Bất chấp mọi lời khuyên can của những người xung quanh, chị Trâu Hồng Yến, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vẫn quyết giữ lại cậu con trai bại não của mình và kiên trì nuôi dạy con nên người. Để rồi 29 năm sau đó, kỳ tích thực sự đã tìm đến với mẹ con chị…
Sản phụ cố chấp
Một ngày tháng 7/1988…
Người mẹ trẻ Trâu Hồng Yến, khi ấy mới 25 tuổi, đã phải trải qua những giây phút khó khăn nhất cuộc đời khi đứa con bé bỏng mà chị ngày đêm mong ngóng bị ngạt thở trong lúc sinh.
Kiên cường chống chọi với những cơn đau dữ dội liên tục ập tới, nhưng chị Hồng Yến gần như sụp đổ lúc nghe bác sĩ thông báo: “Đứa trẻ này có cứu cũng chẳng để làm gì, sau này không ngốc nghếch thì cũng bệnh tật. Tôi khuyên anh chị hãy từ bỏ.”
Chưa hết bàng hoàng, sản phụ đáng thương lại tiếp tục bị đả kích vì câu nói vô tình của người chồng mà chị từng hết lòng yêu thương: “Đừng giữ đứa trẻ này nữa, sau này nó sẽ làm khổ chúng ta cả đời.”
Nghĩ đến việc đứa con mình mất bao công mang nặng đẻ đau suốt 10 tháng trời sẽ không có cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời, chị Hồng Yến cố dùng nốt chút sức mọn phản bác: “Không được! Em muốn sinh nó ra! Bàn chân bé nhỏ của con đã đạp vào bụng em mạnh như thế, trái tim con và trái tim của em đã cùng chung một nhịp đập. Em từng hứa sẽ đưa con đến thế giới này để cùng nếm trải mọi vui buồn với mình rồi mà.”
“Anh có đúng là người đàn ông mà em đã từng quen biết không? Thật vô tình, ích kỷ, vô trách nhiệm. Loại chồng như thế thì thà không có còn hơn!” Bản năng làm mẹ trỗi dậy, khiến cho một người phụ nữ mềm yếu như chị bỗng trở nên mạnh mẽ và cương quyết hơn bao giờ hết.
Đứng giữa cốt nhục đáng thương mà ông trời đã phái đến bên mình và người chồng xa lạ với những lời nói tuyệt tình, chị Trâu Hồng Yến đã lựa chọn bỏ chồng để giữ con.
Và rồi cuộc sống khó khăn với bao nỗi trăn trở nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc của mẹ con chị bắt đầu từ đó…
Người mẹ toàn năng
Do bị ảnh hưởng từ sự cố lúc chào đời, cậu bé Đinh Đinh làm gì cũng chậm hơn các bạn cùng trang lứa: 1 tuổi vẫn chưa biết nắm mở bàn tay, 2 tuổi mới đứng lên được, 3 tuổi mới chập chững biết đi, 6 tuổi mới biết nhảy nhót…
Việc nuôi dạy con chưa bao giờ là đơn giản, và đối với chị Hồng Yến thì lại càng khó khăn hơn bội phần.
Năm đó, chị làm chủ nhiệm ở trường Sư phạm Mẫu giáo Vũ Hán với mức lương không được nổi 100 tệ (tương đương 330 nghìn đồng – theo tỷ giá hiện tại). Cả gia đình 4 người – 3 thế hệ cùng sống chung trong một căn nhà chật hẹp chưa đầy 20m2, cứ mỗi lần mưa to lại dột từ gian bếp cho tới giường ngủ. Không những vậy, Đinh Đinh còn phải chữa trị rất tốn kém, chỉ tính riêng khoản xoa bóp, mỗi tuần chị đều phải đưa con đi ít nhất 3 lần, mỗi lần tốn đến 5 tệ (tương đương 16 nghìn đồng).
Để có tiền nuôi sống cả nhà và chữa bệnh cho Đinh Đinh, chị Hồng Yến đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, nhận làm thêm đủ mọi việc, từ đứng lớp dạy lễ nghi cho đến bán bảo hiểm.
Trong những tháng ngày gian khổ ấy, chị Hồng Yến chưa từng cảm thấy hối hận, bởi chị luôn tin tưởng một điều: mặc dù bác sĩ không hứa hẹn gì về khả năng bình phục của Đinh Đinh, nhưng chỉ cần được điều trị thì vẫn tốt hơn là không chạy chữa.
Vì muốn tạo dựng cho con một tương lai tươi sáng hết sức có thể, chị Hồng Yến đã cố học cách xoa bóp để tự tay thực hiện mỗi khi rảnh rỗi; giờ nghỉ trưa nào chị cũng tranh thủ chạy về nhà dạy con xếp giấy để phát triển trí tuệ; ngoài ra, chị còn mua cho con các loại bảo hiểm, để phòng trừ trường hợp xấu nhất có thể xảy ra…
Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Hồng Yến đều chăm chỉ đi làm vào ban ngày, rồi tối đến lại vội vàng trở về nhà đưa con đi chữa bệnh. Thậm chí có những lúc, bác sĩ chữa trị cho Đinh Đinh đã phải rơi lệ vì sự kiên trì đến mức cứng đầu của chị.
Tuy vất vả là thế, nhưng chị chẳng bao giờ than thân trách phận. Ngược lại, chị còn rất biết ơn số mệnh, bởi: “Lần đầu tiên con biết tự đứng dậy, lần đầu tiên con biết bước đi, hay lần đầu tiên con cất tiếng gọi “mẹ” đều là những món quà mà bề trên ban cho tôi. Ông trời đối với tôi cũng không hề tệ bạc.”
Bà mẹ nghiêm khắc
Trong mắt mọi người, chị Hồng Yến là một bà mẹ vô cùng nghiêm khắc.
Đinh Đinh rất khó kiểm soát hoạt động tay chân nên những việc như cầm đũa hay cầm bút quả thực quá xa vời đối với cậu bé.
Ấy thế nhưng, bất chấp mọi lời khuyên can của những người xung quanh, chị Hồng Yến vẫn bắt con học bằng được cách cầm đũa. Bởi chị không muốn sau này cứ mỗi lần ngồi ăn cơm với người khác, con trai chị lại phải mất công giải thích với họ rằng cậu bị bại não nên không thể làm mọi việc như người bình thường. Đối với chị, việc này sẽ khiến lòng tự trọng của Đinh Đinh bị tổn thương sâu sắc.
Chị vừa mắng, vừa đánh, lại vừa phải kiên trì dạy con cầm đũa suốt 1 năm trời mới thu được kết quả như mong đợi.
“Tôi không muốn con vì mặc cảm mà thu mình lại. Cũng bởi con có nhiều mặt không bằng người khác nên tôi mới phải đưa ra những yêu cầu càng khắt khe hơn dành cho con, để con có thể nỗ lực nhiều hơn nữa.”
Chị Hồng Yến đã nghĩ ra đủ mọi phương pháp để giúp con khắc phục những khó khăn trong học tập do cơ thể tật nguyền gây ra. Đinh Đinh cầm bút không chặt, chị nắm lấy bàn tay bé nhỏ của con rồi nhẫn nại cùng con tô từng nét chữ. Ban đầu, chị cho con dùng bút loại to để dễ kiểm soát, rồi dần dần đổi sang loại bút nhỏ giống như của các bạn khác.
Ngay từ lúc Đinh Đinh 1 tuổi, chị đã đọc sách cho con nghe mỗi ngày. Có lẽ nhờ vậy mà chưa đầy 2 tuổi, cậu bé đã nhận diện được hơn 100 ký tự tiếng Hán.
Đến khi con trai đi học, chị Hồng Yến không bắt con làm quá nhiều bài tập, cũng chẳng ép con đi học phụ đạo. Chị luôn để con tự tìm ra lời giải mỗi lúc gặp phải bài toán khó với câu “thần chú”: “Đừng hỏi mẹ, mẹ là người mù chữ.”
Bằng tình yêu thương vô bờ bến và những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Trâu Hồng Yến đã dẫn dắt cậu con trai 29 tuổi vượt qua hết khó khăn này đến cửa ải khác. Bà mẹ đơn thân cố chấp chia sẻ: “Tôi là người quyết định giữ con lại, nên tôi sẽ phải ở bên con đến cùng. Thực ra những khi nuôi con quá vất vả, tôi cũng từng nghĩ nếu như đến lúc nào đó tôi buộc phải ra đi thì cũng sẽ đưa con đi cùng, không bao giờ để con phải sống khổ sở một mình trên cõi đời này.”
Người dẫn dắt tinh thần
Nhờ có sự chỉ bảo tận tình và những yêu cầu khắt khe của mẹ, năm 2011, Đinh Đinh đã tốt nghiệp Học viện Môi trường Khoa học và Công trình, thuộc trường Đại học Bắc Kinh – ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc. Cũng trong năm đó, Đinh Đinh tiếp tục theo học tại Học viện Luật Quốc tế, trực thuộc Đại học Bắc Kinh.
Sau 2 năm đi làm, vào tháng 3/2016, Đinh Đinh đã nhận được học bổng của trường Đại học Harvard, chuyên ngành luật.
Chàng trai bại não đã làm nên kỳ tích cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc xin học bổng của Harvard, là do mẹ không ngừng động viên, khích lệ tôi cứ thử sức mình. Mỗi lần tôi do dự, nghi ngờ về con đường tương lai, mẹ lại giơ đôi bàn tay đầy sức mạnh của mình ra để bảo vệ tôi và đưa tôi tiến về phía trước.”
Đối với Đinh Đinh, mẹ không chỉ là mẹ, mà còn là cô giáo, là người dẫn dắt tinh thần tuyệt vời của cậu. Thế nhưng, chị Hồng Yến lại luôn cho rằng mình chỉ là một người bạn đồng hành, bạn chí cốt của con trai mà thôi.
Nhắc lại chuyện cũ, người ta chỉ thấy trong mắt chị Trâu Hồng Yến ngập tràn hạnh phúc, giống như bao nỗi khó khăn, vất vả mà hai mẹ con chị đã phải trải qua chỉ là một cơn mơ thoáng qua vậy. Nhận được vô số lời khen ngợi và sự ngưỡng mộ của những người xung quanh, chị chỉ mỉm cười tổng kết: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bản thân là một người vĩ đại. Tôi nghĩ mình là một người mẹ luôn vì con mà không ngừng tiến về phía trước thì đúng hơn.”
Đinh Đinh hiện đang theo học tại Đại học Harvard với mức học bổng 75%. Tuy chi phí học tập và sinh hoạt ở bên kia bán cầu hết sức đắt đỏ, nhưng chị Trâu Hồng Yến vẫn luôn gồng mình gánh vác mọi việc để con có thể hoàn thành ước mơ và gây dựng sự nghiệp vẻ vang đúng như tâm nguyện của người làm mẹ.
Cậu con trai hiếu thảo cảm thấy hết sức áy náy với mẹ, bởi đã gần 30 tuổi rồi mà vẫn phải “ăn bám” mẹ. Đinh Đinh hy vọng sẽ sớm kiếm được tiền để có thể san sẻ gánh nặng với mẹ và tạo cho mẹ một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Có lẽ, những chương tiếp theo trong câu chuyện cuộc đời vừa bi thương lại đầy màu sắc của hai mẹ con chị Hồng Yến sẽ do con trai chị viết tiếp. Tuy hồi kết vẫn đang còn bỏ ngỏ, nhưng ai cũng tin tưởng một cậu bé kỳ diệu đã nhận được rất nhiều tình yêu thương từ mẹ như Đinh Đinh chắc chắn sẽ viết nên thật nhiều kỳ tích khác…
News
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2024 CHÍNH THỨC
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: – Ngày 26/6/2024: làm thủ tục…
Toàn bộ bảng lương chi tiết nhất của giáo viên từ 1/7/2024: Mức lương cao nhất của thầy cô cụ thể là bao nhiêu?
Toàn bộ bảng lương mới từ 01/7/2024 của giáo viên sẽ thay đổi. Vậy mức lương thấp nhất, cao nhất ra sao? Tham khảo ngay toàn bộ…
Nam sinh chuyên Văn nhưng chọn Sư phạm Toán: Từng nghĩ sẽ bỏ cuộc rồi thành Á khoa, đưa lời khuyên “vàng” về chọn ngành
Xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chu Văn An nhưng lại tốt nghiệp Á khoa ngành Sư phạm Toán (dạy bằng Tiếng Anh),…
Từ 1/7/2024: Hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng?
Dư luận đang lan truyền thông tin hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 khiến các…
2 bảng lương mới của giáo viên từ 1/7/2024: Các khoản phụ cấp chiếm 30%
Khi cải cách tiền lương thì 02 bảng lương mới của giáo viên là viên chức sẽ thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương so…
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Thêm 2 khoản phụ cấp mới, lương cụ thể là bao nhiêu?
Hai khoản phụ cấp mới trong lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách không chỉ giúp tạo ra một hệ thống phụ cấp linh hoạt và…
End of content
No more pages to load