Bên cạnh thành tích học tập tốt, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thì một yếu tố khiến hồ sơ của Bảo Trân ấn tượng đó chính là bài luận.
Dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, Nguyễn Bảo Trân (sinh năm 2005, học sinh khóa 37 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng) vẫn ngồi trước màn hình máy tính, chăm chú đọc lại từng từ, từng chữ trong thông báo trúng tuyển và xác nhận học bổng gần 4,7 tỷ đồng chuyên ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh của trường Đại học Lehigh (Bethlehem, Pennsylvania, Mỹ). Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu nữ sinh đọc email này, chỉ biết rằng mỗi khi nghiền ngẫm lại, Trân vẫn cảm thấy vui vì mọi cố gắng của bản thân cuối cùng đã được đền đáp.
Nhờ thành tích này, trong khi bạn bè đồng trang lứa đang phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đang đến rất gần thì Bảo Trân lại “thảnh thơi” phần nào vì vào tháng 8/2023 sắp tới nữ sinh sẽ chính thức “xuất ngoại”, bắt đầu hành trình du học nơi “xứ sở cờ hoa” tráng lệ.
“Đi du học đâu cũng được, miễn được đi!”
“Đi du học đâu cũng được, miễn được đi mẹ ạ!” – là điều mà Bảo Trân thường xuyên nói với mẹ mỗi khi hai mẹ con ngồi thủ thỉ với nhau về tương lai sắp tới. Bởi chẳng biết bằng một thứ động lực vô hình nào đó mà du học đã trở thành “big dream” (ước mơ lớn) của Trân ngay từ khi còn tấm bé.
Ban đầu, Trân đặt mục tiêu săn học bổng ở châu Âu, cụ thể là nước Đức, nhưng sau quá trình tìm hiểu và cân nhắc mọi thứ, nữ sinh nhận thấy Mỹ mới là điểm dừng chân tiếp theo mà mình cần chinh phục.
Để không lãng phí thời gian, Trân bắt tay ngay vào quá trình “làm đẹp” hồ sơ của bản thân. Không chỉ học tập tốt khi liên tục giữ điểm GPA hơn 9.0, tham gia nhiều chương trình và giành được giải cao trong các cuộc thi học thuật, mà cô bạn cũng rất tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa. Từ năm 2020 đến nay, nữ sinh đã tổ chức và hoạt động ở hơn 20 dự án thiện nguyện, giữ vị trị nòng cốt trong nhiều CLB.
Không chỉ học tập tốt mà nữ sinh còn tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa
Trong hành trình đó, kỷ niệm mà nữ sinh nhớ nhất đó là dự án thiện nguyện “Màu nắng trẻ thơ” của CLB BlissKidz do cô sáng lập. Dù chỉ còn lại vỏn vẹn 2-3 tháng để nộp hồ sơ, tất bật với việc học, viết luận và vô số những đầu việc cần làm khác, nhưng Trân vẫn quyết định hoàn thiện nốt giấc mơ còn đang dở mà mình ấp ủ từ lâu. Được biết, Trân cùng các bạn thực hiện mô hình gây quỹ bán đồ ăn tại nhà và ship nội thành. Sau 3 ngày bán hàng, cả team đã gây quỹ được một số tiền tương đối lớn.
Cả team quyết định sử dụng số tiền đó để tổ chức Trung thu cho các bạn học sinh tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trên đường đến đó, ai cũng bị say lên say xuống, thậm chí còn… nôn hết ra vì đường lên bản gập ghềnh sỏi đá. Trên đó gần như không có xe cộ, không có sóng điện thoại và đặc biệt không wifi, bù lại không khí lại cực kỳ trong lành, mát mẻ mặc dù đang là mùa hè.
“Chúng mình tổ chức Trung thu cho trẻ em trên đó cùng với những suất quà là mấy trăm cuốn vở, bút, hộp bút, bánh kẹo, sữa, đèn ông sao sắc màu và trao tặng cho những hộ gia đình khó khăn những nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, chúng mình cũng giúp sửa sang lại trường học, dọn dẹp và tổ chức đêm trại Trung thu cho các em trên bản. Chuyến đi 2 ngày 1 đêm thật sự để lại cho tụi mình nhiều ý nghĩa và khiến các bạn trong CLB có thêm nhiều bài học về cuộc sống hơn”, Bảo Trân kể lại.
Chuyến tình nguyện của Bảo Trân và các bạn tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trà Nam
Gây ấn tượng với bài luận về cha
Bên cạnh thành tích học tập tốt, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thì một yếu tố khiến hồ sơ của Bảo Trân gây ấn tượng chính là nhờ bài luận mang đậm dấu ấn cá nhân. Được biết, nữ sinh đã “ăn dầm nằm dề” với bài luận trong 6 tháng trời. Từ những bản nháp ý tưởng đến câu từ, từ những dấu chấm câu, dấu phẩy… đều được cô bạn trau chuốt cẩn thận bởi đây không chỉ là “tấm vé thông hành” giúp Trân nổi bật với hội đồng tuyển dụng, mà bài luận này còn là món quà cô muốn dành tặng cho một người đặc biệt đó chính là ba.
Ba của Trân là một người khá nghiêm khắc và ít khi chung “tần số” với Trân. Trước đây, ba cô bạn là trọng tài bóng đá nhiều năm liền nhận còi vàng bóng đá Việt Nam. Chứng kiến cảnh cha điều khiển trận đấu trên sân cỏ, Trân luôn tỏ lòng ngưỡng mộ với “người hùng thầm lặng” của mình. Nhưng sau những sự cố nghề nghiệp, chấn thương và khá nhiều điều không may mắn, ba của Trân đã đánh mất đi hào quang của mình.
“Trước biến cố của gia đình, mình dần rơi vào trạng thái hỗn loạn khi việc học ngày càng sa sút. Khi phát hiện mình như vậy, ba của mình đã rất tức giận và đến giờ nghĩ lại, mình thấy mình vừa ngây thơ vừa liều nữa. Nhưng nhờ lần đó mà chính ba cũng đã thức tỉnh. Cuối cùng, ba tìm một công việc ổn định sau cú trượt dài của mình. Sự vực dậy của ba đồng thời còn trở thành động lực giúp mình vượt qua khủng hoảng tuổi 16, 17.
Mình luôn tự hào về ba. Bài luận của mình đã xoay quanh về câu chuyện của hai ba con như vậy. ‘No struggle, no progress’ (Tạm dịch: Không đấu tranh, không tiến bộ) là bài học bản thân đã rút ra được, cũng là câu cuối cùng khép lại bài luận của mình”, nữ sinh tâm sự.