Trung thu năm ngoái, chị Lê Thanh Giang bắt đầu may gối cá gửi tặng cho các bệnh nhi ung thư. Đến nay, hàng trăm chiếc gối cá đã được hoàn thành và trao tận tay các em.
Gối cá theo bệnh nhi “về nhà”
Với nhiều người, “về nhà” là hạnh phúc nhưng đối với các bệnh nhi ung thư, “về nhà” lại đến theo cách không ai mong muốn.
Là một người mẹ toàn thời gian, chị Lê Thanh Giang (Đà Nẵng) hiểu nỗi đau ấy và khát khao giúp các em xoa dịu đau đớn, dày vò của bệnh tật.
Từ Trung thu năm 2022, chị Giang bắt đầu may gối cá tặng bệnh nhi ung thư.
Mỗi lần thấy nhóm thiện nguyện mà mình theo dõi cập nhật hình ảnh bệnh nhi khoa Ung Bướu của Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng “về nhà”, chị Giang lại đau đáu trong tim một câu hỏi: “Ngoài chuyện thi thoảng đóng góp một khoản nho nhỏ, mình có thể làm được việc gì ý nghĩa hơn cho các em?”.
Trung thu năm ngoái, chị Giang bỗng nảy ra ý tưởng may gối ôm cá tặng cho bệnh nhi đang điều trị ung thư tại Đà Nẵng.
Với công việc làm các sản phẩm thủ công từ vải và đồ chơi cho trẻ em, trong nhà luôn có sẵn vải, chị Giang lại thành thạo may vá thì chuyện làm gối ôm hoàn toàn có thể.
Sống ở miền biển, chị Giang luôn bị thu hút bởi các chủ đề liên quan đến biển cả, tôm cá, sao biển, san hô… Thế nên, chị chọn may gối ôm hình cá, sao biển… tặng cho các bệnh nhi.
Chị Giang chọn may gối có hình dáng những chú cá, sao biển… để tặng cho các bé.
Trước khi bắt tay thực hiện, chị hình dung những bệnh nhi nằm ôm gối cá như có thêm một người bạn. Các em có thể thỏ thẻ trò chuyện với bạn cá mà quên đi những cơn đau, mệt mỏi.
Chị Giang nói: “Bệnh nhi cần một chiếc gối ôm để có giấc ngủ ngon hơn, giảm cảm giác đau đớn, khó chịu.
Thế nên, những chiếc gối cá có hình dáng thon dài, có mắt miệng được thêu tay sống động, có chiếc đuôi biết vẫy… rất phù hợp với các em”.
Một chiếc gối ôm xinh xắn giúp các bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Tính đến nay, chị Giang có 4 đợt may gối cá tặng bệnh nhi. Trong đó, chị trực tiếp đến bệnh viện trao tận tay cho các bé ở 3 đợt đầu.
Những lần đó, chị Giang tận mắt nhìn thấy các bệnh nhi trải qua đau đớn, có bé đau đến mức khóc òa. Khi được chị hỏi han, một bệnh nhi tâm sự: “Con ở đây chỉ có ba và bà nội. Mẹ của con đi lấy chồng rồi”.
“Tôi chỉ chực khóc, thương cậu bé trong lúc đau bệnh lại thiếu đi vòng tay và hơi ấm của mẹ. Hay như, cô bé bị đau, vừa khóc nức nở vừa giơ tay nhận quà khiến tim tôi như bị chèn ép, không thở nổi”, chị Giang xúc động.
Có một lần, nhân viên làm việc ở phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng gọi cho chị Giang, giọng ngập ngừng: “Chị ơi, hôm bữa bên em có một bé “về nhà”. Em thấy người nhà mang cả gối cá về theo xe”.
Các bé xem cá như một người bạn thân.
Buông điện thoại, lòng chị Giang lại nặng trĩu. Có thể, người nhà của bệnh nhi đó sẽ đốt gối cá theo tục lệ. Ở thế giới khác, bé nhất định có cá bầu bạn.
Ngoài những hoàn cảnh đặc biệt như trên, các bệnh nhi khác thường nở nụ cười hồn nhiên khi đón lấy chiếc gối cá từ tay chị Giang. Niềm vui của các bé như tiếp thêm động lực, nhắc nhở chị phải sống tích cực hơn.
Lan tỏa sự tử tế
Trong đợt đầu tiên, chị Giang may 50 chiếc gối cá tặng cho 50 bệnh nhi ở Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng. Tiếp đó, chị tiếp tục làm gối tặng cho 25 em ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Trước mỗi đợt làm gối cá, chị Giang chủ động liên hệ với phòng Công tác xã hội của các bệnh viện để nắm số lượng bệnh nhi. Chị thường làm dư khoảng 5-10 chiếc, dự phòng các bé đến sau.
Những đợt đầu, chị Giang trực tiếp đến các khoa Ung bướu (Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng), khoa Nhi (Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng), khoa Nhi ung bướu (Bệnh viện Trung ương Huế) tặng gối cá cho bệnh nhi.
Chị Giang mang theo những chiếc gối cá đến thăm các bệnh nhi.
“Sau 3 đợt đầu, tôi cũng định dừng lại ở đó thôi. Sức mình có hạn, việc di chuyển xa hơn như Hà Nội, TP.HCM để tặng sẽ gặp nhiều khó khăn, số lượng bệnh nhi lại rất đông.
Tình cờ, tôi biết một bạn định kỳ phát cơm thiện nguyện cho các bé ở khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Thế nên, tôi đã liên lạc nhờ bạn kết nối, nắm số lượng bệnh nhi để may gối cá tặng cho các bé ở đây”, chị Giang cho biết.
Ở 3 đợt đầu, chị Giang góp gối cá, còn các nhà hảo tâm khác góp kinh phí hỗ trợ thêm cho các bé. Trong lần thứ tư, số lượng gối lên đến 200 chiếc nên chị kêu gọi sự đóng góp của bạn bè, người thân.
Các bé hồn nhiên đón lấy gối cá từ người phụ nữ nhân hậu.
“Dự án lần này là công sức của rất nhiều người, chứ không chỉ riêng tôi. Tôi chỉ làm cầu nối mang những món quà này đến các con thôi”, chị Giang nhấn mạnh.
Biết việc làm tử tế của chị Giang, một thương hiệu áo dài đã hỗ trợ một phần vải. Lần gần đây, một nhà vải khác đã gửi 20kg vải, tiếp sức cho chị may gối tặng bệnh nhi.
Các công đoạn cắt, may, nhồi bông, thêu mắt, miệng của gối cá đều được làm thủ công. Vải may gối là vải thô Hàn, Mỹ nhập khẩu, giống chất liệu vải mà chị Giang dùng làm các sản phẩm kinh doanh khác. Chị cẩn thận may 2 lớp, tránh lớp bông bên trong gây cảm giác khó chịu cho các bé.
Chị Giang trực tiếp lựa chọn, phối vải sao cho hài hòa và thêu mắt, miệng cho cá, còn những khâu khác phải thuê thêm thợ làm. Biết chị may gối tặng bệnh nhi, các cô thợ chỉ lấy tiền bông, tiền chỉ và một chút tiền công.
Bạn bè, ngay cả mẹ của chị Giang cũng góp sức cùng thêu mắt, miệng cho cá. Chồng chị cũng hoàn toàn ủng hộ việc làm ý nghĩa của vợ.
Chị tỉ mẩn may từng chiếc gối cá bằng tấm lòng của một người mẹ.
Để việc tốt lan tỏa, chị Giang hào sảng chia sẻ rập may gối cá cho một nhóm có 2,4 triệu thành viên trên mạng xã hội.
Chị hy vọng từ hành động nhỏ của mình sẽ có thêm nhiều người biết may vá, đủ điều kiện về thời gian, nguyên liệu, tài chính cùng nhau may gối cá tặng những em bé mồ côi, đau ốm…
Chẳng cần điều gì to tát, một chiếc gối ôm ấm áp đã đủ sưởi ấm những trái tim nhỏ bé, chất chứa tổn thương đang hiện hữu quanh ta.
News
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2024 CHÍNH THỨC
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: – Ngày 26/6/2024: làm thủ tục…
Toàn bộ bảng lương chi tiết nhất của giáo viên từ 1/7/2024: Mức lương cao nhất của thầy cô cụ thể là bao nhiêu?
Toàn bộ bảng lương mới từ 01/7/2024 của giáo viên sẽ thay đổi. Vậy mức lương thấp nhất, cao nhất ra sao? Tham khảo ngay toàn bộ…
Nam sinh chuyên Văn nhưng chọn Sư phạm Toán: Từng nghĩ sẽ bỏ cuộc rồi thành Á khoa, đưa lời khuyên “vàng” về chọn ngành
Xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chu Văn An nhưng lại tốt nghiệp Á khoa ngành Sư phạm Toán (dạy bằng Tiếng Anh),…
Từ 1/7/2024: Hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng?
Dư luận đang lan truyền thông tin hệ số lương giáo viên sẽ được tăng từ 1,8 đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 khiến các…
2 bảng lương mới của giáo viên từ 1/7/2024: Các khoản phụ cấp chiếm 30%
Khi cải cách tiền lương thì 02 bảng lương mới của giáo viên là viên chức sẽ thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương so…
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Thêm 2 khoản phụ cấp mới, lương cụ thể là bao nhiêu?
Hai khoản phụ cấp mới trong lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách không chỉ giúp tạo ra một hệ thống phụ cấp linh hoạt và…
End of content
No more pages to load