Xung quanh mình toàn các bạn giỏi toàn diện, là con cưng của thầy cô. Nhiều lúc mình còn mặc cảm, hay do mình kém cỏi nên ít bạn”, Lâm nhớ lại.
Cô giáo từng gặp mẹ Lâm, khuyên cân nhắc để em thi vào lớp chuyên Sử hoặc Địa, thay vì thi lớp chuyên Toán, Lý, Anh. Tuy nhiên, mẹ giấu Lâm, để em yên tâm cố hết sức ôn luyện vào trường THPT yêu thích. Được gia đình động viên, trong kỳ tuyển sinh của trường THPT chuyên Ngoại ngữ và chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Lâm đỗ vào lớp chuyên tiếng Anh của cả hai trường.
Nam sinh tiếp tục dự thi vào lớp 10 THPT công lập, đỗ THPT Thăng Long, trường có điểm chuẩn cao thứ hai tại Hà Nội năm đó. Lâm lựa chọn Thăng Long, không học trường chuyên. Lý giải điều này, cậu bộc bạch: “Mình ngại áp lực học tập tại trường chuyên, thứ đã khiến mình trở nên tự ti ở cấp hai. Mình muốn được phát triển toàn diện, không học lệch và THPT Thăng Long là nơi phù hợp”.
Có đà học từ lúc ôn thi vào THPT, Lâm cố gắng duy trì nhịp độ trong những năm cấp ba. Thời điểm phải chọn trường đại học, nam sinh không mất nhiều thời gian như các bạn bởi là “con nhà nòi” trong lĩnh vực xây dựng. Ông nội Lâm là một trong những tổng công trình sư đầu tiên của Việt Nam, chỉ huy xây dựng cầu Hàm Rồng và cầu Thăng Long, còn bố em là giảng viên môn xây dựng cầu, đường.
Lâm lớn lên trong những câu chuyện của ông về những ngày góp phần tạo nên công trình đồ sộ. Điều khiến Lâm tiếc nuối nhất là khi có thể hiểu được những gì ông nói, được nghe thêm chuyện về sự nghiệp của ông thông qua đồng nghiệp, thì ông đã không còn.
Vì được nuôi dưỡng và khích lệ từ nhỏ, Lâm muốn tiếp nối sự nghiệp của bố và ông, quyết định dự thi Đại học Giao thông Vận tải, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, đạt 25 điểm khối A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) và trở thành thủ khoa đầu vào.
Nguyễn Bảo Lâm. Ảnh: Thanh Hằng
Khi theo học ngành thế mạnh của gia đình, nam sinh nhận được sự giúp đỡ chuyên môn của bố và nhiều đồng nghiệp. Tuy nhiên, Lâm luôn trăn trở làm thế nào để tự khẳng định bản thân, không là cái bóng của bất kỳ ai.
Cuối năm nhất đại học, Lâm mệt mỏi vì đối diện với nhiều áp lực và sự đánh giá khắt khe hơn của mọi người. Nhận ra mình không còn bị bố mẹ kiểm soát nhiều như khi học cấp ba, nam sinh bắt đầu “cúp” học. “Mình tự cho bản thân học vừa thôi, làm và chơi cái khác nữa”, Lâm kể. Hai tháng chểnh mảng, thành tích của Lâm đi xuống, bố mẹ em dần nhận thấy điều bất thường và hỏi lý do.
Sau khi bị gia đình phát hiện và nhiều lần bị giáo viên gọi phát biểu trên lớp nhưng không thể trả lời, Lâm bắt đầu sợ. “Mình lười học có hai tháng thôi nhưng cũng đủ để không hiểu gì khi quay lại. Lúc đó, kỳ thi hết kỳ chỉ còn cách vài tuần”, Lâm nhớ lại. Nam sinh nhờ bạn bè giúp đỡ, sau giờ học lên thư viện, cuối tuần học nhóm tại nhà hoặc quán café.
Với những môn có bài tập, cách học hiệu quả nhất là luyện bài thật nhiều, tranh thủ hỏi giáo viên ngay tại lớp vì các thầy cô rất bận, không thể giải đáp vào buổi tối. Lâm có thế mạnh ghi nhớ khá nhanh nên các môn học thuộc lòng không làm khó được em. Trong vài tuần ngắn ngủi, Lâm quay trở lại “đường đua”, hoàn thành kỳ II năm nhất với điểm 3,97/4.
Bảo Lâm trong chuyến đi Nhật dự hội thảo JSCE’s International Summer Symposium năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cho rằng mình tương đối hướng nội, Lâm không tham gia nhiều cuộc thi, hoạt động trong hơn 4 năm đại học mà tập trung nghiên cứu học thuật, liên tiếp giành hai giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2016-2017 và 2018-2019. Trong đồ án tốt nghiệp, nam sinh lựa chọn đề tài Thiết kế phương án cầu qua mặt cắt sông cho trước, làm hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Dù đã có kiến thức trong thời gian thực tập tại một công ty Nhật và được giáo viên giới thiệu một số tài liệu chuyên ngành, Lâm vẫn gặp khó khăn với 14 bản vẽ trong đồ án. Chàng trai đầu tư một nửa thời hạn để hoàn thành các bản vẽ mặt cắt này sao cho chi tiết và ưng ý nhất. Với sự chuẩn bị công phu, phong thái tự tin khi thuyết trình, Lâm nhận điểm 9,8/10 cho đồ án, kết thúc 4,5 năm đại học với điểm 3,82/4, trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Giao thông Vận tải.
Đạt thành tích cao và duy trì được phong độ học tập trong nhiều năm, Lâm đôi lúc vẫn bị người khác tỏ ý hoài nghi về khả năng. “Mình không thể làm dâu trăm họ và tin những gì đã và sẽ làm được đủ để tự khẳng định và xóa tan hoài nghi của mọi người”, Lâm nói.
TS Nguyễn Văn Hậu, giảng viên môn Cầu hầm, Đại học Giao thông Vận tải, đồng hành cùng Lâm ba kỳ học và cũng là giảng viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học, đồ án tốt nghiệp của nam sinh. Thầy Hậu chia sẻ, Lâm không phải là sinh viên tập trung học ngay từ đầu nhưng có ý thức và thay đổi rất nhiều. Trong lớp, Lâm không sôi nổi, hay tranh luận với giảng viên mà khá trầm, ít nói nhưng một khi phát biểu là chắc chắn, chỉn chu. “Lâm có năng lực nội tại và sức bật lớn, một khi đã quyết tâm làm gì thì sẽ làm được”, thầy Hậu nói.
Hiện Lâm đã trở thành giảng viên môn Vật liệu xây dựng của Đại học Giao thông Vận tải, đang trong quá trình thỉnh giảng và học lên thạc sĩ. Nhìn lại hơn bốn năm đại học, Lâm chia sẻ điều tiếc nuối nhất là đã không coi trọng nhiều môn, nghĩ rằng sau không làm lĩnh vực này nên không để ý. Khi đã đi làm, chàng trai nhìn nhận khác, cho rằng cuộc đời có nhiều ngã rẽ và biết đâu mình sẽ làm việc liên quan đến những môn đã chểnh mảng. “Nếu học tốt ngay từ đầu, mình nghĩ mỗi người sẽ đỡ vất vả hơn khi đi làm”, Lâm nói.
Chia sẻ về dự định lâu dài, Lâm dự định học lên cao hơn tại Nhật Bản, nơi có cơ sở vật chất và trình độ cao trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường sau đó về Việt Nam. “Mình muốn làm công tác giảng dạy để chia sẻ kiến thức học được với sinh viên, đồng thời giúp các em tin tưởng vào khả năng của bản thân. Bởi hơn ai hết, mình hiểu việc được giáo viên tin tưởng, khích lệ sẽ tạo ra động lực lớn như nào với học trò”, Lâm nói.
News
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2024 CHÍNH THỨC
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: – Ngày 26/6/2024: làm thủ tục…
Toàn bộ bảng lương chi tiết nhất của giáo viên từ 1/7/2024: Mức lương cao nhất của thầy cô cụ thể là bao nhiêu?
Toàn bộ bảng lương mới từ 01/7/2024 của giáo viên sẽ thay đổi. Vậy mức lương thấp nhất, cao nhất ra sao? Tham khảo ngay toàn bộ…
Nam sinh chuyên Văn nhưng chọn Sư phạm Toán: Từng nghĩ sẽ bỏ cuộc rồi thành Á khoa, đưa lời khuyên “vàng” về chọn ngành
Xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chu Văn An nhưng lại tốt nghiệp Á khoa ngành Sư phạm Toán (dạy bằng Tiếng Anh),…
Từ 1/7/2024: Hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng?
Dư luận đang lan truyền thông tin hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 khiến các…
2 bảng lương mới của giáo viên từ 1/7/2024: Các khoản phụ cấp chiếm 30%
Khi cải cách tiền lương thì 02 bảng lương mới của giáo viên là viên chức sẽ thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương so…
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Thêm 2 khoản phụ cấp mới, lương cụ thể là bao nhiêu?
Hai khoản phụ cấp mới trong lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách không chỉ giúp tạo ra một hệ thống phụ cấp linh hoạt và…
End of content
No more pages to load